Qua những lý thuyết về thương mại quốc tế đã được trình bày ở chương II, chúng ta có thể thấy rằng, đến nay có nhiều lý thuyết khác nhau, được tiếp cận từ những góc độ khác nhau về việc giải thích bản chất của thương mại quốc tế, giải thích những lợi ích đem lại từ thương mại quốc tế cho các bên tham gia, cũng như giải thích sự phát triển thương mại theo từng lĩnh vực. Có thể nhận định tổng quát rằng, mỗi lý thuyết gắn liền với một điều kiện lịch sử nhất định và nhằm để giải quyết cho những hiện tượng nhất định. Không có lý thuyết nào đúng cho mọi trường hợp và giải thích được mọi hiện tượng diễn ra ngày càng phong phú trong hoạt động thương mại quốc tế. Bởi vậy, trong tương lai sẽ tiếp tục có những lý thuyết mới phù hợp với trình độ phát triển mới của khoa học và công nghệ, của sự phân công lao động quốc tế, của sự tổ chức và quản lý quá trình tái sản xuất nói chung và việc trao đổi thương mại quốc tế nói riêng diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Về mặt phương pháp luận, có thể thấy rằng các lý thuyết thương mại quốc tế được hình thành trên cơ sở các cách tiếp cận khác nhau. Nếu như các lý thuyết cổ điển tiếp cận một cách cụ thể, chi tiết, gắn liền với các khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm nhưng chưa chú ý đến các mối quan hệ tương tác diễn ra giữa các khâu trong điều kiện của nền kinh tế thị trường chịu sự tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh... thì các lý thuyết hiện đại lại tiếp cận vấn đề một cách tổng hợp hơn, bao quát hơn với sự chú ý đồng thời đến nhiều yếu tố khác nhau tác động đến quá trình phát triển theo chu kỳ của hoạt động thương mại quốc tế. Chính do cách tiếp cận như vậy nên những nhược điểm của các lý thuyết thương mại quốc tế cổ điển có thể được nhận thấy một cách cụ thể và rõ ràng hơn so với các lý thuyết hiện đại. Trong khi đó các lý thuyết hiện đại, mặc dù với cách tiếp cận tổng hợp vẫn không thể tránh khỏi sự hạn chế tất yếu của nó.
thế tuyệt đối và lý thuyết về lợi thế tương đối. Các lý thuyết về lợi thế tuyệt đối và lợi thế tương đối đều nhấn mạnh yếu tố cung, coi quá trình sản xuất trong mỗi nước là yếu tố qui định hoạt động thương mại quốc tế. Trong các lý thuyết này giá cả từng mặt hàng không được biểu thị bằng tiền, mà được tính bằng số lượng hàng hóa khác, và thương mại giữa các nước được thực hiện theo phương thức hàng đổi hàng. Những giả định này khiến cho sự phân tích trở nên đơn giản hơn nhưng vẫn đồng thời vẫn giúp chỉ ra được nguồn gốc sâu xa của thương mại quốc tế.
Hạn chế cơ bản nhất của lý thuyết cổ điển về thương mại quốc tế là ở chỗ nó được xây dựng trên cơ sở học thuyết về giá trị lao động, theo đó lao động là yếu tố sản xuất duy nhất và đồng nhất trong tất cả các ngành sản xuất. Do tính chất phi thực tế của học thuyết về giá trị lao động cho nên lý thuyết lợi thế so sánh gặp phải nguy cơ bị bác bỏ. Tuy nhiên, vào năm 1936 lý thuyết lợi thế so sánh đã được "cứu nguy" khi được Haberler trình bày lại trên cơ sở vận dụng khái niệm chi phí cơ hội.
Trong mô hình thương mại Ricardo, chi phí sản xuất được giả định là không đổi. Tuy nhiên trên thực tế chi phí sản xuất lại có xu hướng tăng dần. Nội dung chương này là mở rộng lý thuyết cổ điển về thương mại quốc tế trên cơ sở giả định chi phí cơ hội là tăng dần nhằm làm cho lý thuyết này trở nên thực tế hơn và có tính khái quát hơn. Phần đầu nêu lên bản chất và các lý do dẫn đến chi phí cơ hội tăng dần. Tiếp theo yếu tố cầu được đưa vào kết hợp với yếu tố cung để xác định điểm cân bằng. Lợi ích từ thương mại được chỉ ra trong cả hai trường hợp phân tích cân bằng tổng quát và phân tích cân bằng bộ phận. Cuối cùng khái niệm đường cung ứng được giới thiệu và sử dụng để xác định điều kiện thương mại quốc tế cân bằng.
Một hạn chế của mô hình Ricardo là nó chưa cho phép xác định được tỷ lệ trao đổi cân bằng quốc tế một cách cụ thể mà chỉ mới cho thấy rằng rằng tỷ lệ đó phải nằm đâu đó trong khoảng giữa của hai tỷ lệ trao đổi nội địa. Lý do là vì mô hình Ricardo chỉ dựa vào cung như là nhân tố duy nhất qui định thương mại quốc tế. Do vậy để mở rộng và hoàn chỉnh mô hình này cần có sự kết hợp thêm nhân tố cầu.
Lý thuyết H-O được coi là một trong những lý thuyết mạnh nhất của kinh tế học nói chung. Lý thuyết này giữ vị trí thống trị trong cách giải thích thương
mại cho đến những năm 50 khi những cố gắng kiểm chứng thực tế đầu tiên cho thấy Mỹ - quốc gia dồi dào tương đối về vốn, lại không xuất khẩu những mặt hàng sử dụng nhiều vốn theo như dự đoán của lý thuyết (nghịch lý Leontief). Điều này đã khuấy động lại cuộc tranh luận về thương mại quốc tế và dẫn tới sự ra đời của các lý thuyết thương mại mới.
Kiểm nghiệm thực tế lý thuyết H-O
Trên thực tế các quốc gia có thực sự xuất khẩu những mặt hàng mà việc sản xuất đòi hỏi sử dụng nhiều yếu tố dồi dào của mình như lý thuyết H-O dự đoán hay không? Để trả lời câu hỏi này, nhiều công trình nghiên cứu nhằm kiểm nghiệm thực tế lý thuyết H-O đã được tiến hành, trong đó nổi tiếng nhất là công trình của Leontief - một nhà kinh tế học người Mỹ.
Leontief đã dùng những số liệu về kinh tế Mỹ trong năm 1947 để tính toán tỷ lệ giữa lao động và vốn sử dụng trong sản xuất các mặt hàng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu của Mỹ. Sở dĩ Leontief không tính toán chỉ tiêu trên đối với các mặt hàng nhập khẩu thực tế của Mỹ chỉ vì không thể thu thập được các số liệu cần thiết. Các kết quả tính toán cho thấy tỷ lệ vốn/lao động trong sản xuất thay thế nhập khẩu của Mỹ lớn hơn 30% so với tỷ lệ tương ứng trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Điều này hoàn toàn trái ngược với kết luận của lý thuyết H-O theo đó Mỹ là một quốc gia dồi dào về vốn cho nên sẽ xuất khẩu những mặt hàng sử dụng nhiều vốn, và từ đó được biết tới với tên gọi là nghịch lý Leontief .
Đã có nhiều nỗ lực để giải thích nghịch lý Leontief, nhưng cho đến nay chưa có cách giải thích nào được hoàn toàn chấp nhận. Do đó nghịch lý vẫn tiếp tục tồn tại và thách đố các nhà kinh tế. Tuy nhiên những cố gắng trên tỏ ra rất có ích vì chúng giúp các học giả hiểu thấu đáo hơn những điểm mạnh và yếu của mô hình thương mại H-O.
Những thách thức đối với lý thuyết H-O
Cho đến những năm 1950 địa vị thống trị của lý thuyết H-O trong cách giải thích thương mại quốc tế gặp phải những thách thức nghiêm trọng. Ngoài nghịch lý Leontief nói trên, lý thuyết H-O còn phải đối đầu với một loạt hiện tượng thực tế mà nếu như chỉ dựa vào lý thuyết này thì không thể giải thích được. Kết quả là có nhiều lý thuyết mới được ra đời nhằm giải thích cho phần
thương mại quốc tế vượt ra khỏi phạm vi của lý thuyết H-O. Những thách thức đối với lý thuyết H-O được thể hiện chủ yếu qua ba điểm sau đây:
Thương mại giữa các nền kinh tế giống nhau. Ngày nay hơn một nửa thương mại quốc tế được diến ra giữa các quốc gia công nghiệp phát triển - những nước được coi là có mức độ trang bị các yếu tố sản xuất tương đối giống nhau. Hơn nữa, kể từ sau Đại chiến thế giới thứ hai, tỷ trọng của các quốc gia này trong thương mại thế giới gia tăng đều đặn, cùng với việc thu nhập bình quân đầu người ngày càng xích lại gần nhau. Điều này thể hiện sự giống nhau ngày càng tăng về mức độ trang bị các yếu tố giữa các quốc gia này. Điều này mâu thuẫn với lý thuyết H-O theo đó lợi thế so sánh xuất phát từ sự khác biệt về mức độ trang bị các yếu tố sản xuất.
Thương mại trong nội bộ ngành. Một tỷ trọng lớn và ngày càng gia tăng của thương mại thế giới, đặc biệt là thương mại giữa các quốc gia công nghiệp phát triển, được tiến hành đối với những sản phẩm rất giống nhau (hoặc nói cách khác, có hàm lượng yếu tố giống nhau). Chẳng hạn, Nhật Bản xuất khẩu xe Toyota sang Mỹ, đồng thời lại nhập khẩu xe Cadillac từ Mỹ. Hiện tượng này không phù hợp với kết luận của lý thuyết H-O, theo đó các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia phải có hàm lượng các yếu tố khác nhau: mặt hàng xuất khẩu là mặt hàng sử dụng nhiều yếu tố dồi dào, còn mặt hàng nhập khẩu là mặt hàng sử dụng nhiều yếu tố khan hiếm.
Quá trình tự do hóa thương mại. Kể từ sau Đại chiến thế giới thứ hai thương mại quốc tế đã được tự do hóa một cách đáng kể, và do đó có sự gia tăng nhanh chóng về qui mô. Xuất phát từ lý thuyết H-O thì thực tế trên sẽ phải đi cùng với những biến đổi lớn trong quá trình phân bổ nguồn lực và mâu thuẫn xã hội. Chẳng hạn, theo định lý Stolper-Samuelson, tự do hóa thương mại sẽ làm giảm thu nhập của một yếu tố sản xuất, dẫn đến khả năng phản kháng quyết liệt của một số tầng lớp nào đó trong xã hội. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không xác đáng: trên thực tế quá trình phân bổ lại nguồn lực diễn ra rất hạn chế, và dường như thương mại đã làm tăng năng suất của tất cả các yếu tố sản xuất cũng như phúc lợi của tất cả các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Như vậy, lý thuyết về lợi thế tuyệt đối được bắt đầu từ David Ricardo và tiếp tục được phát triển thông qua nhiều học giả với sự chú ý đầy đủ hơn các
nhân tố khác nhau của nền kinh tế thị trường. Mặc dù mô hình thương mại quốc tế cổ điển của David Ricardo mang tính chất giả định và không phù hợp với thực tế nhưng tư tưởng về quy luật lợi thế tương đối (hay đứng trên giác độ phương pháp luận được gọi là "phép lợi thế tương đối") vẫn có giá trị mãi mãi, không những trong khoa học kinh tế nói riêng mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung.