III. Kinh nghiệm quản lí thu thuế XNK tại một số nước trên thế giới
2. Kinh nghiệm quản lí thu thuế XNK ở Trung Quốc
Sự phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Quốc làm kinh ngạc cả thế giới. Để có sự phát triển đó, chính sách thuế đóng một vai trò then chốt trong chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc. Về kinh tế, xã hội, văn hóa Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Vì vậy, những kinh nghiệm của Trung Quốc là những bài học lớn cho Việt Nam.
2.1. Loại hình thuế XNK được áp dụng ở Trung Quốc
Không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện nay thực hiện việc thu thuế song song trên cả hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng giống như xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay, chính phủ Trung Quốc đang tiến tới việc loại bỏ dần thuế xuất khẩu để khuyến khích các ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong nước. Chính vì thế cho nên ta thấy mức thuế suất xuất khẩu của hầu hết các loại hàng hóa đều là 0%, tức là miễn thuế xuất khẩu. Trung Quốc chỉ thực hiện đánh thuế trên một số mặt hàng mà Nhà nước không khuyến khích xuất khẩu như các nguyên liệu trong nước cần sử dụng, các kim loại quí hiếm,…
2.2. Các mức thuế suất nhập khẩu của Trung Quốc
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CGA) định mức thuế và có trách nhiệm thu thuế. Thuế nhập khẩu được chia thành 2 loại: thuế chung và thuế tối thiểu (tối huệ
quốc). Năm đặc khu kinh tế, các thành phố mở cửa và các khu vực ngoại thương có thể được phép giảm hoặc miễn thuế.
Về thuế chung, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều phải trả thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay thuế kinh doanh, tuỳ theo kiểu kinh doanh và loại sản phẩm của họ. GTGT áp dụng cho những doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xuất-nhập khẩu, sản xuất, phân phối hay bán lẻ.
Trung Quốc có thực hiện một chương trình khuyến khích về thuế. Thuế suất GTGT chung là 17%, song đối với các mặt hàng thiết yếu như nông nghiệp hay hàng chuyên dụng chỉ chịu mức 13%. Những doanh nghiệp nhỏ (doanh thu hàng năm dưới 1 triệu NDT, hoặc bán buôn đạt dưới 1,8 triệu NDT) chịu GTGT 6%. Không giống như những đối tượng chịu GTGT khác, kinh doanh nhỏ không được hoàn thuế đầu vào cho GTGT trả cho hàng mua của họ. Nhiều quy chế khác nhau áp dụng cho việc giảm thuế. Có thể được giảm thuế tính theo thời gian thành lập doanh nghiệp. Một số loại hàng hoá được miễn GTGT.
Để khuyến khích xuất khẩu, năm 1999, Tổng cục thuế đã tăng mức hoàn thuế GTGT mấy lần, và mức cao nhất là 17% (tức là hoàn thuế 100%) đối với một số loại hàng chế biến để xuất khẩu.
Thuế được giảm trong trường hợp hàng hoá nằm trong danh mục được Chính phủ Trung Quốc xếp là cần thiết cho sự phát triển của một ngành kinh tế chủ lực, chẳng hạn như các sản phẩm công nghệ cao. Chính sách của Trung Quốc là khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài sản xuất một số loại hàng hoá công nghệ cao, hoặc hàng hoá định hướng xuất khẩu không phải trả thuế cho những thiết bị nhập khẩu mà Trung Quốc chưa sản xuất được, song cần thiết cho doanh nghiệp đó. Tổng cục Hải quan Trung Quốc thỉnh thoảng cũng thông báo thuế ưu đãi cho những mặt hàng đem lại lợi ích cho các lĩnh vực kinh tế then chốt, nhất là ngành ôtô. 13
13Quy chế xuất nhập khẩu của Trung Quốc, http://vietchinabusiness.vn/xuat-nhap-khau/quy-che/10308-quy- che-xuat-nhap-khau-cua-trung-quoc.html, 28/02/2010
Theo thông tin của Bộ thương mại Trung Quốc, từ ngày 1/1/2010, Trung Quốc sẽ từng bước điều chỉnh thuế suất XNK, chủ yếu liên quan đến thuế suất ưu đãi MFN, thuế suất tạm thời hàng năm, tỷ lệ thuế hiệp định, thuế suất ưu đãi và danh mục thuế suất. Sau khi điều chỉnh, tổng danh mục thuế XNK năm 2010 sẽ tăng từ 7868 năm 2009 lên 7923, tổng mức thuế sẽ là 9,8%.
2.3. Hiệu quả từ chính sách thuế XNK của Trung Quốc
Với chính sách thuế XNK như đã được nêu ở trên thì một mặt Trung Quốc đã khuyến khích mạnh mẽ các ngành sản xuất hàng xuất khẩu trong nước phát triển và đủ sức cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác trên thị trường thế giới, mặt khác Trung Quốc vẫn giữ được tỉ lệ bảo hộ cần thiết cho các ngành kinh tế trong nước để dần dần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong xu thế hội nhập. Và hiệu quả rõ nét nhất của chính sách thuế XNK của Trung Quốc mà không ai có thể phủ nhận được đó là sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế nói chung và hoạt động XNK hàng hóa của Trung Quốc nói riêng trong những năm trở lại đây. Ngoài việc Trung Quốc luôn dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển GDP thì sau khi gia nhập WTO, quốc gia Châu Á với thị trường hơn 1 tỷ dân này còn đạt được những bước tiến ngoạn mục trong sự phát triển hoạt động XNK.
Trong lịch sử 60 năm qua của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949 - 2009), 30 năm đầu là giai đoạn khó khăn; từ năm 1952-1978, GDP bình quân hàng năm của Trung Quốc là 4,4%, thấp hơn GDP bình quân của thế giới là 4,5%. Chuyển sang giai đoạn cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới: từ 1978 - 2008, GDP tăng bình quân hàng năm 9,6%, thu nhập quốc dân bình quân đầu người từ dưới 200 USD một lên 2.770 USD một năm.
Từ vị trí thứ 19 thế giới về tổng lượng kinh tế, ngày nay Trung Quốc là nền kinh tế thứ ba thế giới và chắc chắn sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) trong thời gian không xa. Điều đáng chú ý là trong bối cảnh
khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng GDP 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2009.14
Như vậy có thể nói, thông qua công cụ thuế XNK, Trung Quốc đã tận dụng được các yếu tố ngoại lực để đẩy nhanh quá trình cải cách bên trong của nền kinh tế và thúc đẩy tiến trình hội nhập, phát triển nền kinh tế quốc gia. Bằng việc thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế thế giới, chính phủ Trung Quốc đã có những bước tiến ngoạn mục trong việc mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới bên ngoài, đồng thời tranh thủ khoa học kỹ thuật hiện đại từ bên ngoài để đẩy nhanh quá trình cải cách kinh tế trong nước. Đây chính là một nhân tố dẫn đến sự thành công của quá trình cải cách nền kinh tế của Trung Quốc mà Việt Nam chúng ta có thể lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho chính mình trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.