Những nguồn thi hứng cơ bản trong thơ Dương Kiều Minh

Một phần của tài liệu Thơ dương kiều minh (Trang 45 - 115)

8. Cấu trúc luận văn

2.1.2.Những nguồn thi hứng cơ bản trong thơ Dương Kiều Minh

2.1.2.1. Hoài nhớ nguồn cội

Cảm hứng nguồn cội là mạch nguồn tha thiết không bao giờ vơi cạn của

thi nhân. Cho dù không thể phân định rạch ròi có bao nhiêu bài thơ kết tinh từ nguồn cảm hứng này nhưng ta có thể khẳng định đó là nguồn cảm hứng lớn nhất tạo nên vẻ đẹp tư tưởng cho thơ Dương Kiều Minh.

Phần lớn những bài thơ của Dương Kiều Minh đều hiển lộ những hình ảnh được soi chiếu từ kí ức. Dường như đối với ông mọi biểu đạt về vẻ đẹp đời sống đều được khơi gợi từ kí ức. Đó là hình ảnh người mẹ, cánh đồng lúa rộ vàng, khu vườn tuổi thơ, ngôi nhà có bậc thềm "giàn giụa trăng mỗi tối", những bụi hoa cúc dại, những đồi núi lô xô của vùng đất nơi ông sinh ra và lớn lên, những tiếng thì thầm của ngày xưa...

Kí ức trong thơ Dương Kiều Minh mạnh đến nỗi như thể đó là mảnh đất thiên đường của riêng ông. Kí ức như những lớp rêu bám dày trong ý nghĩ của ông. Nó ở ngay đấy, khi câu thơ chạm vào ngòi bút. Sự "trở về" đầy ám ảnh này trong thơ Dương Kiều Minh khiến mỗi người trong vội vàng cuộc sống không thể không dừng lại phút giây, chợt bàng hoàng tiếc nuối về một vùng đất trong tâm tưởng mình đã đi qua và có thể đã quên lãng.

Trở về với quê hương trong cõi nhớ, thi sĩ tưởng như được trở về ngày bé dại. Tuổi thơ khi ấy thênh thang hồn nhiên trong không gian bao la, trong trẻo, không một chút chen lấn, ồn ào. Bức tranh quê hương nổi lên mấy điểm nhấn là mẹ - cánh đồng - mộ chí. Ở đó, mẹ là tâm điểm và mỗi lần mẹ hiện ra là gắn liền với hình ảnh ngôi nhà và cậu bé.

Hình ảnh mẹ tỏa sáng suốt các tập thơ như biểu tượng của nguồn cội, là nơi nhà thơ nương tựa lúc cô đơn, nơi cố hương tiễn biệt và nơi để quay về. Nhớ về quê hương, về mẹ và những kỉ niệm tuổi thơ, tâm hồn thi sĩ bỗng nhẹ vơi. Bởi mẹ là quê hương - nơi neo đậu bình yên nhất của tâm hồn, nhất là

tâm hồn lữ thứ: Củi lửa; Những con thuyền tựa đêm ngủ yên; Cánh đồng thơ ấu; Cổ tích I; Cổ tích II; Hy vọng; Bộc bạch...

Ngoài mẹ, hình ảnh cánh đồng cũng là nguồn cảm hứng vô tận mỗi khi nhà thơ hoài niệm về thế giới quê xưa ấy. Cánh đồng trong thơ Dương Kiều Minh mở ra không gian từ nhỏ hẹp đến rộng lớn. Cánh đồng là không gian thiên nhiên nhưng chứa đựng ý niệm tâm tưởng. Cũng như hình ảnh người mẹ, hình ảnh cánh đồng đeo đuổi, ám ảnh nhà thơ suốt cuộc đời: Bộc bạch; Con đường cổ xưa; Cánh đồng thơ ấu; Chạnh niềm thôn dã...

Trong không gian bao la là cánh đồng, thi sĩ thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, của các loài hoa lá mà có lẽ ông yêu nhất là những loài hoa bình dị, mộc mạc. Ở đó, thi nhân thu vào cõi lòng mình đủ các màu sắc, mùi vị, âm thanh, ánh sáng... một không gian sự sống ngập tràn.

Tuy nhiên, quan sát bức tranh đồng quê của nhà thơ, ta thấy không chỉ có gam màu tươi sáng mà còn có những nét buồn. Hình ảnh cánh đồng không chỉ gắn liền với sự sống mà cả cái mất mát, chia lìa. Trong không gian quê ấy, thi sĩ luôn đau đáu khi nghĩ về nấm mồ của mẹ, của cha, của những người thân lần lượt yên nằm: Những con thuyền tựa đêm ngủ yên; Đất; Thôn dã; Chạnh niềm thôn dã; Ngôi nhà của mẹ... Như vậy, hạnh phúc, khổ đau - hai tảng đá vô hình (Tôi chợt sợ những bông lau tím lạnh) luôn song hành trong thơ ông. Cảm hứng về nguồn cội không chỉ thể hiện ở những bài thơ viết về mẹ, về quê hương mà còn cả những bài thơ về các truyền thuyết, huyền thoại và lịch sử in đậm trong trí tưởng tượng của nhà thơ. Ở đó, thi nhân ẩn náu vào số phận và tư tưởng của những thần tượng mang màu sắc huyền thoại lịch sử để suy ngẫm về thế cuộc hoặc để giãi bày... Ở đó, thi nhân nung nấu một khao khát tìm kiếm nghệ thuật thơ ca, làm lạ đi cách diễn ngôn, lối viết, tìm một kiểu tư duy mới trong sáng tạo nghệ thuật. Cảm hứng này đã đem đến cho Dương Kiều Minh một phong cách không trộn lẫn "hiện đại ngay trên nền

truyền thống": Dâng Lý Bạch; Gửi Đôn ki hô tê; Khuất Nguyên; Khúc dâng Mozart; Giêsu Krixtơ... Tác giả Nguyễn Việt Chiến trong Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân - 1975 - 2005 đã đánh giá rất cao khi cho rằng: "Dương Kiều Minh là một trong số ít các nhà thơ chủ động hướng tìm tòi, cách tân của mình về phương - đông - nguồn - cội. Cái khí chất ấy, cái nỗ lực ấy được thể hiện ngay từ những bài thơ đầu tiên của anh (...). Những bộc bạch ấy, những tâm sự ấy đã cùng nhà thơ đi qua những nẻo Đường thi vời vợi nỗi đau, mộng mỵ khói sương cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ... những thi hào chất ngất khí phách Trung Hoa cổ xưa (...). Thơ anh mang một phần nào đó của hào khí phương Đông, của triết học phương Đông, của ẩn ức phương Đông và bi kịch phương Đông. Bởi thế, ngay cả khi anh viết những bài thơ về các vĩ nhân và hiện tượng văn hóa phương Tây... anh vẫn viết với một tâm thế phương Đông và được soi sáng bằng một cảm quan tư duy phương Đông...".

Ta hiểu vì sao những bạn viết cùng thế hệ đã nhận xét ngòi bút Dương Kiều Minh có khả năng, có sở trường "quá khứ hóa hiện tại" và chính khả năng đó đã tạo ra chất giọng thơ của riêng ông - một giọng buồn mà kiêu hãnh của một tâm hồn thơ nhạy cảm, tinh tế và vô cùng thánh thiện.

2.1.2.2. Nỗi niềm trước trần gian thực tại

Nếu như ở cảm hứng nguồn cội, thi sĩ bình yên ở giữa cánh đồng của mẹ/ trong chiếc nôi màu thiên thanh thì giờ đây, thi sĩ trần trụi giữa cuộc đời

ru tôi không chiếc nôi tre giọng dịu buồn của mẹ/ ru tôi giờ chiếc nôi bão tố/ phận mỏng manh bọt nước ngàn trùng. Người đọc không khó để nhận ra chuỗi tâm trạng lo âu, thảng thốt, một cái tâm không yên ả của thi nhân. Từ tập thơ đầu tay Củi lửa đến các tập thơ về sau, hai trạng thái khổ đau và hạnh phúc của cái Tôi luôn song song hiện hữu mà nói như chính ông thì

Hạnh phúc, khổ đau - hai tảng đá vô hình, tương ứng với hai thế giới mà cái Tôi ấy trú ngụ: thế giới quê xưa trong hoài niệm nhớ thương da diết và hiện

thực trần gian đầy đau buồn, oái oăm, đôi khi cả mưu mô, lừa lọc. Và điều này đã lí giải vì sao thi nhân hay mơ về quá khứ, bám riết vào kí ức hoặc "vịn vào câu thơ". Ta cũng gặp lại tâm trạng này qua hai câu thơ của Phùng Quán:

Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn vào thi ca mà đứng dậy. Và, ta hiểu vì sao nhà thơ họ Dương luôn cảm thấy cô độc. "Ông luôn coi mình là kẻ lữ thứ, lữ thứ với quê xưa đã đành mà còn lữ thứ ngay nơi mình đang sống, ngay khi mình đang sống. Cảm giác ấy có tính thống trị đời sống của nhà thơ. Nó đục khoét tâm hồn ông, nó vón kết thành nỗi buồn, nỗi cô độc thường trực trong hồn thi sĩ" [15].

Bằng nhạy cảm của trái tim, thi nhân cảm nhận rõ cõi sống này không thiếu gì những "tai ách", những "cạm bẫy". Đó là "kiếp nạn trần gian", là "nơi không có ngày trở về". Có lẽ vì thế mà khi mô tả thế giới trong quá khứ, thi nhân hay dùng những hình ảnh có tính biểu tượng còn mô tả thế giới hiện tại ông thường dùng dày đặc những từ ngữ trực tiếp của cảm giác, cảm xúc kiểu như: mưu mô, lừa lọc, cám dỗ, ham hố, đánh đổi, mối họa, dục vọng, gian trá, độc ác, băng giá... (Dâng Lý Bạch; Bày tỏ; Giêsu Krixtơ; Cổ tích IV; Mùa nghiêng đổ những ngày buồn bã; Cha ơi, ngày tháng này làm con phiền lòng...).

Hiện tại ấy khiến nhà thơ thấy đau khổ, mệt mỏi, có lúc vượt qua cả sức chịu đựng: Nỗi đau này con không chịu nổi/ Nỗi đau này ngoài sức lực của con/ Con vật vã/ Con gào thét (Bày tỏ). Để rồi thi sĩ quay ra oán hận, dằn dỗi với đời: Đời người trôi qua/ Buông hận biệt ly dằng dặc (Tự sự ngày mưa).Và cũng vì thế, người đọc thường thấy xuất hiện trong thơ ông những biểu tượng về thời gian, không gian ám chỉ nỗi buồn, vô số những thán từ ô, ôi, ô hô cùng một giọng điệu buồn thương da diết. Nỗi sầu muộn cũng là dòng cảm hứng tất yếu của một thế giới cô đơn, riêng biệt, chỉ có điều nó tỏa ra ánh sáng của sự thanh sạch, tĩnh tại.

Cảm hứng này cũng là nguồn mạch thơ của nhiều thi nhân cùng thời. Nhưng nếu như trong khi nhiểu nhà thơ cảm thấy bi quan, tuyệt vọng thì Dương Kiều Minh chưa hẳn đã tuyệt vọng. Không ít lần nhà thơ nhập vào chúa, giải thoát tội lỗi, nguyện cầu cho thế gian yên bình hoặc ông luôn đặt mình - sứ mệnh của thơ ca và nhân cách một nhà thơ chân chính - để cười ngạo cuộc đời. Do vậy, hiện thực trong thơ Dương Kiều Minh có gam màu u tối nhưng không bi lụy. Thơ ông vẫn tràn ngập ánh sáng, cho dù đó là ánh sáng từ ký ức xa xăm nhưng cũng đủ để xua tan giá lạnh và bóng tối. Và dẫu hiện thực cuộc đời có nghiệt ngã, thi nhân cũng sẵn sàng đối mặt với nó và luôn mang một tinh thần nhập thế tích cực bằng sứ mệnh cao đẹp, cao cả của một nhà thơ chân chính (Bày tỏ; Giêsu Krixtơ...).

Như vậy, từ hai nguồn cảm hứng này, thi nhân đã cho ra đời bảy tập thơ được đánh giá cao, thể hiện được cá tính nghệ thuật độc đáo trong việc xây dựng, hình thành một thế giới nghệ thuật dung chứa những khát vọng, tư tưởng của nhà thơ. Những kết tinh của hai nguồn cảm hứng này, luận văn sẽ trình bày cụ thể ở phần tiếp theo.

2.2. Hệ thống biểu tƣợng

2.2.1. Biểu tượng về thời gian

2.2.1.1. Những biểu tượng nói về thời gian đời người

"Biểu tượng thơ ca là những biểu tượng trong sáng tạo thơ ca tức là những hình ảnh tín hiệu ngôn ngữ trong tác phẩm có tính khái quát và phổ biến đến mức có khả năng gợi ra một hình ảnh khác hoặc một số phẩm chất, một số đặc trưng khác với đối tượng biểu hiện" (Nguyễn Thái Hòa). Đọc thơ Dương Kiều Minh, ta nhận thấy những đơn vị đo đếm thời gian xuất hiện với tần số lớn và nó trở thành biểu tượng nói về thời gian đời người. Từ những đơn vị thời gian ngắn nhất được tính bằng phút, giây đến những đơn vị thời gian dài nhất được dồn nén bằng kiếp người, bằng thế kỉ.

Hãy đọc những bài thơ ấy của Dương Kiều Minh:

Em ngúng nguẩy tám năm về trước Mắt thôn quê ngấn ướt đợi chờ

(Bản giao hưởng đồng quê)

Mơ được về bên mẹ (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa...

(Củi lửa)

Bất chấp những tị hiềm xứ sở gió mưa vần vũ bao thế kỷ

Câu thơ đau đáu một đời...

(Dâng Lý Bạch)

...Vào một buổi chiều tàn, tỉnh dậy, se lạnh thấy lòng trống trải bất lực. Nhận thấy đời người cũng thật dài trong nhọc nhằn, thật ngán ngủi trong niềm vui.

Ôi, con người đừng đặt quá nhiều hi vọng vào cuộc đời...

(Cây cườm cườm và ngôi chùa cổ)

Đơn vị thời gian trong thơ Dương Kiều Minh thể hiện các mốc thời gian cụ thể, rõ ràng, ít tính ước lệ. Đây là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong thơ ca truyền thống. Người đọc còn nhận thấy các tuyến thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai đan xen nhau tạo ra lớp lớp những ý nghĩa diễn tả tâm tư tình cảm của nhà thơ. Suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời nên tác giả còn nói nhiều đến thời gian. Thi nhân muốn chiếm giữ nhiều thời gian để sáng tạo và tận hưởng, để suy ngẫm giãi bày. Thi nhân muốn sống trong thời gian, xuyên qua thời gian bằng nhiều cách. Thời gian được hình dung từ niềm ham sống và cách sống của nhà thơ. Thời gian vận động và ngưng lại trong ký ức. Tác giả luôn cố gắng giá trị hoá từng khoảnh khắc thời gian vì ông quý thời gian xem thời

gian như cuộc sống của mình. Khi tuổi già ập đến, bệnh tật không buông tha, khi những trách nhiệm xã hội chồng chất lên vai và khi chạnh lòng thấy cuộc đời giông bão, thơ Dương Kiều Minh bắt đầu ánh lên những nét muộn phiền Trước Dương Kiều Minh, Nguyễn Bính cũng là người hay dùng số từ để đếm nhưng lại thường là những con số ước lệ (đôi, vài, trăm, nghìn...), nếu có những con số cụ thể thì thường nói về sự tương tư nhung nhớ người tình:

Tương tư một đêm năm canh chẵn/ Nhớ nhung một ngày mười hai giờ ( Ái khanh hành) hoặc Chờ mong như suốt đêm qua,/ Chàng ơi! một tháng là ba mươi ngày (Chờ mong). Trong bài thơ Tập đếm của Nguyễn Trọng Tạo cũng có những đơn vị thời gian cụ thể như 24 tiếng, mỗi ngày, cả tuần nhưng cũng xuất hiện từ tâm lí ngóng đợi mỏi mòn của những kẻ yêu nhau. Và trong thơ Trương Đăng Dung, sự kiếm tìm bằng thời gian và niềm mong đợi cũng hướng về tình yêu: Bao năm rồi anh tìm em?/ Trong những bình minh không có mặt trời (Ảo ảnh) hoặc đó là thời gian tưởng tượng đến vô cùng: Có thể em quên rằng anh đã gặp em/ hai mươi ba ngàn năm về trước/ ở một bến sông

(Có thể). Dương Kiều Minh ít viết thơ tình, bởi thế những con số chỉ thời gian cụ thể trong thơ ông thường là các mốc tâm trạng quan trọng để nhà thơ giao hòa với thiên nhiên tạo vật hay là để diễn tả những trăn trở, ngẫm suy về thế sự, những hoài niệm da diết về cố hương, thảng thốt còn là những dấu ấn buồn vui trên đường đời.

2.2.1.2. Biểu tượng thời gian đêm

Đêm tối chính là khoảnh khắc lắng đọng lại sau một ngày dài của cuộc

sống thường nhật xô bồ. Đêm tối đem đến không gian yên tĩnh nhất để con người có thể suy ngẫm. Đêm cũng là khoảnh khắc mà tâm hồn thấy trống trải và cô đơn nhất để người ta tìm đến thơ, trải nghiệm nỗi lòng. Đêm cũng là thời khắc của hỗn hợp cảm xúc và suy nghĩ để khó có thể định hình và phân

biệt. Và thời gian đêm trong thơ chính là sự phản ánh một cách rõ ràng tâm trạng của nhà thơ và nó cũng là yếu tố tạo nên phong cách riêng của tác giả. Trong thơ Dương Kiều Minh, những từ chỉ thời gian đêm xuất hiện tương đối nhiều, nó không đơn thuần chỉ là một ngôn từ quen thuộc mà đã trở thành biểu tượng cho nỗi lòng. Và có lẽ từ khi thi nhân nhận ra mọi thứ xung quanh đang vận động hối hả: già nua sầm sập (Ngóng bạn), già nua săm sắn đến chào (Những đoạn thơ khởi đầu, bỏ dở), nhân tình thế thái chông chênh, cô quạnh... thì những từ ngữ này càng xuất hiện dày đặc hơn. Đối diện với bóng đêm, bất cứ ai cũng thấy nao lòng bởi đó là lúc không gian yên tĩnh đến đáng sợ. Đối diện với đêm, thi nhân thảng thốt nhận ra cuộc đời bóng câu lướt qua ô cửa - đấy là điều lo sợ nhất với mỗi người. Tư tưởng này không chỉ cho thấy Dương Kiều Minh rất am tường triết học phương Đông và triết lí nhà Phật mà còn cho thấy một Dương Kiểu Minh đầy "duy lí tỉnh táo". Ông thấm thía về cái nhỏ bé của con người trước vũ trụ rộng lớn và sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời người để rồi tự biết tận dụng quỹ thời gian đời người eo hẹp ấy. Đây chính là một nét đổi mới của tư duy nghệ thuật thơ Dương Kiều Minh so với các nhà thơ trước 1975.

Phải, tôi biết rồi

Một phần của tài liệu Thơ dương kiều minh (Trang 45 - 115)