Khái niệm thực thi quyền có thể được hiểu trên một phạm vi rất rộng. Đó là việc áp dụng các quy định pháp luật vào thực tiễn, trong đó bao gồm hoạt động xác lập quyền, hoạt động giải quyết tranh chấp, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu và cả hoạt động nhằm điều chỉnh những quan hệ liên quan đến việc làm thoả mãn lợi ích của người thứ ba cũng như toàn xã hội đối với việc sử dụng nhãn hiệu.
Tuy nhiên, ở đây, thực thi quyền sở hữu nhãn hiệu được tiếp cận ở một góc độ hẹp hơn. Việc thực thi được hiểu là hoạt động áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
2.1.3.1. Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Cùng với sự tăng lên nhanh chóng của các nhãn hiệu được đăng ký và sử dụng trên thị trường, số lượng các vụ việc vi phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng ngày càng gia tăng. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu, bảo vệ người tiêu dùng và trật tự xã hội nói chung, luật sở hữu trí tuệ 2005 đã đặt “nền tảng pháp lý” cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, NHHH nói riêng bằng việc quy định các hành vi xâm phạm cũng như các biện pháp, cách thức xử lý các hành vi vi phạm đó.
i) Theo quy định Khoản 1, Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các loại hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
* Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
* Loại hành vi xâm phạm thứ hai là “sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
* Loại hành vi xâm phạm thứ ba là “sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng do hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa những người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
ii) Ngoài ra, tại Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu:
- Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý chính đáng.
- Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ của người khác nhằm mục đích chiếm giữ tên, miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu tương ứng.
iii) Đồng thời, tại Điều 213, các nhà làm luật cũng đưa ra khái niệm về hàng hoá giả mạo nhãn hiệu. Đó là hàng hoá có gắn nhãn hiệu được bảo
hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
2.1.3.2. Hệ thống cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật bảo hộ nhãn hiệu
Việt Nam đã xác lập được một hệ thống các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật NHHH bao gồm:
* Cơ quan đăng ký NHHH và giải quyết khiếu nại liên quan
Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký văn bằng bảo hộ NHHH và giải quyết khiếu nại là Cục sở hữu trí tuệ. Đây được xác định là một cơ quan hành chính Nhà nước. Việc cấp văn bằng bảo hộ NHHH và giải quyết khiếu nại phải tuân thủ một trình tự thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.
* Hệ thống toà án nhân dân
Hệ thống toà án nhân dân có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc bảo hộ NHHH. Bảo hộ NHHH thông qua toà án được các nước trên thế giới đề cao vì nó mang lại hiệu quả và tính công bằng được đảm bảo hơn so với các cách thức bảo hộ khác. Nhiều nước còn thành lập các toà án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ trong đó có việc giải quyết khiếu nại về NHHH, các thẩm phán được đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các toà dân sự kinh tế, hành chính và hình sự đều có thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nói chung và NHHH nói riêng.
* Các cơ quan khác có thẩm quyền: ngoài Cục Sở hữu trí tuệ và hệ thống toà án nhân dân, pháp luật còn quy định một số cơ quan khác có thẩm quyền trong việc thực thi pháp luật bảo hộ NHHH. Cụ thể là:
- Uỷ ban nhân dân các cấp, thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp, cơ quan hải quan, cơ quan quản lý thị trường có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với NHHH. Ngoài ra, các cơ
quan này còn tham gia tiến hành hoạt động điều tra, khởi tố hành vi xâm phạm quyền sở hữu NHHH khi hành vi có dấu hiệu tội phạm.
- Cơ quan hải quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ trong đó có NHHH (Điều 200, Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
- Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng li xăng (hợp đồng sử dụng nhãn hiệu) theo thoả thuận trọng tài.
- Cục quản lý cạnh tranh (cơ quan thuộc bộ thương mại) có chức năng thực thi pháp luật cạnh tranh, trong đó có bộ phận pháp luật cạnh tranh liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật kiểm soát độc quyền.
2.1.3.1.2. Các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các biện pháp xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bao gồm:
- Biện pháp dân sự - Biện pháp hành chính - Biện pháp hình sự
- Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.