Huỳnh Văn Nghệ (1914 – 1977)

Một phần của tài liệu khuynh hướng yêu nước – cách mạng trong thơ ca nam bộ 1900 - 1945 (Trang 29)

30 Huỳnh văn Nghệ còn có một quan niệm rất rõ ràng về phạm vi rộng lớn của cảm xúc, về tính phong phú, đa dạng của thơ ca. Với ông, thơ không thể bị giới hạn bởi những rào chắn cứng nhắc, cũng như nhà thơ không bao giờ tự giới hạn mình. Ngược lại, thơ có thể đến với tất cả, từ những trạng thái say sưa bay bổng của tâm hồn cho tới những thực tại sôi động của cuộc sống đấu tranh. Ông từng khẳng định “Bạn đừng ngại rằng người thơ mê ngủ, / Quên cuộc đời, tìm mộng để làm thơ, / Bạn đừng lo tôi say máu quân thù, / Quên ghi chép những vần thơ huyền diệu” (Đề từ).

4.5.2.Huỳnh Văn Nghệ với hồn thơ phương Nam: “Từ độ mang

gươm đi mở cõi”

Lòng yêu nước là một nội dung lớn trong thơ ca quốc ngữ ở Nam Bộ giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945. Nó bao gồm nhiều biểu hiện phong phú trong từng thời kỳ lịch sử như lòng yêu quê hương, ý chí nâng cao tầm vóc dân tộc, tinh thần chống ngoại xâm, khát vọng độc lập tự do và thống nhất đất nước...

Đặc biệt với nhà thơ, chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ, các nội dung trên còn gắn bó mật thiết với cảm hứng phương Nam thông qua tâm hồn, tình cảm luôn hướng về cội nguồn dân tộc với nghệ thuật biểu hiện đậm đà nét phong cách Nam Bộ. Từ đó đã có những câu thơ tuyệt tác như “Ai về xứ Bắc ta theo với, / Thăm lại non sông giống Lạc Hồng, / Từ độ mang gươm đi mở cõi, / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Nhớ Bắc). Cảm hứng phương Nam kết hợp hài hoà với cảm hứng cội nguồn, cảm hứng yêu nước – cách mạng đã tạo nên ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu thơ về một vùng đất anh hùng được gây dựng từ những thế hệ anh hùng, đã nối tiếp được truyền thống dựng nước từ ngàn xưa, từ những ngày đầu mở đất cho đến ngày nay.

4.6. Tiểu kết

Do phải luôn đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ bảo vệ, phát huy, phát triển và cập nhật các hệ tư tưởng cũng như các hình thức cổ vũ các phong trào nâng cao tầm vóc dân tộc, tiến tới đấu tranh giành độc lập tự do, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, nên rõ ràng nhiều bài thơ của các tác giả trên cũng phải nằm trong dòng thơ

31 “công cụ” dùng vào việc tuyên truyền, cổ vũ, kêu gọi hành động cách mạng. Nhưng cũng phải vì thế mà thơ của họ thiếu nét tài hoa và cá tính sáng tạo của riêng từng tác giả. Sự hài hòa giữa hồn thơ cổ điển và không gian hiện đại trong thơ Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Quang Diêu, tấm lòng thiết tha nối kết vẻ đẹp của hình tượng truyền thống với những giá trị hiện đại trong thơ Bửu Đình, khả năng có thể từ lời ăn tiếng nói Nam bộ mà tiến lên một thứ ngôn ngữ thơ dạt dào, sâu lắng và tài hoa trong thơ Huỳnh Văn Nghệ…Tất cả đã làm nên những điểm nhấn đẹp trên suốt chặng đường phát sinh, phát triển, đạt đến những thành tựu đáng ghi nhận của thơ ca yêu nước Nam Bộ 1900 – 1945.

KẾT LUẬN

Được hình thành trong giai đoạn đất Nam Kỳ rơi vào vòng thuộc địa với thực tại bị nô lệ về chính trị, lạc hậu về kinh tế và bế tắc về ý thức hệ, cùng với những thể loại khác của văn chương, thơ ca yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ 1900 – 1945 phải đảm đương nhiều nhiệm vụ mà lịch sử đã đặt vào văn chương và vào dòng thơ này. Đó là sứ mệnh tư tưởng và sứ mệnh nghệ thuật của một dòng thơ vừa làm nhiệm vụ góp phần vào cuộc đấu tranh canh đất nước và giải phóng đất nước, vừa đưa nền thơ ca yêu nước hoà nhịp vào trào lưu hiện đại hóa văn học.

Về phương diện nội dung, ý nghĩa ngôn chí trong thơ ca yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ chính là sự bộc bạch, thể hiện tâm hồn, ý chí của người Việt Nam, người Nam Bộ trước những biến động lịch sử có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc. Ngoài những nỗi niềm của người dân mất nước dưới dạng những bài thơ “cảm hoài”, ngậm ngùi trước cảnh “tân đến, cựu đi”, thơ ca yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ 1900 – 1945 còn có những “ngôn chí” hiện đại bước đầu thể hiện được “chất thép” của con người tiếp nhận lý tưởng cách mạng Cộng sản chủ nghĩa không chùn bước trước những sự nguy hiểm của con đường đấu tranh cách mạng hay sự tàn bạo của nhà tù thực dân.

Về phương diện nghệ thuật, thơ ca yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ từ 1900 – 1945 đã cho thấy nhận thức rất rõ ràng về một dòng thơ công cụ nhưng

32 không phải vì thế mà không khẳng định được những nét đặc thù của ngôn ngữ thơ, giọng điệu thơ, hình tượng thơ, cách vận dụng các thể thơ sao cho đạt hiệu quả nghệ thuật và hiệu quả tư tưởng.

Những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ ca yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ 1900 – 1945 còn cho thấy vài khía cạnh cần quan tâm trong cách hiểu về quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam bắt đầu từ đầu thế kỷ XX. Một mặt, đó không thể là một quá trình thay đổi thụ động tùy thuộc vào ảnh hưởng của những yếu tố ngoại lai. Tác động của yếu tố ngoại lai thường được tiếp nhận thông qua sự chi phối mạnh mẽ của lý tưởng thẩm mỹ mang tính bản địa của cộng đồng tiếp nhận. Quá trình hiện đại hóa văn học không thể được quan niệm như là quá trình vận động đi tới chỗ đoạn tuyệt với những yếu tố truyền thống. Mặt khác, sự vận động phát triển của những yếu tố truyền thống đã đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình hiện đại hóa.

Với những thành quả về số lượng, về tính phong phú đa dạng, về ý nghĩa hiện đại, Thơ ca yêu nước – cách mạng ở Nam Bộ 1900 – 1945 thực sự đã có những đóng góp rất ý nghĩa vào việc làm phong phú mảng di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ hiện đang không ngừng được khai phá, phát hiện thêm những vẻ đẹp, những giá trị và kể cả bản lĩnh riêng của mảng văn học vùng đất mới này.

Một phần của tài liệu khuynh hướng yêu nước – cách mạng trong thơ ca nam bộ 1900 - 1945 (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(32 trang)