TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.1.2.1. Hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác dân vận trong những năm qua cũng còn tồn tại những hạn chế như:
Một là, về công tác nắm bắt, dự báo tình hình
Công tác nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân, công tác thông tin, báo cáo về những vấn đề nảy sinh của một số địa phương chưa kịp thời. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội chưa đi vào nền nếp, nhất là thực hiện chế độ về giao ban, báo cáo, phản ánh và dự báo dư luận xã hội chưa đầy đủ, chính xác, thông tin thu được còn đơn giản; chưa có cơ chế và chính sách hợp lý cho hoạt động của đội ngũ cộng tác viên nên chưa phát huy được hiệu quả hoạt động… Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công tác nghiên cứu dư luận xã hội còn thiếu, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp với công việc này…
Hai là, về công tác triển khai, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương.
Công tác triển khai, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận của một số địa phương chưa tích cực, kịp thời, hiệu quả. Công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước còn có mặt hạn chế. Nhiều nội dung của các nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác vận động quần chúng chưa được Nhà nước thể chế hóa để thực hiện... Việc triển khai, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các quan điểm của Đảng về công tác dân vận, ở một số cơ quan chính quyền từ các bộ, ngành trung ương đến chính quyền địa phương, cơ sở chưa đến nơi, đến chốn, thiếu thường xuyên liên tục. Không ít cán bộ, công chức chưa nhận thức được tinh thần, trách nhiệm của mình đối với công tác dân vận. Một số cán bộ, công chức quan liêu, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, suy giảm về đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái chủ trương của Đảng, vi phạm pháp luật, xâm hại lợi ích của Nhà nước, của nhân dân gây bức xúc, khiếu kiện đông người trong nhân dân. Việc cụ thể hoá chủ trương của Đảng thành các quy định pháp luật, các chế độ, chính sách có lúc thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, hay thay đổi, thiếu nguồn vốn, khó thực hiện. Việc hướng
dẫn và phối hợp các lực lượng trên địa bàn về tổ chức thực hiện các chương trình, đề án về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự có lúc, có nơi không chặt chẽ. Một số cơ quan, đơn vị buông lỏng trong quản lý, điều hành gây thất thoát lớn tiền, tài sản của nhà nước và của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn chưa đi vào chiều sâu, đồng bộ... Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống,... làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tâm trạng của người dân còn nhiều phiền muộn và không bằng lòng với một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước cố tình nhũng nhiễu, gây phiền hà.
Ba là, về công tác tổ chức và hoạt động của ngành dân vận
Tổ chức và hoạt động của ngành dân vận còn chậm đổi mới so với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của đất nước. Nội dung, phương thức tập hợp, vận động quần chúng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vùng có đông đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Không ít nơi chưa nhạy bén, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong quần chúng để chủ động nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước kịp thời giải quyết, phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Có một số nơi Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể chưa làm tốt chức năng giám sát các cấp chính quyền, các ngành thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, chưa sâu sát đến công tác dân vận, chưa cử được những cán bộ có phẩm chất và năng lực làm
công tác vận động quần chúng; nói chưa đi đôi với làm, còn xem nhẹ công tác dân vận, còn mệnh lệnh, hành chính hóa trong công tác vận động quần chúng.
Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa thật chặt chẽ. Một số cơ quan nhà nước chưa nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ trách nhiệm đối với công tác dân vận. Một số nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy công quyền tạo bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân, là kẽ hở để các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, kích động quần chúng, ảnh hưởng tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, nhũng nhiễu dân, vi phạm dân chủ, thiếu gương mẫu của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền ở các cấp, nhất là ở cơ sở, đã làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, có biểu hiện hành chính hóa.
Bốn là, cán bộ thực hiện công tác dân vận
Cán bộ thực hiện công tác dân vận còn hạn chế về năng lực và chuyên môn, nhất là cán bộ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn. Một bộ phận cán bộ trong quá trình công tác còn mắc nhiều khuyết điểm: xa dân, chưa thực sự lắng nghe nguyện vọng của dân, hạch xách và nhũng nhiều nhân dân gây dư luận không tốt.
Công tác xây dựng bộ máy, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ làm công tác vận động nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu tăng cường, đổi mới công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận hiện vẫn còn bất cập v.v.. Mặt khác ở một số nơi, sự phối hợp giữa đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và cấp ủy các cấp chưa thực sự đồng bộ.
2.1.2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân là do nhận thức về đổi mới công tác dân vận chưa đồng đều trong tất cả các cấp, ngành; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận bất cập
về trình độ, năng lực, nghiệp vụ chuyên môn; cơ chế, chính sách và điều kiện làm việc của tổ chức và cá nhân cán bộ làm công tác dân vận còn nhiều khó khăn, bất cập. Cơ chế phối hợp hoạt động trong công tác vận động nhân dân còn chưa đồng bộ trong các tổ chức trong hệ thống chính trị; khuynh hướng "hành chính hóa" các tổ chức quần chúng và công tác vận động quần chúng đang có xu hướng phát triển. Đây thực sự là những vấn đề bức xúc cần được quan tâm nghiên cứu cả về lý luận lẫn thực tiễn, để có những giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục phát huy bản chất tốt đẹp của Đảng ta trong công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Những khuyết điểm, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền chưa đầy đủ, chưa thống nhất về mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế nhanh với phát triển bền vững. Đường lối, chủ trương của Đảng chưa được quán triệt, thể chế hóa kịp thời. Một số chính sách cụ thể chưa sát thực tế, thiếu tính khả thi, tổ chức thực hiện chưa chủ động, thiếu kiên quyết. Tổ chức bộ máy, phân công, phân cấp, bố trí cán bộ, nguồn lực còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương thiếu chặt chẽ, nhất là phối hợp liên ngành, liên vùng. Nhiều chủ trương, giải pháp thiếu đồng bộ, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa phù hợp với diễn biến khách quan của tình hình và thực tiễn đất nước. Việc kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng, chưa thường xuyên, kém hiệu quả. Công tác điều tra, dự báo, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa làm rõ trách nhiệm, phát huy vai trò, huy động được sự tham gia đầy đủ, toàn diện của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cùng sự giám sát của toàn xã hội.
2.2. Một số giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta thời gian tới.