Cảm quan carnaval trong nghi lễ Kinh Thánh

Một phần của tài liệu từ biểu tượng quỷ satan trong kinh thánh đến hình tượng chúa quỷ voland trong nghệ nhân và margarita của m bulgakov (Trang 81)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Cảm quan carnaval trong nghi lễ Kinh Thánh

Giáo hội Kitô có khá nhiều nghi lễ, đặc biệt là các lễ liên quan đến Chúa Giê- xu. Mỗi một nghi lễ tượng trưng cho một bước ngoặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Cảm quan tôn giáo hoàn toàn chi phối những nghi thức này. Điều thú vị là, ngày lễ Giáng sinh được Tòa Thánh La Mã chọn cũng vào dịp lễ tế Thần Nông Saturnalia, bởi muốn biến tập tục tế Mặt Trời và Thần Nông trở thành một lễ hội có tính đạo giáo hơn. Nói cách khác, họ muốn dùng tôn giáo chi phối các lễ hội văn hóa dân gian mang đậm cảm quan carnaval. Lễ hội tôn giáo mang hình thức như một carnaval ngược. Carnaval mang cảm hứng về sự thay đổi, trong khi đó tôn giáo gợi liên tưởng đến sự bất biến. Carnaval mang tính chất phi trung tâm, trong khi đó cảm quan tôn giáo đưa đến việc suy tôn Chúa làm chủ thế giới, cai quản vũ trụ. Hoạt động chủ đạo của carnaval là nghi lễ lưỡng tính tấn phong – hạ bệ. Hoạt động chủ yếu của nghi lễ tôn giáo lại là hạ bệ – tôn xưng. Điều này cũng được bày tỏ trong Kinh Thánh.

Có thể thấy rằng, trong Kinh Thánh có nhiều nghi lễ mang tính chất nhạo báng, nhưng ý nghĩa của chúng không tuyệt nhiên dùng để gây cười. Những nghi lễ này xoay quanh hình tượng Chúa Giê-xu. Điều này mang ý nghĩa ứng nghiệm lời tiên tri: Người đã bị người ta khinh dể (từ cổ của “khinh rẻ”) và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem, chúng ta cũng

chẳng coi người ra gì (Ê-sai 53: 3). Đây cũng là một dạng thức kiểu carnaval ngược,

nghĩa là “hạ bệ” để “tôn xưng”. Từ sự giáng sinh của Chúa Giê-xu đã mang nhiều hàm ý: Ngài giáng sinh nơi chuồng chiên máng cỏ. Một vị vua không hạ sanh nơi cung điện cao sang, chấp nhận hạ bệ mình, để trở thành đứa trẻ nằm trong máng cỏ là sự khiêm tốn, đồng thời mang nghĩa biểu đạt tình yêu thương không phân biệt hèn khinh của Ngài. Kinh Thánh nói về việc Chúa Giê-xu cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem:

Vả, điều ấy xảy ra để cho ứng nghiệm lời của đấng tiên tri rằng: Hãy nói với con gái thành Si-ôn rằng:

Nầy, vua ngươi đến cùng ngươi Nhu mì, cỡi lừa

Hai môn đồ bèn đi, và làm y theo lời Đức Chúa Giê-xu đã dạy. Hai người dắt lừa cái và lừa con, trải áo mình trên lưng lừa, và nâng Ngài cỡi lên. Bấy giờ phần nhiều trong đám dân đông trải áo mình trên đường, kẻ khác chặt nhánh cây mà rải ra giữa đường. Đoàn dân đi trước và theo sau đều kêu lên rằng: Hô-sa-na con vua Đa- vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao.

(Ma-thi-ơ 21: 4-9)

Theo quan niệm của người Do Thái, một vị vua khi được cất lên sẽ cưỡi lừa và được dân chúng tung hô. Vị vua đầu tiên của dân Israel – Sau-lơ khi được lên ngôi cũng cưỡi lừa và được ủng hộ như vậy. Người tiên tri tên Giê-xu khi cưỡi lừa vào thành được vui mừng chào đón, ngầm ẩn rằng họ tin đây là vị vua mới của dân Y-sơ- ra-ên. Trước đó, Ngài cũng rao giảng về sự lập nên một thành Giê-ru-sa-lem mới. Người ta càng có bằng cớ để tin tưởng Ngài là một vị vua. Nhưng sau đó, cũng chính dân sự thành này quyết định treo Ngài lên cây thập tự giá. Người ta lột hết áo xống Ngài, treo mão gai tựa hồ như vương miện, và dán dòng chữ: NGƯỜI NẦY LÀ VUA DÂN GIU-ĐA. Đây là một sự chế nhạo bằng cách tôn xưng. Người ta giả cho Ngài là một vị vua – vị vua bị sỉ nhục bởi chính những con người trước đó đã tung hô mình. Nó ứng nghiệm lời tiên tri: Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt

lông, Người chẳng từng mở miệng (Ê-sai 53: 7). Người ta tôn xưng Ngài, rồi hạ bệ

Ngài, chế nhạo Ngài, tất cả cũng đi đến mục đích cuối cùng, đó là khẳng định khả năng chịu đựng của Đức Chúa Giê-xu và sự hy sinh lớn lao của Ngài.

Sự chết và sống lại của Chúa đã tạo nên một nghi lễ truyền thống lớn trong Giáo hội Cơ Đốc. Đó cũng là một kiểu hình thức của carnaval ngược. Chúa Giê-xu phải chấp nhận chịu chết để trở nên giống như con người, nghĩa là phải tự bỏ mình, tự làm mình hèn kém hơn chính bản chất thật của mình. Trong khi nghi lễ carnaval là nghi lễ đưa những người không có địa vị trong xã hội lên làm vua, thì Chúa – từ vai trò một vị vua chấp nhận tự bỏ mình đi, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự giá. Chúa – từ vai trò đồng sáng tạo với Đức Chúa Trời trên thiên đàng, từ địa vị làm chủ vũ trụ đã chấp nhận trở nên như con người, trải qua đau đớn như con người, và phải chấp nhận cái chết. Một trong những điều mà con người ta không nắm bắt được chính là sự chết. Chính vì thế, sự chết trở nên đáng sợ, bởi không có tiến bộ khoa học nào giúp con người xác định được khi nào mình chết cả. Chính vì thế, họ tìm mọi

cách chống lại cái chết. Đó là tin vào sự sống sẽ còn tồn tại tiếp nơi Thiên đàng, tin vào một sự sống tốt đẹp hơn. Họ ra sức lý giải về cái chết, và Kinh Thánh đã quan niệm: “Tiền công của tội lỗi chính là sự chết” (Rô-ma 6: 23). Người ta phải chấp nhận cuộc sống hữu hạn trên đất và trông chờ cuộc sống đời đời trên trời. Giáo lý Cơ Đốc Chúa Giê-xu hơn mọi giáo chủ trên đời này bởi Ngài từng là con người và chịu trải qua cái chết. Chỉ có trải qua cái chết như con người, và sống lại, Ngài mới được tôn xưng lên rất cao, vì Ngài là Con Người duy nhất chiến thắng cái chết, chiến thắng tội lỗi và Âm phủ. Thay vì đưa mình lên ngôi rất cao của một vị vua, Ngài đã hạ mình xuống và chấp nhận nỗi đau, cái chết như con người bình thường. Đó cũng là lý do người ta xưng tụng Chúa. Xét về khía cạnh văn hóa, hẳn những huyền thoại này cũng ít nhiều mang tính carnaval. Bởi nó cũng nói đến một sự “hạ bệ”, “tôn xưng”, cũng đưa tới một trào lưu cách mạng, cũng dẫn con người tới niềm vui và niềm tin. Nhưng hẳn nhiên, Kinh Thánh không được viết ra bởi mục đích đó. Kinh Thánh được viết ra để khẳng định có sự sống đời đời thông qua Chúa Giê-xu Toàn Thiện. Điều này cho thấy rằng, dù ở hiện thực nào, cảm quan carnaval cũng ít nhiều chi phối đến đời sống cộng đồng, đó là niềm tin vào sự thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn mà không bị thế lực nào ngăn cản. Đó là hình thức vượt ra khỏi những giới hạn của con người đưa ước mơ bay cao bay xa. Đó còn là sự chế nhạo những định kiến xã hội, những thứ luật pháp ràng buộc con người.

Nghiên cứu Kinh Thánh cũng cho ta thấy được bên cạnh các nghi lễ chính thống của Giáo hội, Satan cũng tổ chức những nghi lễ của riêng mình. Với mục đích xây dựng một chương trình giả mạo chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Satan cũng tạo nên một hệ thống nghi lễ tương tự với hệ thống nghi lễ của Đức Chúa Trời. Về hình thức, hành động này của Satan cũng mang cảm quan carnaval. Trong những ngày tận thế của thế giới, Satan thực hiện một lễ hội hóa trang lớn nhất hành tinh, những giáo sư giả, tiên tri giả, những Christ sẽ có mặt ở khắp mọi nơi trên Trái Đất và dụ dỗ tín đồ của Chúa bước ra khỏi đường lối của Ngài. Sự giả trang này cũng báo hiệu cho những chuyển biến lớn trong lòng xã hội: thời kỳ của con người trên mặt đất đã kết thúc, một thời kỳ mới bắt đầu.

Nghi lễ trong Kinh Thánh mang cảm quan tôn giáo sâu sắc, chính vì thế, nó có nhiều điểm đối lập với cảm quan carnaval. Các nghi lễ trong Kinh Thánh (ngoại trừ lễ hội của Satan) đa phần đi ngược lại với mục đích và đặc điểm của carnaval. Nhận thấy

được sự nguy hiểm, tính cách mạng trong lễ hội carnaval, nhiều nhà cầm quyền giáo hội đã ngăn chặn nghi lễ này, và cho rằng đó là lễ hội của Quỷ. Chính vì thế, những hành động của Quỷ Satan trong Kinh Thánh lại gần gũi với carnaval hơn cả.

Một phần của tài liệu từ biểu tượng quỷ satan trong kinh thánh đến hình tượng chúa quỷ voland trong nghệ nhân và margarita của m bulgakov (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)