CẤP SƠ THẨM VÀ KIẾN NGHỊ
3.1. THỰC TIỄN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ TẠI TÒA ÁN CẤP
THỜI TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ TẠI TÒA ÁN CẤP SƠ THẨM
3.1.1. Về kết quả đạt được từ thực tiễn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ án dân sự có đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy nhận thức xã hội về sự cần thiết của việc áp dụng các BPKCTT trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, chế định BPKCTT trong BLTTDS ngày càng khẳng định được vị thế và tầm quan trọng của mình. Các quy định về BPKCTT trong BLTTDS là cơ sở pháp lý quan trọng để đương sự có thể thực hiện quyền yêu cầu và Tòa án có thể vận dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Tòa án là cơ quan có chức năng xét xử, thực hiện chế độ xét xử theo hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm). Về lập pháp, để bảo vệ quyền lợi cho các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án, pháp luật hiện hành cho phép đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT tại Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và khảo sát thực tiễn cho thấy ở giai đoạn đoạn xét xử sơ thẩm, số lượng các vụ án đương sự có yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT phổ biến hơn, với số lượng nhiều hơn.
Có thể thấy giai đoạn xét xử sơ thẩm là rất quan trọng, đây là giai đoạn Tòa án xem xét một cách khách quan, toàn diện nhất các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, triệu tập các đương sự để lấy lời khai, xác minh, thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ. Sau khi vụ án được thụ lý, bị đơn được Tòa án
thông báo về vụ kiện, nên về tâm lý họ có thể thấy trước được hậu quả pháp lý bất lợi sẽ xảy nên có thể dẫn đến việc thực hiện các hành vi tiêu cực như tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch quyền về tài sản hoặc thực hiện các hành vi khác để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền. Do vậy, việc pháp luật quy định nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT ngay sau khi khởi kiện hoặc nộp cùng thời điểm với đơn khởi kiện vụ án đã tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên thực tế. Qua khảo sát thực tế cho thấy xét về tổng thể thì trong những năm gần đây số lượng các vụ án dân sự được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng BPKCTT có xu hướng tăng lên. Trong quá trình nghiên cứu hoàn thành luận văn này, tác giả đã tìm hiểu và thu thập, phân tích và tổng hợp được các số liệu thống kê về số lượng các vụ án dân sự có áp dụng BPKCTT ở Tòa án cấp sơ thẩm như sau:
Bảng 1: Tỷ lệ các vụ án có áp dụng BPKCTT trên tổng số các vụ án dân sự được Tòa án thụ lý, giải quyết từ 2007– 2012
Năm Tổng số vụ án sơ thẩm được thụ lý Tổng số vụ án có áp dụng BPKCTT Tỷ lệ 2007 169737 151 0,09% 2008 173756 166 0,09% 2009 177417 290 0,16% 2010 215714 187 0,09% 2011 215918 198 0,09% 2012 217486 215 0,10% Tổng 1171422 1207 0,19%
Bảng 2: Tỷ lệ vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và
lao động có áp dụng BPKCTT từ năm 2007 đến 2012
Năm Tỷ lệ vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Dân sự Hôn nhân gia đình Thương mại Lao động
Số thụ lý Số áp dụng Tỷ lệ % Số thụ lý Số áp dụng Tỷ lệ % Số thụ lý Số áp dụng Tỷ lệ % Số thụ lý Số áp dụng Tỷ lệ % 2007 89944 97 0,11 74484 37 0,05 4287 16 0,37 1022 1 0,1 2008 85893 101 0,12 80770 22 0,03 5384 43 0,8 1709 0 0 2009 92301 138 0,15 89609 15 0,17 7612 37 0,49 1764 2 0,11 2010 86247 127 0,15 103332 38 0,04 8256 21 0,25 2491 0 0 2011 89243 135 0,15 115127 41 0,04 8953 19 0,21 2595 3 0,12 2012 90123 138 0,15 116212 48 0,04 8623 27 0,31 2528 2 0,08 Tổng 533751 736 0,30 579534 201 0,0769 43115 163 0,5253 12109 8 0,19
(Nguồn từ Văn phòng tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao)
Bảng số liệu nêu trên là những con số thể hiện tương đối chính xác tỷ lệ các vụ án dân sự sơ thẩm có áp dụng BPKCTT trên tổng số các vụ án dân sự được thụ lý. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, do các BPKCTT ít được áp dụng trong thực tiễn nên một số Tòa án không thống kê số vụ án có áp dụng BPKCTT hoặc có thống kê thì con số các vụ án được áp dụng BPKCTT cũng chiếm tỷ lệ rất thấp. Chẳng hạn, Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái năm 2012, tổng số vụ án dân sự được thụ lý là 200 vụ, nhưng chỉ có 02 vụ đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT; Tòa án nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thụ lý trong năm 2012 là 150 vụ án dân sự sơ thẩm chỉ có 01 vụ đương sự có yêu cầu áp dụng BPKCTT; Tòa án nhân dân huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái năm 2012 thụ lý 109 vụ nhưng không có vụ nào đương sự yêu cầu áp dụng BPKCTT. Về biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng, theo kết quả khảo sát tại Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái, thì từ ngày 01/01/2007 đến ngày 01/7/2012, số vụ án về hôn nhân và gia đình Tòa thụ lý, giải quyết là 283 vụ, nhưng chỉ có khoảng 11 vụ,
đương sự có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp này trong quá trình giải quyết (đạt tỷ lệ 3,8%).
Tuy nhiên, nhìn vào các bảng số liệu trên chúng ta có thể thấy tỷ lệ số vụ án về thương mại được áp dụng BPKCTT thường cao hơn hẳn so với các vụ án về dân sự và hôn nhân gia đình, lao động. Đối với các vụ án về lao động, đặc biệt có những năm Tòa án không áp dụng một BPKCTT nào như năm 2008, 2010. Qua khảo sát, nghiên cứu thực tiễn áp dụng các BPKCTT trong giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm và thực tiễn thực hiện công việc của mình, tác giả rút ra một số kết quả đạt được từ việc áp dụng các BPKCTT như sau:
- Các BPKCTT được áp dụng phần lớn đều đảm bảo tính chính xác, đúng đắn, bảo vệ được quyền lợi của các đương sự, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, khẳng định được vị thế của Tòa án
Áp dụng BPKCTT là hoạt động tố tụng do Thẩm phán tiến hành, đây là hoạt động chuyên môn của Thẩm phán, thực chất áp dụng BPKCTT là việc đưa các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự về BPKCTT vào thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án. Để đảm bảo cho việc áp dụng đem lại hiệu quả cao, đúng đắn, chính xác, Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, các tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp về yêu cầu áp dụng BPKCTT, lựa chọn quy phạm pháp luật áp dụng, ra quyết định áp dụng…Tất cả các bước, các khâu trong quá trình áp dụng đều phải thận trọng, kỹ càng để tránh trường hợp áp dụng BPKCTT không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng, người thứ ba. Thực tiễn cho thấy do các vụ án dân sự ngày càng tăng lên về số lượng và phức tạp hơn về nội dung nên đối với mỗi yêu cầu áp dụng BPKCTT, việc xác định yêu cầu đó thế nào là có căn cứ và hợp pháp không phải là điều dễ dàng, đơn giản. Mặt khác, việc áp dụng BPKCTT có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đương sự nên có thể bị đương sự khiếu nại hoặc Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị. Đồng thời Thẩm phán quyết định áp dụng BPKCTT còn phải chịu trách nhiệm do việc áp dụng BPKCTT không đúng. Những quy
định mới nói trên trong BLTTDS được áp dụng trong những năm qua đã ràng buộc trách nhiệm của người Thẩm phán khi ra quyết định áp dụng BPKCTT, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm, buộc họ phải thận trọng, cân nhắc khi quyết định áp dụng BPKCTT. Vì vậy, theo kết quả thống kê thì phần lớn các BPKCTT được áp dụng đều đảm bảo tính chính xác, đúng đắn, kịp thời bảo vệ được quyền lợi của các đương sự trong những tình huống khẩn cấp, trong các loại quan hệ tranh chấp mà Tòa án giải quyết. Dưới đây là một ví dụ cụ thể để minh chứng:
Người khởi kiện là Ngô Văn Hải (42 tuổi, trú tại phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) ký hợp đồng lao động với Công ty CP Canxi Cácbonnát thời hạn 02 năm (kể từ ngày 01/01/2008 đến hết ngày 01/01/2010). Hết thời hạn này, Công ty CP Canxi Cacbonnat không ký tiếp hợp đồng lao động với ông Hải, nhưng cũng không ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Ông Hải tiếp tục làm việc tại Công ty và được hưởng lương cho đến ngày 07/01/2010, Công ty CP Canxi Cacbonnat ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chính thức sa thải ông Hải. Không nhất trí với quyết định trên, ông Hải khởi kiện vụ án ra Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện, ông Hải đề nghị Tòa án áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Công ty CP Canxi cacbonnát tạm đình chỉ
thi hành quyết định sa thải người lao động đối với ông và tiếp tục để ông
được làm việc tại Công ty cho đến khi có bản án, quyết định chính thức có hiệu lực của Tòa án. Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái đã chấp nhận đơn khởi kiện và đơn yêu cầu ADBPKCTT của ông Hải. Ngay sau khi Tòa án gửi Thông báo thụ lý vụ án và quyết định áp dụng BPKCTT số 02/QĐ – TA ngày 15/1/2010 đến Công ty CP Canxi Cacbonnat, Công ty này hủy quyết định sa thải ông Hải và nhận ông Hải tiếp tục trở lại làm việc. Sau đó, ông Hải rút đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án hủy bỏ BPKCTT đang được áp dụng. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Ở một góc độ khác, việc áp dụng BPKCTT còn góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của người Thẩm phán. Bởi vì, xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe trong quá trình áp dụng, nên các quyết định áp dụng BPKCTT là một sản phẩm của người Thẩm phán, là kết tinh từ kết quả lao động, nghiên cứu, áp dụng sáng tạo pháp luật vào thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, từ đó năng lực chuyên môn của Thẩm phán cũng từng bước được nâng lên.
Áp dụng BPKCTT do Tòa án tiến hành, Tòa án là chủ thể duy nhất được nhà nước trao quyền áp dụng những biện pháp cần thiết trong những trường hợp khẩn cấp nhằm giải quyết vụ án được chính xác, bảo vệ quyền lợi của đương sự. Nhờ vậy, Tòa án trở thành chỗ dựa, điểm tựa, là niềm tin của nhân dân. Mọi quyết định của Tòa án cũng như quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án đều phải được thi hành ngay, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều phải tôn trọng, thực hiện. Do đó, việc áp dụng BPKCTT do Tòa án thực hiện đã khẳng định được vị thế của Tòa án. Bởi chỉ có Tòa án mới có quyền can thiệp ngay lập tức bằng các biện pháp do pháp luật cho phép để bảo vệ quyền lợi của đương sự, bảo vệ công lý, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa mọi tầng lớp trong xã hội.
- Việc áp dụng BPKCTT trong nhiều trường hợp làm cho vụ án được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn bằng con đường thỏa thuận giữa các đương sự
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, thời hạn giải quyết vụ án được quy định riêng cho từng loại tranh chấp. Chẳng hạn, đối với tranh chấp kinh doanh thương mại thời hạn đưa vụ án ra xét xử là 02 tháng, các tranh chấp dân sự khác thờì hạn giải quyết án là 04 tháng, trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nhiều đương sự, tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ, Tòa án có thể gia hạn xét xử thêm từ một đến hai tháng.
Thời hạn trên là tương đối dài và do vậy, đến khi vụ án được giải quyết có thể bị đơn đã tẩu tán hết tài sản. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng bị đơn không có tài sản
để thi hành án do đã tẩu tán, chuyển dịch để trốn tránh việc thi hành án. Để khắc phục hiện tượng này, nhiều đương sự đã yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT trong thời gian chờ đợi bản án, quyết định của Tòa án và kết quả cho thấy những trường hợp đương sự có yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT thường đem lại hiệu quả cao hơn so với những vụ án không có yêu cầu áp dụng BPKCTT, bên có nghĩa vụ tự nguyện thi hành nghĩa vụ đồng thời thỏa thuận với nguyên đơn về giải quyết vụ án.
Như vậy, có thể thấy trong thực tiễn việc áp dụng BPKCTT trong việc giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm trong nhiều trường hợp là một biện pháp gây áp lực có hiệu quả đối với người bị áp dụng BPKCTT, có tác dụng rút gắn thời gian tố tụng, làm cho vụ án được giải quyết nhanh gọn, kịp thời bảo vệ được quyền lợi của đương sự.
Có thể minh họa cho thực tiễn này qua một số trường hợp điển hình sau đây:
- Vụ việc thứ nhất: Công ty CP Thang máy tài nguyên và Công ty
TNHH Thương mại Hoàng Thành xảy ra tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng mua bán thang máy. Theo hợp đồng, Công ty CP Thang máy Tài Nguyên là bên bán, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Thành là bên mua. Trị giá hợp đồng là 2.000.000.000 VND. Công ty TNHH Thương mại Hoàng Thành đã thanh toán được số tiền là 1.200.000.000đ, số tiền còn lại 800.000.000 VND sẽ thanh toán cho Công ty CP Thang máy Tài Nguyên ngay sau khi hết thời hạn bảo hành (03 tháng kể từ ngày lắp đặt, ngày 01/01/2010). Hết thời hạn bảo hành, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Thành không thanh toán nốt số tiền còn nợ như đã cam kết. Công ty CP Thang máy Tài Nguyên khởi kiện vụ án ra Tòa án nhân dân quận H đề đòi nợ, cùng với việc nộp đơn khởi kiện, Công ty CP Thang máy Tài Nguyên còn nộp đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT là phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH Thương mại Hoàng Thành. Ngay sau khi Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Thành đã thanh toán hết số tiền còn nợ là 800.000.000 VND. Sau đó các đương sự đã thỏa thuận được
với nhau về việc giải quyết phần lãi suất liên quan đến số tiền chưa thanh toán trong vụ án và Tòa án quận H đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
- Vụ việc thứ hai:Công ty CP Đầu tư xây dựng số 9 (gọi tắt là Công ty
CP số 9) và Công ty TNHH Ngọc Linh ký hợp đồng kinh tế về việc mua bán đá răm, theo hợp đồng Công ty CP Đầu tư xây dựng số 9 cung cấp số lượng đá răm cho Công ty TNHH Ngọc Linh là 10.000m3, với số tiền theo thỏa thuận là 01 tỷ đồng. Công ty TNHH Ngọc Linh thanh toán trước 500.000.000đ và sẽ thanh toán hết số tiền còn lại sau 03 tháng kể từ ngày (Công ty CP số 9) cung cấp đủ số đá răm nêu trên. Tuy nhiên, sau khi nhận được đủ số hàng và hết thời gian thỏa thuận nhưng Công ty TNHH Ngọc Linh vẫn không trả nốt số tiền còn nợ, cũng không làm văn bản khất nợ. Công ty