Các yếu tố thần kì gợi lên ở trẻ những ước mơ về cái đẹp

Một phần của tài liệu Yếu tố thần kì trong truyện cổ Andersen (Trang 37 - 39)

6. Cấu trúc khóa luận

2.2.1. Các yếu tố thần kì gợi lên ở trẻ những ước mơ về cái đẹp

Thời gian là thứ đá mài nghiệt ngã, nó có thể bào mòn mọi thứ, nhưng những gì thuộc về cái đẹp sẽ còn bất tử trong tâm thức của mỗi người. Nói như Đoxtievxki: “Cái đẹp nâng đỡ con người, cứu vớt con người”, phải chăng vì thế mà con người từ khi biết suy nghĩ cũng là khi biết yêu cái đẹp.

Cái đẹp không tạo ra nền tảng vật chất của cuộc sống, nhưng cái đẹp cũng như tình yêu, nó ban cho cuộc sống đôi cánh để bay cao hơn cái nền tảng thô mộc tầm thường để hướng tới những giá trị vĩnh hằng. Cũng giống

như các truyện cổ tích trên thế giới, truyện cổ Andersen luôn trân trọng cái đẹp và giàu xúc cảm thẩm mĩ. Điều này thể hiện khá đậm nét trong những câu chuyện của ông, nhất là trong những truyện cổ tích thần kì. Và các nhân vật trong truyện cổ tích thần kì là một trong những đối tượng được tác giả gắn cho cái đẹp ấy.

Hình tượng các nhân vật trong truyện cổ tích thần kì là sự hợp thành của nhiều yếu tố. Song, cái đẹp cũng đóng góp vào sự hình thành cũng như sự hoàn thiện hình tượng nhân vật đó.

Cảm quan thẩm mĩ dân gian không thừa nhận cái đẹp thuần thuý ở hình thức mà cái đẹp đi liền với cái tốt, cái thiện. Andersen cũng vậy, trong các truyện cổ tích thần kì của mình ông đã xây dựng các hình tượng nhân vật với một vẻ đẹp thánh thiện như hình tượng nhân vật Nàng tiên cá trong truyện “Nàng tiên cá”. Mặc dù là người cứu hoàng tử, hi sinh rất nhiều vì tình yêu với hoàng tử, ngay cả từ bỏ cuộc sống bất tử của mình, nhưng hoàng tử không biết tất cả các điều đó, không đáp lại tình cảm của nàng mà đi lấy nàng công chúa nước láng giềng. Tất cả những điều đó khiến nàng tiên cá cảm thấy đau khổ, nhưng không vì thế mà nàng oán trách hoàng tử. Trái lại, nàng nhận cái chết về mình, chấp nhận bị tan thành bọt biển, không giết hoàng tử, để hoàng tử được sống hạnh phúc bên người vợ yêu.

Nét đẹp tâm hồn của các nhân vật trong truyện cổ tích thần kì của Andersen không chỉ được thể hiện ở sự không so bì, tính toán thiệt hơn hay tranh giành hoặc sự hi sinh vì người khác mà đáng quý hơn là sự cảm thông, thương cảm, là vẻ đẹp ở lòng vị tha cao cả như em bé trong truyện “Cô gái dẫm chân lên bánh mì”, em đã khóc khi nghe câu chuyện về cô bé Inhgơ kiêu ngạo và đã cầu xin thượng đế cho lỗi lầm của Inhgơ. Điều này khiến cho vẻ đẹp của các nhân vật trở lên hoàn thiện hơn, từ đó các em học sinh sẽ

ước mơ, mong muốn mình có được nét đẹp giống như các nhân vật trong truyện.

Vì yêu quý và trân trọng cái đẹp, Andersen muốn thông qua các câu chuyện cổ tích thần kì gợi lên ở trẻ em những ước mơ, những mong muốn hướng tới cái đẹp nên ông đã gắn cho các nhân vật trong truyện một trong những phần thưởng sau cùng đó là đức hạnh và sự xinh đẹp. Nàng Lidơ trong truyện “Bầy thiên nga” bị mụ dì ghẻ bắt đến ở trong túp lều tranh của một gia đình nông dân, mụ bắt con cóc thả vào bồn tắm của nàng, lấy nhựa bồ đào sát vào người làm cho nàng đen thui đi, mụ còn xoa thuốc mỡ thối vào mặt nàng và làm rối bù bộ tóc dài và đẹp của nàng làm cho nàng bị vua cha đuổi ra khỏi cung. Nhưng khi rời khỏi cung vua, tới một dòng suối nàng tắm gội và lại trở thành nàng công chúa xinh đẹp. Nàng còn được bà tiên Moócgan chỉ cho cách giải thoát cho các anh trai. Trải qua bao khó khăn và đau khổ nàng đã giải thoát được các anh mình khỏi bùa phép và lấy nhà vua, hưởng cuộc đời hạnh phúc.

Truyện cổ tích thần kì lãng mạn biết bao khi dựng lên cả một thế giới ẩn chứa những điều tốt đẹp, bay bổng biết bao khi bao nhiêu thế hệ qua rồi vẫn giữ gìn một niềm tin trong trẻo, mãnh liệt - cái đẹp là sự bù đắp cho nỗi đau và mất mát của con người. Khi tìm đến các câu chuyện cổ tích thần kì với những phẩm chất tâm hồn trong sáng, người đọc cũng như các em sẽ có dịp nhìn lại chính mình, thanh lọc tâm hồn mình để sống tốt hơn, đẹp hơn. Đây chính là ý nghĩa giáo dục sâu sắc của truyện cổ tích thần kì nói chung và truyện cổ tích thần kì của Andersen nói riêng.

Một phần của tài liệu Yếu tố thần kì trong truyện cổ Andersen (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(49 trang)