Khả năng vận dụng trong điều kiện của Việt Nam

Một phần của tài liệu Tài liệu Luận văn: Khả năng vận dụng các học thuyết thương mại quốc tế trong điều kiện Việt Nam docx (Trang 35 - 39)

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam á, có một thềm lục địa rộng ở biển Đông với nguồn dầu mỏ đang được tìm kiếm và khai thác. Với đường biên nối nhiều quốc gia trong khu vực với nhau, việc phát triển thương mại quốc tế là điều cần thiết nhằm trung chuyển các hàng hóa giữa các quốc gia, đồng thời phát triển buôn bán hàng hóa trong nước với nước ngoài, giúp cho việc chuyên môn hóa những hàng hóa có lợi thế tuyệt đối và tương đối ở trong nước.

Với dân số đứng thứ 13 trên thế giới, Việt Nam là một thị trường lớn, thuận tiện cho việc phát triển sản xuất với quy mô lớn, đồng thời có khả năng cung cấp một lượng lao động khá dồi dào với giá nhân công rẻ và trình độ, năng suất lao động đạt mức độ tương đối khá.

Với đặc điểm là đất nước có nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề, công nghệ sản xuất lạc hậu cũ kỹ, cơ sở vật chất hạ tầng hầu như không có gì, nông nghiệp lạc hậu, sản xuất theo quy môi trường nhỏ, manh mún, thủ công là chủ yếu, nước ta chưa thể đáp ứng được nhu cầu lao động của người dân trong nước làm cho tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, mức lương thực tế ngày càng thấp. Theo quy định của Nhà nước, mức lương tối thiểu của người lao động Việt Nam là 144.000 VNĐ/tháng, tương đương với 0,05USD/giờ, trong khi đó ở Indonexia là 0,22 USD/giờ, ở Mỹ là 5,15 USD/ giờ.

Trong một số năm qua, tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD có chiều hướng gia tăng. Do ở các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài việc trả lương được tính trên cơ sở đồng USD nên người lao động Việt Nam có mức lương thực tế thấp dần. Để đảm bảo lợi ích cho người lao động, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách tiền lương cũng như chính sách tỷ giá một cách thích hợp trên cơ sở vẫn phát huy được khả năng cạnh tranh về giá cả của các mặt hàng xuất khẩu của đất nước.

Không những giàu về lao động, nước ta còn có một kho tàng về tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác triệt để. Các nhà máy điện cho tới hết năm 1995 đã cung cấp cho cả nước 14.691 triệu Kwh điện. Nguồn dầu khí cả ở dưới nước và trên cạn đang được tìm kiếm thăm dò và khai thác. Ngoài ra, các mỏ khoáng sản khác như than đá, apatít, cromít... với trữ lượng tầm cỡ quốc tế cũng cần được quan tâm khai thác có kế hoạch nhằm phục vụ cho việc phát triển sản xuất trong nước, gia tăng xuất khẩu, thu ngoại tệ mạnh cho đất nước.

Nắm bắt được các lợi thế trên, từ năm 1986, Đảng và Nhà nước đã thực hiện chính sách mở cửa nhằm thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, tạo động lực để phát triển sản xuất trong nước, phát huy triệt để các lợi thế so sánh của Việt Nam. Tính đến tháng 10/1998, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam theo số vốn đăng ký là trên 35 tỷ USD, tuy chưa phải là lớn so với một số quốc gia khác trong khu vực, nhưng đó cũng là một khả quan tạo cho nền kinh tế nước nhà một hướng đi đúng trong đường lối phát triển kinh tế của Nhà nước ta. Vậy việc đánh giá lợi thế so sánh ở Việt Nam chính là đánh giá những ưu thế về lãi suất, tỷ giá hối đoái, về nguồn tài nguyên, nhân lực... của nước ta, cũng như ảnh hưởng của chúng tới việc chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh, góp phần cải thiện vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, đặc biệt là chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước làm nền tảng vững chắc, vấn đề cốt lõi hiện nay là làm thế nào để kết hợp được các lợi thế so sánh của chúng ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của từng cá nhân, từng ngành, từng địa phương, mà là nhiệm vụ của toàn xã hội, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương và quan trọng hơn cả là vai trò điều tiết của Chính phủ. Sau đây là những vấn đề cần được xem xét:

- Đẩy mạnh việc chuyên môn hóa sản xuất các sản phẩm có thế mạnh trong từng vùng, từng địa phương để tận dụng hết các lợi thế của địa phương mình, ngành mình.

- Với các doanh nghiệp, không nên sản xuất và xuất khẩu tất cả các mặt hàng mình có khả năng mà cần phải đánh giá, xem xét những mặt hàng mũi nhọn có lợi thế nhiều nhất để xuất khẩu và nhập khẩu những mặt hàng có lợi

thế ít nhất.

- Đầu tư vốn vào nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Bởi vì cùng một lượng công nghệ trong chi phí sản phẩm, với lợi thế về lao động, tài nguyên thiên nhiên thì chi phí sản xuất sản phẩm sẽ giảm xuống. Điều đó làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

- Các doanh nghiệp cần tránh việc "tranh mua" sản phẩm vì việc đó sẽ đẩy giá sản phẩm nội địa tăng lên, đồng thời tránh việc "tranh bán" với khách hàng nước ngoài vì nếu vậy sẽ bị họ ép giá. Thực tế xuất khẩu gạo đã chứng minh rõ chất lượng gạo của Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan là bao, nhưng do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tranh giành khách hàng do đó mà gạo của Việt Nam thường bán với giá thấp hơn so với gạo của Thái Lan từ 20-30 USD/tấn.

- Chính phủ, mà đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tỷ giá hối đoái hợp lý. Việc nâng giá hay phá giá đồng tiền nội tệ sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất - nhập khẩu hoặc sẽ làm chuyển dịch lợi thế tuyệt đối trong sản xuất hàng hóa từ nước này sang nước khác.

- Sử dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng không có hiệu quả kinh tế để tránh lãng phí nguồn lực của đất nước. Đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu như giảm giá điện, nước, cước phí thông tin liên lạc để giảm giá thành sản phẩm xuất khẩu. Thực hiện các ưu đãi về thuế xuất khẩu vì nếu thuế này cao sẽ làm giá cả hàng hóa xuất khẩu cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm bạn hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, các quy định về luật pháp, tiêu chuẩn sản phẩm, mẫu mã chất lượng sản phẩm ở thị trường nước ngoài, tạo điều kiện cho họ giao dịch trực tiếp với khách hàng, hạn chế việc xuất khẩu qua trung gian hoặc các nước trung gian để thu lợi nhuận cao.

- Đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng, mạng lưới đường giao thông... để tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, góp phần phát triển các ngành có liên quan như vận tải, bảo hiểm...

- Đẩy mạnh việc hợp tác, xuất khẩu lao động, qua đó vừa giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, vừa tạo được nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Hơn nữa, qua việc hợp tác, xuất khẩu lao động với nước ngoài, các công nhân Việt Nam có điều kiện để được đào tạo, nâng cao tay nghề cũng như học hỏi được các kinh nghiệm quý báu trong sản xuất.

- Thực hiện chiến lược đào tạo con người, có chính sách ưu đãi với những người có tài, có năng lực, thậm chí có thể gửi đi đào tạo ở nước ngoài để học hỏi, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

- Tạo điều kiện ưu đãi đối với các nhà đầu tư trong các lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích: sử dụng nhiều lao động, tài nguyên, công nghệ cao..., góp phần khai thác có hiệu quả lợi thế của đất nước.

Như vậy, có thể nhận định tổng quát rằng, các lý thuyết về thương mại quốc tế có thể được vận dụng trên khía cạnh này hay khía cạnh khác vào việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói chung và vào việc phát triển hoạt động thương mại quốc tế nói riêng.

Kết luận

Các lý thuyết thương mại quốc tế hết sức phong phú và đa dạng. Mỗi lý thuyết xuất phát từ một hoàn cảnh cụ thể, gắn liền với trình độ phát triển cụ thể của đời sống kinh tế - xã hội, nhằm giải thích những hiện tượng và quá trình cụ thể trong hoạt động thương mại quốc tế và bởi vậy chúng chỉ có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, trên giác độ phương pháp luận, các lý thuyết này cung cấp cho chúng ta phương pháp xem xét, giải thích và đánh giá các hiện tượng và sự vật khách quan. Bởi vậy, chúng vẫn có giá trị mãi mãi trong việc phát triển tư duy khoa học nói chung và tư duy trong khoa học kinh tế nói riêng.

Bởi vậy, việc nghiên cứu các lý thuyết thương mại quốc tế luôn luôn cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, không phải chỉ để thấy cái đúng và cái sai của mỗi lý thuyết mà điều quan trọng hơn là phát triển chúng và từng bước vận dụng hạt nhân hợp lý của chúng vào thực tiễn.

Với kết quả nghiên cứu bước đầu, chuyên đề này cần được tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp trong các công trình nghiên cứu có quy mô lớn hơn.

Một phần của tài liệu Tài liệu Luận văn: Khả năng vận dụng các học thuyết thương mại quốc tế trong điều kiện Việt Nam docx (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(39 trang)