So sánh với cam kết WTO của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Thực thi các cam kết của Việt Nam với tổ chức thương mại thế giới trong lĩnh vực ngân hàng (Trang 34 - 37)

Ngày 11/12/2001, Trung Quốc đã chính thức trở thành thành viên của WTO sau gần 14 năm đàm phán. Nhìn chung, mức độ cam kết mở cửa và tự do hoá dịch vụ ngân hàng của Trung Quốc là khá cao. Trung Quốc đưa ra lộ trình tự do hóa đầy đủ trong vòng 5 năm (từ 2006 trở đi không có sự phân biệt đối xử nào giữa các TCTD trong nước và nước ngoài, không có hạn chế về loại hình TCTD, về kinh doanh ngoại tệ và hạn chế theo vùng địa lý).

Các cam kết chung trong WTO của Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tài chính bao gồm:

- Thực hiện đồng bộ, công bằng và hợp lý luật pháp, quy định và các biện pháp quản lý khác của Chính phủ - có thể áp dụng ở cấp địa phương và dưới cấp quốc gia cũng như đối với chính quyền trung ương;

- Xuất bản một tạp chí chính thức về tất cả các luật, quy định và các biện pháp quản lý khác của chính phủ có tác động đến thương mại dịch vụ;

- Báo cáo hàng năm với Ban thư ký WTO về tất cả các luật, quy định và các hướng dẫn hành chính và các biện pháp quản lý khác của chính phủ liên quan đến thương mại dịch vụ;

- Thành lập một cơ quan cung cấp thông tin và trả lời các câu hỏi liên quan đến WTO;

- Có sự xem xét của toà án đối với tất cả các hoạt động quản lý liên quan đến việc thực hiện tất cả các luật, quy định và các biện pháp quản lý khác của chính phủ liên quan đến WTO; và

- Những người ra quy định tách biệt và không chịu trách nhiệm về các đối tượng bị quy định.

Về lĩnh vực dịch vụ tài chính, Trung Quốc không cam kết về việc cung cấp qua biên giới, trừ vấn đề cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, xử lý số liệu và phần mềm liên quan, và tư vấn, trung gian và các dịch vụ tài chính phụ trợ. Các cam kết về ngân hàng của Trung Quốc bao gồm:

- Bãi bỏ các hạn chế theo địa lý đối với kinh doanh bằng ngoại tệ từ ngày gia nhập WTO. Các hạn chế về địa lý đối với kinh doanh bằng đồng nội tệ được dỡ bỏ hoàn toàn trong vòng 5 năm kể từ ngày gia nhập.

- Các hạn chế đối với khách hàng trong các giao dịch bằng ngoại tệ được xoá bỏ từ ngày gia nhập. Trung Quốc cam kết cho phép TCTD nước ngoài kinh doanh bằng đồng nội tệ với các doanh nghiệp của Trung Quốc từ ngày 11/12/2003 và với cá nhân người Trung Quốc từ ngày 11/12/2006. Các TCTD nước ngoài được cấp phép kinh doanh bằng đồng nội tệ trong một khu vực có thể phục vụ khách hàng ở bất kỳ khu vực nào khác không theo các hạn chế về mặt địa lý. Tuy nhiên, để được cấp phép kinh doanh bằng nội tệ, các tổ chức nước ngoài phải hoạt động ở Trung Quốc được 3 năm và phải kinh doanh có lãi trong hai năm liên tiếp trước khi nộp đơn xin cấp phép.

- Trung Quốc cam kết là các tiêu chí cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ngân hàng hoàn toàn nhằm mục đích bảo đảm an toàn (không áp dụng quy định về đáp ứng yêu cầu kinh tế và không có hạn chế về mặt số lượng). Các biện pháp không phải là biện pháp bảo đảm an toàn làm hạn chế quyền sở

hữu, hoạt động và hình thức pháp nhân (bao gồm cả vấn đề mở chi nhánh nội bộ và giấy phép) sẽ được xoá bỏ trước 11/12/2006.

So sánh với cam kết WTO của Việt Nam:

Với phương thức 1, trong khi Việt Nam không cam kết cả tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia thì Trung Quốc không hạn chế các loại hình cung cấp dịch vụ theo phương thức này, trừ tiếp cận thị trường liên quan đến thông tin số liệu, phần mềm, và các dịch vụ tài chính phụ trợ liên quan đến các hoạt động của ngân hàng.

Với phương thức 2, cả Việt Nam và Trung Quốc đều không có hạn chế nào ngoài trừ Việt Nam yêu cầu các dịch vụ liên quan đến ngoại hối phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Với phương thức 3, các quy định về hiện diện thương mại của Việt Nam và Trung Quốc là như nhau, tức là các ngân hàng nước ngoài có thể thành lập chi nhánh, thành lập ngân hàng liên doanh hay các công ty tài chính, tuy nhiên họ không được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên những yêu cầu liên quan đến tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia của Việt Nam tương đối phức tạp hơn của Trung Quốc. Ví dụ, trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ không cấp giấy phép thành lập thêm chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hay phần vốn góp của phía nước ngoài trong các ngân hàng liên doanh phải thấp hơn 50% tổng số vốn pháp định; việc mua cổ phần của các ngân hàng cổ phần phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó các tiêu chuẩn để thành lập chi nhánh, các ngân hàng liên doanh ở Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa trên cơ sở đánh giá mức độ thận trọng.

Về phạm vi hoạt động, trong khi Trung Quốc quy định các chi nhánh, các ngân hàng liên doanh không được kinh doanh đồng nội tệ tại một số khu vực, thành phố trong một thời gian nhất định sau khi gia nhập, Việt Nam lại đưa ra các các quy định chặt chẽ đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài,

cụ thể: các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không được đặt các máy rút tiền tự động tại những địa điểm không phải là trụ sở. Việt Nam cũng không đưa ra lộ trình dỡ bỏ những hạn chế này.

Việt Nam không có cam kết gì đối với các giao dịch theo phương thức 4 trong khi đó Trung Quốc không có bất kỳ hạn chế nào, kể cả tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia với các giao dịch thuộc phương thức 4 [3].

Một phần của tài liệu Thực thi các cam kết của Việt Nam với tổ chức thương mại thế giới trong lĩnh vực ngân hàng (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)