Phương pháp dạy học khám phá

Một phần của tài liệu Dạy học phương trình - bất phương trình mũ và logarit chương trình giải tích lớp 12 - Ban cơ bản theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh (Trang 25)

10. Cấu trúc luận văn

1.3.3. Phương pháp dạy học khám phá

Các yếu tố cơ bản của PPDH khám phá là:

- Giáo viên nghiên cứu nội dung bài học đến mức độ sâu cần thiết, tìm kiếm những yếu tố tạo tình huống, tạo cơ hội cho hoạt động khám phá, tìm tòi.

- Thiết kế các hoạt động của học sinh trên cơ sở đó mà xác định các hoạt động chỉ đạo, tổ chức của giáo viên.

- Khéo léo đặt người học vào vị trí của người khám phá, tổ chức và điều khiển cho quá trình được diễn ra một cách thuận lợi để từ đó người học xây dựng kiến thức của bản thân.

Khai thác nội dung bài học chúng ta có thể tạo ra những tình huống trong dạy học để học sinh tự khám phá ra những tri thức mới cho bản thân. Cách dạy học như thế ta gọi là phương pháp dạy học khám phá (có hướng dẫn).

PPDH khám phá được hiểu là PPDH trong đó dưới sự hướng dẫn của giáo viên, thông qua các hoạt động học sinh khám phá ra một tri thức nào đó trong chương trình môn học.

Theo phương pháp này, những gì người giáo viên định thông báo cho học sinh một cách khiên cưỡng sẽ được học sinh tự khám phá ra. Học sinh tự có được những tri thức, kĩ năng mới, chứ không phải là thụ động tiếp thu những tri thức, kĩ năng do thày truyền thụ cho; các em vừa có được những nhận thức mới, kĩ năng mới, vừa nắm được phương pháp có được những tri thức, kĩ năng đó. Hoạt động khám phá có thể thông qua các hoạt động: trả lời câu hỏi, điền bảng, lập bảng, giải toán.

Khám phá trong học tập không phải là một quá trình tự phát mà là một quá trình có hướng dẫn của giáo viên, trong đó giáo viên khéo léo đặt người học sinh vào địa vị người phát hiện lại, người khám phá lại những tri thức di sản văn hoá của loài người, của dân tộc. Quyết định hiệu quả học tập là những gì học sinh làm chứ không phải những gì giáo viên làm. Vì vậy phải thay đổi quan niệm về soạn giáo án, từ tập trung vào thiết kế hoạt động của giáo viên chuyển sang tập trung vào thiết kế các hoạt động của học sinh. Tuy nhiên số lượng hoạt động và mức độ tư duy đòi hỏi ở mỗi hoạt động trong một tiết học phải phù hợp với trình độ học sinh để có đủ thời lượng cho học sinh thực hiện hoạt động khám phá.

Hoạt động khám phá trong học tập có nhiều dạng khác nhau, từ trình độ thấp lên trình độ cao tuỳ theo năng lực tư duy của người học và được tổ chức thực hiện theo cá nhân, theo nhóm tuỳ theo mức độ phức tạp của vấn đề cần khám phá. Giáo viên cần chuẩn bị một số câu hỏi gợi mở từng bước để giúp học sinh tự lực đi tới

mục tiêu của hoạt động. Nếu là hoạt động tương đối dài có thể từng chặng yêu cầu một vài nhóm học sinh cho biết kết quả tìm tòi của họ.

Đặc điểm của PPDH khám phá có hướng dẫn:

- Phát huy được nội lực của học sinh, tư duy tích cực - độc lập - sáng tạo trong quá trình học tập.

- Kích thích lòng ham mê học tập của học sinh.

- Thông qua việc hợp tác với bạn trong quá trình học tập, tự đánh giá, tự điều chỉnh vốn tri thức của bản thân học sinh hình thành phương pháp tự học. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân trong cuộc sống.

- Giải quyết các vấn đề nhỏ vừa sức của học sinh được tổ chức thường xuyên trong quá trình học tập, là phương thức để học sinh tiếp cận với kiểu dạy học hình thành và giải quyết các vấn đề có nội dung khái quát rộng hơn.

- Đối thoại trò - trò, trò - thầy đã tạo ra không khí học tập sôi nổi, tích cực và góp phần hình thành mối quan hệ giao tiếp trong cộng đồng xã hội.

Trong dạy học khám phá, giáo viên có vai trò định hướng phát triển tư duy cho học sinh, lựa chọn nội dung của vấn đề và đảm bảo tính vừa sức với học sinh, tổ chức học sinh trao đổi theo nhóm trên lớp, các phương tiện trực quan hỗ trợ cần thiết… để học sinh trao đổi, tranh luận tích cực. Như vậy đòi hỏi giáo viên phải đầu tư công phu vào nội dung bài giảng.

Theo PPDH khám phá, học sinh không chỉ chiếm lĩnh được tri thức của môn học, mà còn có thêm nhận thức về cách suy nghĩ, cách phát hiện và giải quyết vấn đề một cách độc lập, sáng tạo, học sinh học tập với sự hứng thú, với niềm vui của sự phám phá.

Cách xây dựng bài tập để học sinh khám phá:

Thiết kế các bài toán thành phần hợp lý.

Hệ thống các câu hỏi dẫn dắt đi từ dễ đến khó, có sử dụng các thao tác tư duy như phân tích, so sánh…

Cách trình bày và hình thức trình bày bộc lộ được đặc điểm, quy luật, tính chất… của đối tượng để học sinh dễ quan sát.

- Lựa chọn vấn đề, nội dung phù hợp để tổ chức cho học sinh khám phá kiến thức mới, kiến thức khái quát hoá những nội dung đã biết.

- Thiết kế hoạt động học cho học sinh thông qua các câu hỏi đòi hỏi học sinh thực hiện một số thao tác ghi chép, quan sát, phát hiện tìm ra những quy luật, diễn đạt bằng ngôn ngữ, biểu thức.

- Thao tác đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, từ dễ đến khó. Có thể sử dụng các mẫu ghi chép khác nhau giúp học sinh phát hiện ra vấn đề.

Một phần của tài liệu Dạy học phương trình - bất phương trình mũ và logarit chương trình giải tích lớp 12 - Ban cơ bản theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh (Trang 25)