Điều tra viên là người trực tiếp truyền đạt mục đích, nội dung, yêu cầu điều tra đến các đối tượng cung cấp thông tin, đồng thời trực tiếp phỏng vấn, lựa chọn thông tin để ghi vào bảng hỏi (nếu là điều tra trực tiếp). Vì vậy, điều tra viên có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng số liệu trong điều tra.
Nếu điều tra viên không nắm vững mục đích của cuộc điều tra, không hiểu hết nội dung thông tin cần thu thập thì sẽ truyền đạt không đúng các yêu cầu cần thiết cho đối tượng trả lời. Ngay cả khi điều tra viên nắm được nghiệp vụ, nhưng nếu thiếu ý thức trách nhiệm, chỉ phỏng vấn và ghi chép cho xong việc, hoặc cách tiếp cận với đối tượng điều tra không tốt thì cũng sẽ dẫn đến kết quả số liệu điều tra thu được không theo ý muốn.
Như vậy, việc lựa chọn điều tra viên không tốt cũng là nguyên nhân không kém phần quan trọng làm cho sai số điều tra tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng số liệu. Vì vậy, muốn giảm bớt loại sai số điều tra này, cần tuyển chọn điều tra viên có trình độ nhất định, nắm được nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tế về điều tra thống kê, đồng thời phải có ý thức và
tinh thần trách nhiệm cao.
Sau khi lựa chọn được điều tra viên cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ đầy đủ và thống nhất. Trong lớp tập huấn bên cạnh giải thích biểu mẫu điều tra cần cung cấp thêm những kiến thức về xã hội, phổ biến những kinh nghiệm thực tế và cách tiếp cận đối tượng điều tra, cách ứng xử trong thực tế. Đối với các cuộc điều tra thống kê có nội dung phức tạp và quy mô lớn, cần tiến hành điều tra thử để kịp thời rút kinh nghiệm, đảm bảo hướng dẫn nghiệp vụ gắn với điều tra thực địa.
Trong điều tra chọn mẫu, khi hướng dẫn nghiệp vụ cần chỉ rõ lộ trình điều tra theo từng cấp chọn mẫu, xác định địa bàn điều tra, lập danh sách địa bàn và đối tượng điều tra chọn mẫu (có địa chỉ cụ thể), quy định rõ những trường hợp mất mẫu phải thay đổi như thế nào, thay đổi đến đâu để tránh tình trạng điều tra viên thay đổi mẫu tuỳ tiện theo ý chủ quan của họ, v.v...
3.4.2 Sai số trong quá trình tổ chức điều tra