0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (170 trang)

Chính sách lao động của EU

Một phần của tài liệu XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU (Trang 44 -51 )

Là một nhất thể về kinh tế - chính trị, EU đưa ra những nguyên tắc chung có ý nghĩa chi phối đối với việc hoạch định chính sách của tất cả các nước thành viên. Về vấn đề di cư lao động, năm 1998, Uỷ ban Châu Âu, cơ quan đứng đầu EU, đã đưa ra những nguyên tắc trong việc hoạch định các chiến lược, chính sách về di cư lao động đối với các nước thành viên. Nguyên tắc đó là: "hình thành một hệ thống các biện pháp có thể quản lý vấn đề lao động di cư một cách có trật tự, tối đa hoá cơ hội đối với cá nhân người di cư và các nước tiếp nhận lao động; giảm thiểu nạn nhân buôn người và di cư bất hợp pháp; tạo ra môi trường thuận lợi cho hội nhập (đối với công nhân các nước thành viên EU); tạo ra cơ chế đối thoại và hợp tác đối với các nước đưa lao động đi thông qua việc kết hợp chính sách đối ngoại và các chính sách đối với lao động di cư..."

Với nguyên tắc trên, các nước thành viên EU đã áp dụng một số các chính sách, biện pháp để điều chỉnh vấn đề di cư lao động. Đó là: (i) các chương trình thu hút chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn, quản lý; lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao; (ii) áp dụng hạn ngạch đối với lao

42

động thời vụ và các lao động bán lành nghề, lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt tạm thời về lao động; (iii) các thoả thuận song phương với các quốc gia khác; (iv) các chương trình ân xá để hợp pháp hoá tư cách lao động cho lao động nhập cư bất hợp pháp, người tị nạn...

2.1.2.1. Các chương trình thu hút chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn, quản lý; lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao

Nhìn chung, tất cả các nước thành viên EU đều áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất xám cao từ các nước trong nội khối và từ cả các nước ngoài khối EU, đặc biệt là đối với những chuyên gia cao cấp trong các lĩnh vực chuyên môn (như công nghệ sinh học, năng lượng...), các nhà quản lý cao cấp và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao (nhất là lao động ngành công nghệ thông tin và viễn thông). Các nước trong khối cũng đưa ra các chương trình khuyến khích đặc biệt để tiếp nhận lao động trong lĩnh vực dịch vụ công đòi hỏi trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cao như lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ (y tá), lĩnh vực giáo dục (giáo sư, giảng viên các trường đại học).

Các chương trình này nhìn chung được thực hiện cụ thể thông qua việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Tuy nhiên, có một số quốc gia áp dụng những chương trình đặc biệt đối với đối tượng này. Ví dụ: Vương quốc Anh thực hiện chương trình này dưới tên gọi là Chương trình Lao động nhập cư kỹ thuật cao (Highly Skilled Migrants Programme) - tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho việc định cư cũng như tiếp nhận lao động kỹ thuật cao sang làm việc có thời hạn, nhiều chính sách đãi ngộ đối với đối tượng này và gia đình của họ (như về lương, các phúc lợi xã hội khác); Cộng hoà Liên bang Đức thực hiện chương trình Thẻ Xanh đối với những lao động có bằng cấp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, hoặc có bằng đại học do một trường đại học của Đức cấp. Các đối tượng này đều có thể xin Thẻ

43

Xanh - tư cách lưu trú dài hạn tại Đức với các quyền lợi về việc làm, ăn, ở, sinh sống hết sức ưu đãi.

Chính phủ các quốc gia thành viên EU đã áp dụng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thông thoáng bằng việc đơn giản hoá thủ tục đối với các chuyên gia và lao động chuyên môn, kỹ thuật cao của các công ty xuyên quốc gia có thể di chuyển dễ dàng từ nước này sang nước khác. Đây cũng là một biện pháp để khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Gần đây, để có thể cạnh tranh với Mỹ trong việc thu hút lao động trình trình độ cao, duy trì và cải thiện sự tăng trưởng kinh tế, cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt do lực lượng lao động đang già đi, EU đang dự tính phát hành Thẻ Xanh (tương tự Thẻ Xanh của Mỹ) cho các chuyên gia và lao động chuyên môn, kỹ thuật cao. Những người đủ tiêu chuẩn được cấp thẻ sẽ có quyền sống và làm việc tại EU cùng với gia đình của họ (dự tính đến năm 2050, lao động của EU thiếu khoảng 50 triệu người, một số vị trí lao động quan trọng sẽ càng bị thiếu).

Theo đó, việc cấp “Thẻ Xanh"được tham khảo chế độ tương tự của Mỹ, trên thực tế đây là loại giấy chứng nhận cho phép làm việc và cư trú, có kỳ hạn trong hai năm và có thể gia hạn. 27 nước thành viên EU đều có quyền căn cứ theo tình hình của mỗi quốc gia thành viên để quyết định cấp phát số lượng “Thẻ Xanh"và lĩnh vực cho phép dân di cư làm việc nhưng chủ yếu là một số ngành nghề như: bác sĩ, y tá, kỹ sư.

Tuy nhiên điều kiện cấp phát “Thẻ Xanh"phải tuân thủ theo tiêu chuẩn thống nhất của EU. Dự luật mới tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các lao động di cư có “Thẻ Xanh”, chẳng hạn như: có thể ưu tiên được nhận visa đoàn tụ cùng gia đình, sau hai năm làm việc có thể chọn bất kỳ nước nào trong khối EU để tiếp tục làm việc, có thể quyết định về làm việc ở nơi cũ,

44

sau này có thể tự do vào EU làm việc, được hưởng các điều kiện lao động và bảo hiểm xã hội như những công dân khác của EU.

Bên cạnh đó, cũng có những điều kiện hết sức khắt khe đối với những đối tượng được nhận “Thẻ Xanh”: Bắt buộc phải có văn bằng chứng nhận, ít nhất phải có 3 năm kinh nghiệm làm việc, đồng thời phải có hợp đồng lao động, vị trí công việc là vị trí mà lao động EU còn thiếu. Để tránh việc công đoàn gây khó khăn hạ thấp phúc lợi, EC đã kiến nghị: Tiền lương của dân di cư phải bằng 3 lần mức lương tiêu chuẩn thấp nhất mà quốc gia cung cấp nguồn lao động quy định đối với những vị trí công việc tương ứng.

Tuy nhiên, Anh, Ireland và Đan Mạch không ủng hộ phương án Thẻ Xanh vì họ cho rằng một cơ chế như vậy sẽ khuyến khích việc chảy máu chất xám từ các nước đang phát triển, vốn đã và đang làm suy yếu sức cạnh tranh của các nước này trên thị trường chung.

Hiện tại, vẫn đang có hai quan điểm về việc này, đa số người dân và chính phủ không ủng hộ việc mở rộng nhập cư do quan ngại những hệ lụy về xã hội; bên cạnh đó, giới doanh nghiệp lại không ngừng kêu ca về việc thiếu lao động trình độ cao từ các nước thứ ba khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ bị ảnh hưởng.

Ngày 25 tháng 5 năm 2009, EU vừa thông qua Đạo luật Thẻ Xanh.

Theo đạo luật này, Thẻ Xanh sẽ thu hút lao động có tay nghề cao từ các nước thứ ba vào thị trường lao động của các nước thành viên EU và sẽ có hiệu lực từ 1 đến 4 năm tùy theo từng hợp đồng. Các điều khoản của đạo luật này cho phép người có Thẻ Xanh này được đối xử bình đẳng với công dân của nước thành viên EU phát hành Thẻ Xanh về một số mặt cơ bản như điều kiện làm việc, giáo dục, và một số điều khoản trong được quy định trong luật của quốc gia phát hành thẻ liên quan đến trợ cấp và an sinh xã hội. Thẻ này cũng cho

45

phép người có thị thực mang theo gia đình đến nước thành viên EU nơi họ đang làm việc.

Liên quan đến Thẻ Xanh, có ba điều cần lưu ý:

Thứ nhất, người được cấp Thẻ Xanh không được thay đổi chỗ làm việc giữa các nước thành viên EU. Thẻ Xanh không cho phép người lao động làm việc tại tất cả các nước thành viên EU. Sau thời hạn 18 tháng, người lao động mới được chuyển đến một quốc gia thành viên EU khác nếu họ tìm được việc làm ở đó

Thứ hai, những người lao động có tay nghề cao từ các nước đang phát triển sẽ gặp khó khăn để có được việc làm tại thị trường lao động EU bởi họ phải được trả lương cao gấp 1,5 lần mức lương tính theo năm bình quân của quốc gia mà họ đến làm việc. Vấn đề là ở chỗ mức lương bình quân sẽ được ước tính như thế nào. Trong trường hợp Chương trình Thị thực H1B của Hoa Kỳ, lao động nhập cư chỉ cần tìm được công việc với mức lương phổ biến đối với công việc mà họ sẽ làm. Từ năm 2004, Nghị viện đã yêu cầu Bộ Lao động Mỹ cung cấp 4 mức lương phổ biến theo kỹ năng để các chủ sử dụng lao động áp dụng. Các chủ sử dụng lao động đã sử dụng hệ thống này để phân loại hầu hết những người lao động ở mức trình độ kỹ năng thấp nhất. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, các công ty sẽ không thể đòi hỏi những lao động có kỹ năng từ các nước thứ ba nếu họ phải trả mức lương cao hơn. Thẻ Xanh cũng có nguy cơ gặp phải những vấn đề giống như Chương trình thị thực H1B này (hạn ngạch cho thị thực H1B của năm 2009 vẫn còn do nhu cầu về lao động thấp từ các công ty Mỹ).

Thứ ba, ban đầu, các nước thành viên mới kịch liệt phản đối đạo đạo luật Thẻ Xanh vì cho rằng người lao động của họ sẽ phải đối mặt với sự hạn chế lao động ở 5 quốc gia gồm Ôt-xtrây-li-a, Bỉ, Đan Mạch, Pháp và Đức. Tuy nhiên, 24 quốc gia thành viên đã vẫn thông qua đạo luật mới này vì mỗi

46

quốc gia vẫn giữ cho mình quyền quyết định số lượng thị thực làm việc tại EU sẽ được cấp theo kế hoạch này.

2.1.2.2. Hạn ngạch đối với lao động thời vụ và các lao động bán lành nghề, lao động phổ thông để đáp ứng những thiếu hụt tạm thời về lao động

Để đáp ứng tạm thời những thiếu hụt về lao động đối với một số ngành nghề kỹ thuật thấp hoặc những công việc mang tính thời vụ, một số nước thành viên EU (như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a, Hy Lạp, Bỉ và Vương quốc Anh) áp dụng chế độ hạn ngạch đối với đối tượng lao động này. Việc đưa ra quyết định về ngành nghề thiếu hụt và mức lao động thiếu hụt phụ thuộc vào việc có tìm được nguồn lao động bản địa và lao động nội khối chấp nhận đảm nhận công việc đó hay không, trên thực tế, thông qua việc thương lượng giữa các bên có liên quan trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc (như Chính phủ, các Hiệp hội ngành nghề, công đoàn...).

Tất cả các nước thành viên EU đều có chương trình tiếp nhận lao động thời vụ, thường làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc phục vụ các nhà hàng, khách sạn trong mùa du lịch. Thời gian làm việc đối với hình thức lao động này thường ngắn (khoảng từ 3 đến 9 tháng), được hưởng ít chế độ ưu đãi.

Tuy nhiên, một số nước áp dụng chế độ hạn ngạch đối với đối tượng lao động này (như Bỉ và I-ta-li-a), trong khi đó có nước lại chỉ nhận lao động từ các nước đã ký thoả thuận song phương về tiếp nhận lao động theo hình thức này (như Cộng hoà Liên bang Đức). Vương quốc Anh có Chương trình lao động nông nghiệp thời vụ (Seasonal Agriculture Labour Scheme) - chỉ cấp hạn ngạch cho một số ít các Công ty tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

47

Những nước có mối quan hệ chặt chẽ về mặt địa lý hay lịch sử (như giữa Cộng hoà Liên bang Đức - Ba Lan; Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha - Ba Lan; Ru-ma-ni - U-crai-na) thường ký kết thoả thuận song phương về lao động nhằm mục đích phối hợp kiểm soát các dòng lao động di cư có khả năng trở thành bất hợp pháp. Với sự mở rộng EU 15 thành EU 25, rồi đến EU 27, lao động từ các nước Trung và Đông Âu mới gia nhập không cần visa để nhập cảnh, sống tại các nước Tây Âu trong thời gian 3 tháng và tiếp tục ở lại làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn visa. Vì vậy, trong thời gian gần đây, một số nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã bắt đầu đàm phán với các nước ở Trung và Đông Âu để ký hiệp định song phương về lao động để cùng phối hợp, điều chỉnh vấn đề nhập cư của lao động nước ngoài.

Phần lớn các thoả thuận này liên quan đến các vấn đề thị trường lao động kỹ năng thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ khách sạn, phục vụ ăn uống và xây dựng.

2.1.2.4. Chương trình ân xá

Các chương trình ân xá do Chính phủ một số nước thành viên EU tiến hành nhằm hai mục đích (i) hợp pháp hóa về vị thế xã hội đối với những lao động bất hợp pháp hoặc những người tị nạn vì lý do chính trị và xác định; (ii) giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động trong một số lĩnh vực. Chương trình này nhận được sự ủng hộ của những người hiện đang sử dụng lao động bất hợp pháp cũng như người dân nói chung - những người sử dụng dịch vụ do các lao động này cung cấp. Tuy nhiên, không phải bao giờ chương trình này cũng nhận được sự ủng hộ của dân chúng, đặc biệt trong trường hợp tỷ lệ lao động thất nghiệp tại các nước tiếp nhận lao động cao hoặc những người tị nạn có khả năng gây ra sự bất ổn về chính trị hay trật tự xã hội. Ví dụ: Tháng 10/2003, Chính phủ Anh đã đưa ra Chương trình ân xá đối với 15.000 người tị nạn chính trị, cho phép họ ở lại Anh và tham gia vào lực lượng lao động.

48

Một phần của tài liệu XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU (Trang 44 -51 )

×