Quan niệm về vận dụng tư tưởng công tác dân vận của Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận ở Việt Nam hiện nay (Trang 36 - 40)

Minh trong bối cảnh hiện nay

Thế giới đang có những chuyển mình vĩ đại bước vào “thế giới mới” – xu thế toàn cầu hóa với những thay đổi lớn, đa dạng và phức tạp. Toàn cầu hoá hiện đang là xu thế tất yếu, khách quan, tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia, dân tộc, đến đời sống xã hội của cả cộng đồng nhân loại, cũng như cuộc sống của mỗi con người.

Hiện nay, Việt Nam đã bước vào một giai đoạn hội nhập quốc tế sâu sắc và toàn diện hơn bao giờ hết. Trong quá trình hội nhập đó chúng ta đã đạt được nhiều tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, y tế... Có được kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng, nhà nước và nhân dân trên con đường xây dựng đất nước; là kết quả của việc thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập về mọi mặt ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Trên con đường ấy, Việt Nam tận dụng và phát huy những thế mạnh trong và ngòai nước trên con đường phát triển, tận dụng mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển. Chúng ta đã tận dụng được các yếu tố về nguồn vốn, công nghệ sản xuất tiên tiến và khoa học quản lý hiện đại góp phần hữu hiệu trong tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ với các nước trong khu vực và trên thế giới đẩy nhanh quá trình thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa, cải thiện dân sinh về mọi mặt ở nước ta. Qúa trình này cũng thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động giao lưu văn hóa và tri thức quốc tế tăng cường sự hiểu biết tin cậy và tình hữu nghị giữa nước ta với các nước giúp tạo ra cơ hội thuận lợi để chúng ta chia sẻ lợi ích do toàn cầu hoá đưa lại, đồng thời đóng góp thiết thực vào tiến trình phát triển hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, dân chủ hoá

các sinh hoạt quốc tế, tham gia đấu tranh thiết lập trật tự kinh tế quốc tế công bằng hơn, hợp lý hơn. Những thành tựu đó đã tạo thêm niềm tin để nước ta càng vững bước trên đường hội nhập, tận dụng tốt nhất những cơ hội mới đang mở ra.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập ấy cũng đặt nước ta trước những thách thức mới: Thách thức lớn nhất và dễ nhận thấy nhất xuất phát từ chỗ nước ta là một nước đang phát triển có trình độ kinh tế thấp, quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém và bất cập... Cho nên, nước ta sẽ gặp khó khăn lớn trong cạnh tranh ở trong nước và trên trường quốc tế, cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện sâu hơn, rộng hơn.

Trên lĩnh vực xã hội, quá trình hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá đặt ra một thách thức nan giải đối với nước ta trong việc thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nguy cơ thất nghiệp và sự phân hoá giàu nghèo sẽ tăng lên mạnh mẽ. Do đó, cơ cấu xã hội có thể biến động phức tạp và khó lường, làm cho sự phân tầng, phân hoá xã hội cũng trở thành yếu tố tiêu cực đối với bản thân sự phát triển của đất nước.

Quá trình hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề mới về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trên lĩnh vực an ninh quốc gia, các nguy cơ đe doạ an ninh ngày càng phức tạp hơn, bên cạnh các hiểm hoạ mang tính truyền thống, đã xuất hiện các nguy cơ phi truyền thống (an ninh môi trường, dịch bệnh, khủng bố...); cục diện an ninh luôn thay đổi; công cụ, biện pháp, hình thức, cơ chế bảo đảm an ninh cũng cần phải đổi mới thường xuyên. Vấn đề gắn an ninh, quốc phòng với kinh tế và an ninh, quốc phòng với đối ngoại trở thành nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách hiện nay của nước ta. Sự biến động trên thị trường, cũng như tình hình chính trị khu vực và thế giới sẽ tác động mạnh đến thị trường và đời sống chính trị trong nước.

Trên lĩnh vực văn hoá, quá trình hội nhập quốc tế đặt nước ta trước nguy cơ bị các giá trị ngoại lai (trong đó có lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền), nhất là các giá trị văn hoá phương Tây xâm nhập ồ ạt, làm tổn hại bản sắc văn hoá dân tộc.

Trên lĩnh vực chính trị, tiến trình hội nhập quốc tế ở nước ta cũng đang đối diện trước thách thức của một số nguy cơ đe doạ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, sự lựa chọn định hướng chính trị, vai trò của nhà nước... Hội nhập quốc tế đối với nước ta rõ ràng không thể tách rời cuộc đấu tranh chống "diễn biến hoà bình" của các thế lực chống đối trên nhiều lĩnh vực.

Có thể nói, bối cảnh hiện nay của nước ta là một quá trình với cơ hội và thách thức đan xen tồn tại dưới dạng tiềm năng và có thể chuyển hoá lẫn nhau. Cơ hội và thách thức chỉ trở thành hiện thực trong những điều kiện cụ thể, mà ở đó vai trò của nhân tố chủ quan có tính quyết định rất lớn, trước hết đó là hiệu quả hoạt động lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước và tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết của toàn dân tộc. Để vươn tới tầm cao của sự nghiệp xây dựng và hội nhập ở nước ta hiện nay cần phải có sự vận dụng tư tưởng khoa học mang tầm nhìn của thế kỷ XXI. Theo đó, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “trong giai đoạn hiện nay vẫn mãi mãi là thích hợp và có giá trị tuyệt đối” [51].

Ở Việt Nam, rất hiếm khi sử dụng thuật ngữ “vận dụng, phát triển sáng tạo”, mà chủ yếu sử dụng thuật ngữ “vận dụng sáng tạo, phát triển”. Bởi lẽ,

phải trên cơ sở “vận dụng sáng tạo” càng sâu rộng càng tốt thì mới có “phát triển”, chứ không thể thực hiện “phát triển” ở “bên ngoài” hay “bên lề” của “vận dụng sáng tạo”. Và ở Việt Nam cho đến nay có thể nói, chúng ta trước hết tập trung vào “vận dụng sáng tạo” để từng bước đạt được sự phát triển vì mối quan hệ giữa “vận dụng” và “phát triển” khăng khít đến mức rất khó tách bạch được cấp độ của chúng. Xét về lôgic hình thức có thể tách bạch được hai cấp độ “vận dụng sáng tạo” và “phát triển”; nhưng trong thực tế sẽ là không

logic khi “bóc tách” và “phân cấp” chúng. Vì thế cụm từ “vận dụng sáng tạo, phát triển” như một thuật ngữ tương đối thống nhất về nội hàm, và ở chừng mực nhất định cũng có lưu ý bóc tách mức độ “vận dụng sáng tạo” và mức độ “phát triển” khi đánh giá thực trạng trong vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận ở Việt Nam hiện nay. Do đó việc vận dụng tư tường Hồ Chí Minh phải được xây dựng trên cơ sở nắm chắc bản chất khoa học, cách mạng, nắm những nội dung cốt lõi và phương pháp luận cơ bản trong tư tường của Người để vận dụng đúng đắn, sáng tạo. Mặt khác, muốn vận dụng tốt và phát triển đúng lại phải nắm vững những quan điểm có tính phương pháp luận, đó là:

Thứ nhất, quan điểm lý luận gắn với thực tiễn. Quan điểm này xuất phát từ bối cảnh thế giời và trong nước có nhiều thay đổi. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng và dân tộc được xác định cụ thể đó là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đề đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hường hiện đại. Vì vậy phải vận dụng quan điểm, lập trường, phương pháp của Bác để áp dụng một cách sáng tạo tư tưởng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của tình hình mới.

Thứ hai, quan điểm lịch sử - cụ thể. Với tư cách là nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam chúng ta hiểu tư tưởng của Người là những nội dung cốt lõi và đích thực ở trong mục tiêu, quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước. Do đó cần phải nắm những tư tưởng giàu giá trị của Người để vận dụng linh hoạt trong điều kiện hiện nay.

Thứ ba, quan điểm toàn diện và hệ thống. Tư tưởng của Bác là một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về nhiều lĩnh vực. Hệ thống những quan điểm đó thể hiện một cách nhất quán nhưng có hạt nhân cốt tủy là đem lại hạnh phúc và sự phát triển toàn diện cho con người. Do đó phải nhìn nhận nội dung cốt lõi đích thực này thì việc vận dụng mới đạt hiệu quả.

Thứ tư, quan điểm kế thừa – phát triển. Thực tiễn phong phú, đa chiều, luôn vận động và đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp đòi hỏi phải được giải

quyết sáng tỏ về mặt lý luận để đưa đất nước phát triển. Thực tiễn của đất nước đòi hỏi phải phát triển học thuyết Mác –Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong phát triển có kế thừa, trong kế thừa có phát triển. Kế thừa đúng thì phát triển tốt, phát triển tốt tức là kế thừa tốt. Kế thừa và phát triển nhằm đạt được mục tiêu, lý tưởng mà Bác đề ra. Nghĩa là kế thừa và phát triển vừa phải tìm ra luận điểm mới nhưng phải trung thành với triết lý phát triển của Người. Phải vận dụng và phương pháp và tinh thần của Người để phát hiện ra quy luật phát triển của công cuộc xây dựng đất nước hiện nay nhằm đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phải nắm chắc bản chất khoa học, cách mạng trong tư tưởng của Người để chống lại các luận điệu thù địch, các hành động xuyên tạc, bóp méo cắt xén hoặc đối lập tư tưởng của Người mục đích để xóa bỏ tư tưởng của Người với tư cách là nền tảng tư tường của Đảng và cách mạng Việt Nam

Do đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay phải nắm chắc bản chất khoa học, cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; tăng cường đoàn kết theo tư tưởng của Người đồng thời không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng một cách phù hợp và đúng đắn hệ thống các quan điểm đó vào thực tiễn đất nước sẽ là động lực quan trọng cho đất nước vượt qua những khó khăn thử thách trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các giai đoạn sau này.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận ở Việt Nam hiện nay (Trang 36 - 40)