8. Cấu trúc luận văn
1.2.3. Quan niệm của Dương Kiều Minh về nghệ thuật thơ
Quan niệm nghệ thuật của một nhà văn hoặc thể hiện rõ qua lời phát biểu trực tiếp hoặc gửi gắm trong thực tế sáng tác. Và dù có được thể hiện dưới dạng nào thì điều quan trọng để công chúng cảm nhận được vẫn phải là sự thể hiện bằng chính thực tiễn sáng tác. Muốn hiểu sâu sắc sự nghiệp văn chương của một nhà văn không thể không tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của nhà văn đó.
Nghiên cứu về thơ Dương Kiều Minh, chúng tôi nhận thấy quan niệm nghệ thuật về thơ của ông được thể hiện qua một số phương diện sau đây:
Thứ nhất: Thơ ca bắt nguồn từ khoảng trống
Khi nghĩ về ngọn nguồn của sáng tác thơ ca, Dương Kiều Minh từng băn khoăn: Những bài thơ đã được viết là bởi lực thôi thúc và quyến rũ từ đâu? [25]. Băn khoăn rồi tự đi tìm kiếm câu trả lời, thi nhân lại viết: Thi ca là một cái gì ở ngoài ta, bao trùm quanh ta? Hoặc nó ở trong ta, trong sâu thẳm cõi lòng? Tôi đồ rằng Thi ca nằm ở những khoảng trống trong thế giới của con người. Nơi đời sống tinh thần của mỗi người hướng tới cái bí ẩn, cái vô biên, và cái vô cùng... (Lời phụ ghi bên bản thảo tập thơ chưa hoàn thành).
Nhà thơ cho rằng thơ ca bù đắp khoảng trống, làm thơ cũng là cách để nhà thơ bù đắp khoảng trống trong tâm hồn mình. Nhưng khoảng trống ấy không phải chỉ của riêng cá nhân tác giả mà của cả mọi người, cõi đời vô biên mà thi sỹ gọi là "cơn say đắm mê cuốn kéo dài".
Một lần khác, trong bài Hai đoạn suy tưởng về cổ ý và thi ca, cụ thể ở
phần bàn về "Nhà thơ và thi ca", Dương Kiều Minh cho rằng: Con đường tìm
tới niềm vui và hạnh phúc của con người qua mọi thời đại trong đời sống thế tục là bất khả giải. Tôi đồ rằng thi ca hiện ra từ thế giới ảo giác của nhà thơ. Thơ ca chính là thứ ký hiệu của thông điệp mà nhà thơ muốn gửi tới đồng loại trong khát khao kiếm tìm sự đồng cảm với thế giới ảo giác của mình. Do sẵn mang cái hạt mầm của thế giới ảo giác trong tư chất ngay từ ấu thời, nên nhà thơ không khỏi lận đận trong những bước chân nơi thế tục ghập ghềnh, khúc khuỷu và ngoắt ngoắt như những mê lộ, càng đi càng xa càng bị cuốn sâu vào những ngõ ngách của ma trận đồ, sự thất vọng càng tăng, khát vọng lại càng bùng cháy. Và có lẽ vì thế mà thơ ca đối với ông chính là niềm vui và hạnh
phúc dù nó "bất khả giải". Mỗi bài thơ được ra đời là một phần thưởng vô giá mà phút thăng hoa ban tặng. Dương Kiều Minh cứ đắm chìm như thế để tâm hồn không gợn với xô bồ, giành giật, chen lấn ồn ào của đám đông. Trong một cuộc hội thảo về thơ năm 2008, ông cũng đã từng đề nghị người làm thơ không nên xếp mình là một nhà nhà thơ đẳng cấp này, đẳng cấp nọ. Bởi với thi nhân, thơ ca mang sứ mệnh cao cả hơn rất nhiều, thơ ca lấp đầy khoảng trống tâm hồn, làm cho người đọc hiểu được cuộc đời ngắn ngủi và nỗi sầu nhân thế để mà yêu hơn người, yêu hơn cuộc đời và nâng niu khoảnh khắc ta sống. Và thông điệp ấy chỉ có thể đến từ thơ.
Ta hiểu rằng, có lẽ chính quan niệm ấy mà trong đời thơ, Dương Kiều Minh dù không nhận được một giải thưởng vật chất nào nhưng ông và thơ ông đã được tôn vinh ở giá trị cao nhất mà không giải thưởng nào có thể sánh được.
Thứ hai: Tính tất yếu của nghệ thuật là đổi mới
Trong bài viết trên Tản Viên Sơn số 2.2012, Dương Kiều Minh đã bàn đến vấn đề của đổi mới: ...cải sang cái mới là đổi sang cái gì đó tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn và phù hợp hơn với hiện tại. Câu nói tuy ngắn nhưng chỉ ra cốt lõi của vấn đề: đổi mới là phải thay đổi nhưng không phải cứ thay đổi là đổi mới mà quan trọng là đổi mới phải có hiệu quả, phải phù hợp.
Nhà thơ cũng khẳng định: Sáng tạo thi ca mãi mãi là cuộc vận hành không ngừng nghỉ mang theo sự biến đổi thi pháp với mục tiêu bù đắp những khiếm khuyết thiếu hụt về đời sống tinh thần; Dù cái mới nhiều khi chưa hẳn đã là tốt đẹp... nhưng luôn là nhu cầu tự thân của mọi sự vận hành [17]. Và để trả lời cho câu hỏi đổi mới như thế nào, Dương Kiều Minh cho điều đó phải được thực hiện ở ba phương diện: cảm xúc; tư duy nghệ thuật và hình thức nghệ thuật. Có lẽ, xuất phát từ nhận thức thơ là sự giãi bày tình cảm trực tiếp cho nên nhà thơ đã đặt cảm xúc lên hàng đầu. Ông cho rằng, đổi mới thơ trước hết phải làm tươi mới cảm xúc của mình. Điều đó được minh chứng rõ nét trong bảy tập thơ của Dương Kiều Minh và nó cũng lí giải vì sao càng về sau thi sỹ luôn thao thức bởi những thôi thúc nghệ thuật thi ca. Ông luôn muốn làm một cái gì đấy, một điều gì đấy bởi vẻ đẹp quyến rũ của Con Người và Thi Ca đang hao khuyết, đang có những khoảng trống cần được khỏa đầy. Dương Kiều Minh cũng từng là người khởi xướng quan điểm "Máu chữ". Đây là lần rất hiếm hoi ông tuyên ngôn về thơ, ông không đồng ý thơ là "phu chữ" mà thơ phải là "máu chữ". Theo nhà thơ, trong hành trình của thơ ca, "phu chữ" chỉ là một công đoạn của việc hoàn tất văn bản của nhà thơ, chứ không phải là công việc cốt lõi. Thơ phải là "máu chữ". Tất nhiên, có nhiều tranh luận xung quanh quan điểm này. Nhưng rõ ràng, Dương Kiều Minh đã bày tỏ một suy ngẫm khắc nghiệt của riêng ông, rằng thơ ca sinh ra "với
nhiệm vụ và tác dụng cụ thể của nó đối với hạnh phúc của con người, chứ không phải sinh ra để nghịch chơi"[51].
Ông cũng đã chứng minh quan điểm đó bằng toàn bộ cuộc đời cầm bút của mình, bằng ý thức không ngừng tìm kiếm cái mới trên nền tảng của truyền thống. Vì không đồng ý với việc nhiều người làm thơ chỉ là thể hiện "nghệ thuật sắp xếp chữ" thế nào cho lạ, cho khác biệt mà quên đi vẻ đẹp nội dung của ngôn từ, của thẩm mỹ, chúng ta thấy thơ Dương Kiều Minh là sự tuôn chảy của cảm xúc thăng hoa, của tình yêu bất tận với cuộc đời, dù cho cuộc đời có lúc chỉ là ảo ảnh như một vệt mờ của ký ức.
Thứ 3: Tìm về với phƣơng Đông
Nhà thơ Vũ Quần Phương từng nói: Văn chương thời nào cũng có mốt
của nó. Nhìn vào đời sống văn chương sau 1975, quả tình cũng có rất nhiều thứ "mốt" khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu thời đại, như một lẽ tất nhiên văn chương phải đổi mới, mỗi nghệ sỹ phải hối hả đi tìm khuôn mặt riêng cho mình và Dương Kiều Minh cũng vậy. Chỉ có điều, nếu như nhiều cây bút nỗ lực đổi mới văn chương (thơ ca) theo hướng "lạ hóa", "Tây hóa" thì Dương Kiều Minh ngược lại, ông hiện đại ngay trên nền truyền thống, tìm về phương Đông. Quan điểm nghệ thuật này tuy chưa bao giờ được phát biểu trực tiếp nhưng rõ ràng đã được gửi gắm, được thể hiện xuyên suốt bảy tập thơ.
Trước hết, người đọc bắt gặp những bài thơ mang vẻ đẹp truyền thống. Vẻ đẹp ấy được toát ra ngay từ cảm xúc và hình ảnh thơ. Thơ Dương Kiều Minh thường khởi ra từ những ấn tượng mộc mạc làng quê, đất đai, đồng ruộng hay nói cách khác là ông thường nhìn thế giới bằng con mắt của người quê, một người quê đích thực vừa nhân hậu nghĩa tình, vừa chất phác, chính trực.
Bên cạnh đó, Dương Kiều Minh cũng khẳng định rõ quan điểm sáng tác tìm về phương Đông ở số lượng những bài thơ mang đậm phong vị, cốt cách thơ cổ điển. Là một tác giả hiện đại có ý thức cách tân mạnh mẽ nhưng thơ
Dương Kiều Minh lại mang đậm sắc thái cổ điển. Rất nhiều nhà phê bình đã chỉ ra không khí cổ thi bàng bạc trong thơ ông, từ thi hứng, thi tứ đến hệ thống thi liệu, hình ảnh... Quả thực, nỗi buồn, sầu thân phận trong thơ Dương Kiều Minh sao gần gũi với nỗi buồn sầu trong cổ thi đến thế! Cái chân dung tinh thần u sầu, trầm thống trong thơ Dương Kiều Minh sao mà gợi cho ta liên tưởng dễ dàng đến chân dung của những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nguyễn Du... trong thơ xưa như vậy! Ta cũng rất dễ dàng nhận ra những cảm nhận và diễn đạt quen thuộc, mang đậm tư tưởng Lão Trang trong thơ ông, nhất là khi thi sỹ viết về thời gian - đời người, không gian vũ trụ... Nhưng cùng với việc sử dụng lại những "vật liệu" cũ, Dương Kiều Minh đã không ngại nhào nặn chúng theo một tinh thần mới, tinh thần cá nhân hiện đại trong tâm thế "không có gì mới dưới mặt trời" [41]. Quan niệm thời gian chảy trôi, vô tình, nghiệt ngã... đâu phải là phát kiến mới mẻ gì trong đời sống cũng như thi ca. Trong một thế giới mà "sự ngây thơ đã bị đánh mất" (Umbetor Eco), ông thừa biết sự lặp lại mình: Phải, tôi biết rồi/ Cuộc đời bóng câu lướt qua ô cửa/ Giấc bàng hoàng dưới tán sum suê (Bộc bạch). Đấy là một thái độ nhận thức khá chủ động và điềm tĩnh. Ta có thể thấy cùng điều đó là tinh thần đối thoại và khát vọng sáng tạo vượt ra những quy ước đã thành cũ kĩ, giáo điều, không chỉ với người xưa và không chỉ về thời gian. Điểm mấu chốt mang tính quyết định số lượng tác phẩm của ông nằm trong cái tinh thần sáng tạo ấy. Cho nên, dù sử dụng dày đặc các "chất liệu", "vật liệu" truyền thống, thơ Dương Kiều Minh vẫn mang dáng vẻ mới mẻ riêng, vượt ra ngoài những "quy phạm" cổ điển.
Quan niệm nghệ thuật này của Dương Kiều Minh đã đem đến cho chúng ta một nhận thức. Có lẽ đổi mới, cách tân trong thi ca không phải ở chỗ cố gắng "lạ hóa" so với truyền thống. Cố gắng viết thế nào cho càng xa lạ, càng khó hiểu càng thành công. Dương Kiều Minh trung thành và kiên định với lối viết của mình, điều này là quá đủ để khẳng định một bản lĩnh thi ca. Có lẽ, đối
với ông, nhà thơ có nhiều người quý là tốt nhưng có khi chỉ có một người đọc mình cũng đã là rất mừng.
Quan niệm nghệ thuật của Dương Kiều Minh không nhiều, không mới
nhưng sâu sắc và nhiệt thành. Đó không chỉ là kim chỉ nam dẫn dắt nhà thơ trong hành trình sáng tác mà thể hiện cái tâm, cái trí, cái tài của ông với thơ với đời. Đó thực sự là bài học quý cho các nhà thơ trẻ và cho cả chúng ta. Cái tâm, cái tài, cái trí của ông với Thơ, với Đời rất xứng đáng được tôn trọng.
CHƢƠNG 2
THI HỨNG CHỦ ĐẠO VÀ HỆ THỐNG BIỂU TƢỢNG
2.1. Thi hứng chủ đạo trong thơ Dƣơng Kiều Minh
2.1.1. Vài nét về cảm hứng trong thơ
Cảm hứng là "nàng thơ", là tất cả và cũng chẳng là gì cả nếu không có tác phẩm. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ đều coi trọng cảm hứng. Nhà phê bình văn học Bêlinxki đã đặt nặng vai trò của cảm hứng và xem đó là điều kiện không thể thiếu cho sự ra đời của một tác phẩm đích thực. Bởi vì, theo ông thì cảm hứng "biến sự thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành" [3]
Từ điển thuật ngữ văn học của các tác giả Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đã định nghĩa cảm hứng chủ đạo là "trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm" [18]. Bên cạnh đó, các tác giả này còn khẳng định rằng "lí luận văn học xem cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, của thái độ tư tưởng xúc cảm ở nghệ sĩ đối với thế giới được mô tả" [18].
Có thể nói rằng, cảm hứng nghệ thuật chủ đạo là một yếu tố trong khâu sáng tác lẫn khâu tiếp nhận tác phẩm văn học. Nó khơi nguồn, thúc đẩy quá trình sáng tạo của nhà văn, đồng thời thể hiện được quan niệm của nhà văn về thế giới hiện thực mà mình đã chiếm lĩnh hòa trộn với cảm xúc, tình cảm của bản thân. Nó là cái bên trong chủ thể sáng tạo chuyển dịch sang tác phẩm, trở thành một yếu tố nội tại của tác phẩm và chi phối đến cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, góp phần tạo nên giá trị tư tưởng cho tác phẩm.
2.1.2. Những nguồn thi hứng cơ bản trong thơ Dương Kiều Minh
2.1.2.1. Hoài nhớ nguồn cội
Cảm hứng nguồn cội là mạch nguồn tha thiết không bao giờ vơi cạn của
thi nhân. Cho dù không thể phân định rạch ròi có bao nhiêu bài thơ kết tinh từ nguồn cảm hứng này nhưng ta có thể khẳng định đó là nguồn cảm hứng lớn nhất tạo nên vẻ đẹp tư tưởng cho thơ Dương Kiều Minh.
Phần lớn những bài thơ của Dương Kiều Minh đều hiển lộ những hình ảnh được soi chiếu từ kí ức. Dường như đối với ông mọi biểu đạt về vẻ đẹp đời sống đều được khơi gợi từ kí ức. Đó là hình ảnh người mẹ, cánh đồng lúa rộ vàng, khu vườn tuổi thơ, ngôi nhà có bậc thềm "giàn giụa trăng mỗi tối", những bụi hoa cúc dại, những đồi núi lô xô của vùng đất nơi ông sinh ra và lớn lên, những tiếng thì thầm của ngày xưa...
Kí ức trong thơ Dương Kiều Minh mạnh đến nỗi như thể đó là mảnh đất thiên đường của riêng ông. Kí ức như những lớp rêu bám dày trong ý nghĩ của ông. Nó ở ngay đấy, khi câu thơ chạm vào ngòi bút. Sự "trở về" đầy ám ảnh này trong thơ Dương Kiều Minh khiến mỗi người trong vội vàng cuộc sống không thể không dừng lại phút giây, chợt bàng hoàng tiếc nuối về một vùng đất trong tâm tưởng mình đã đi qua và có thể đã quên lãng.
Trở về với quê hương trong cõi nhớ, thi sĩ tưởng như được trở về ngày bé dại. Tuổi thơ khi ấy thênh thang hồn nhiên trong không gian bao la, trong trẻo, không một chút chen lấn, ồn ào. Bức tranh quê hương nổi lên mấy điểm nhấn là mẹ - cánh đồng - mộ chí. Ở đó, mẹ là tâm điểm và mỗi lần mẹ hiện ra là gắn liền với hình ảnh ngôi nhà và cậu bé.
Hình ảnh mẹ tỏa sáng suốt các tập thơ như biểu tượng của nguồn cội, là nơi nhà thơ nương tựa lúc cô đơn, nơi cố hương tiễn biệt và nơi để quay về. Nhớ về quê hương, về mẹ và những kỉ niệm tuổi thơ, tâm hồn thi sĩ bỗng nhẹ vơi. Bởi mẹ là quê hương - nơi neo đậu bình yên nhất của tâm hồn, nhất là
tâm hồn lữ thứ: Củi lửa; Những con thuyền tựa đêm ngủ yên; Cánh đồng thơ ấu; Cổ tích I; Cổ tích II; Hy vọng; Bộc bạch...
Ngoài mẹ, hình ảnh cánh đồng cũng là nguồn cảm hứng vô tận mỗi khi nhà thơ hoài niệm về thế giới quê xưa ấy. Cánh đồng trong thơ Dương Kiều Minh mở ra không gian từ nhỏ hẹp đến rộng lớn. Cánh đồng là không gian thiên nhiên nhưng chứa đựng ý niệm tâm tưởng. Cũng như hình ảnh người mẹ, hình ảnh cánh đồng đeo đuổi, ám ảnh nhà thơ suốt cuộc đời: Bộc bạch; Con đường cổ xưa; Cánh đồng thơ ấu; Chạnh niềm thôn dã...
Trong không gian bao la là cánh đồng, thi sĩ thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, của các loài hoa lá mà có lẽ ông yêu nhất là những loài hoa bình dị, mộc mạc. Ở đó, thi nhân thu vào cõi lòng mình đủ các màu sắc, mùi vị, âm thanh, ánh sáng... một không gian sự sống ngập tràn.