GIA BA VÌ, XÃ BA VÌ, HUYỆN BA VÌ – HÀ NỘI.
1.2.1 Lịch sử người Dao Quần Chẹt tại Vườn quốc gia Ba Vì – xã BaVì, huyện Ba Vì – Hà Nội Vì, huyện Ba Vì – Hà Nội
Người Dao hay còn gọi là Mán, Động, Dạo, Kiềm Mùn, Kiềm Miền… sinh sống tại nhiều tỉnh thành trên khắp nước Việt Nam. Các tên goi như Mán, Dạo, Xá… là tên gọi dân gian của các tộc người khác gán cho người Dao. Các tên gọi này có ý miệt thị, dành cho người của những dân tộc bị coi là man ri, không thuộc vùng sinh sống của người Hán tại Trung Quốc. “Động” là tên được dùng phổ biến của người Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc trước đây. “Động” là tên gọi của một đơn vị cư trú trước đây của người Dao giống như làng của người Kinh. Tên “Dào” hay “Dạo” là sự goi chệch của từ “Dao” mà thành. Tên “Xá” chỉ thấy ở Yên Bái và Lào Cai, một bộ phận Dao quần trắng có tên là “Xá họ”. Tên gọi “Mán” là từ chữ “Man” trong tiếng Hán mà ra. Nhìn chung các tên gọi như Mán, Dạo, Xá… là các tên gọi phiếm xưng mang tính chất miệt thị.
Tên tự nhận của người Dao là “Kiềm Miền” hay “Kiềm Mùn”. “Kiềm” có nghĩa là rừng, còn “Miền” hay “Mùn” có nghĩa là người. “Kiềm Miền”, “Kiềm Mùn” được hiểu là “Người ở rừng”. Tên gọi này cũng chỉ là cách gọi phiếm
xưng rất chung chung bởi lẽ người cư trú ở khu vực rừng núi không chỉ có người Dao mà còn có nhiều tộc người khác. Ở nước ta cũng có nhièu trường hợp tên gọi như vậy như: Vân-kiều, Bru, Xinh mun… Trong nhiều thư tịch, sách cổ ngữ của Trung quốc có đề cập đến tên “Dao” như trong Quế Hải Ngu Hành Chí có viết: “Người Dao vốn là dòng dõi Bàn Hồ ở Ngũ Khê…” hay trong Lĩnh Ngoại Đại Đáp viết: “Người Dao có nhiều thôn lạc, mạnh nhất là người Dao la man, người Ma viên… Hang núi càng xa thì người Dao càng nhiều”.
Như vậy tên Dao là tên tự nhận của người Dao, nó gắn liền với lịch sử hình thành của dân tộc Dao. Ở Việt Nam hiện nay, tên “Dao” đã được thống nhất gọi chung cho người Dao, trong đó lại có các nhóm Dao khác nhau cư trú tại các khu vực khác nhau trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Về nguồn gốc của dân tộc Dao, cho đến nay người Dao vẫn lưu truyền truyền thuyết về “Bàn Hồ” hay “Bàn Vương”. Chuyện Bàn Hồ không chỉ là câu chuyện truyền miệng mà nó còn được ghi chép trong rất nhiều những cuốn “Bảng văn” và trong các sách cúng của người Dao:
“Bàn Hồ là con long khuyển mình dài ba thước, lông đen, vằn vàng, mướt như nhung, từ trên trời giáng xuống được Bình Hoàng yêu quý nuôi trong cung. Một hôm Bình Hoàng nhận được chiến thư của Cao Vương, nên đã cho họp bàn bá quan văn võ để tính kế tiêu diệt Cao Vương nhưng không ai hiến được kế sách gì. Trong khi đó, Bàn Hồ từ trong cung điện nhảy ra sân rồng quỳ lạy xin được đi giết Cao Vương. Trước khi Bàn Hồ đi, Bình Hoàng có hứa nếu giết được Cao Vương sẽ gả công chúa cho. Bàn Hồ bơi qua biển bày ngày bảy đêm mới tới nơi Cao Vương ở. Cao Vương thấy con chó đẹp đến phủ phục dưới sân rồng thì cho là điềm lành nên đem vào cung nuôi. Nhân một hôm Cao Vương uống rượu say, Bàn Hồ cắn chết Cao Vương rồi ngoạm lấy đầu Cao Vương đem về báo công với Bình Hoàng.
Bàn Hồ lấy được công chúa đem vào núi Cối Khê (Chiết Giang) ở, không lâu sau vợ chồng Bàn Hồ sinh được 6 con trai và 6 con gái. Bình Hoàng ban cho 12 người con của Bàn Hồ thành 12 họ khác nhau. Riêng người con cả được lấy họ cha, các con thứ lấy tên làm họ gồm: Bàn, Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu. Con cháu Bàn Vương sinh sôi ngày càng nhiều, cho đến đời Hồng Vũ (khoảng cuối thế kỷ XIV) do hạn hán kéo dài suốt ba năm không có gì để ăn, nhà vua phải cấp cho con cháu Bàn Vương mỗi người một cái búa, một con dao quắm để đốn cây rừng làm rấy. Con cháu Bàn Vương phát hết núi của vua nên vua lại phải sắc cấp để phân tán đi các nơi kiếm ăn”.
Như vậy, Bàn Hồ chỉ là một nhân vật huyền thoại truyền thuyết nhưng lại được người Dao thừa nhận là “ông tổ” và thờ tự rất tôn nghiêm. Qua truyền thuyết trên ta cũng phần nào hiểu được về lịch sử phát triển của người Dao và các cuộc thiên di của họ đến các khu vực khác để sinh sống. Người Dao ở Việt Nam có thể khẳng dịnh rằng họ có nguồn gốc từ Trung Quốc di cư đến nước ta. Thời điểm chính xác khi người Dao di cư đến Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định được. Có nhiều tài liệu cho rằng người Dao đã đến Việt Nam rất sớm từ khoảng thể kỷ thứ XII, XIII. Nhưng bên cạnh đó nhiều tài liệu lại đưa ra những bằng chứng chứng minh người Dao di cư đến Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XVII.
Người Dao Quần Chẹt hiện nay sinh sống tại Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Tuyên Quang đã từ Quảng Đông (Trung Quốc) vào Vĩnh Phúc nước ta rồi di cư đến các địa điểm trên. Tên gọi Dao Quần Chẹt còn gắn liền với một truyền thuyết cổ: “Ngày xưa có một cô gái người Dao, mẹ bị ốm nặng nên cô phải vào rừng tìm thuốc cứu mẹ. Cô lặn lội trong rừng sâu tìm hái thuốc cho mẹ, khi đã tìm được thuốc quay trở về thì cô bị cây rừng, dây gai vướng vào váy không sao đi về nhanh được. Khi về được đến nhà thì mẹ cô đã chết. Cô đau
khổ và thề sẽ không bao giờ mặc váy nữa”. Từ đó, người phụ nữ Dao nhóm này mặc quần hẹp bó sát chân dài đến mắt cá, gấu có thêu hoa văn.
Ba Vì là một vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, thuận lợi cho việc mưu sinh nên người Dao Quần Chẹt đã đến đây sinh sống. Hiện nay vẫn chưa có một tài liệu nào ghi chép chính xác thời gian người Dao đặt chân đến Ba Vì – Hà Nội. Toàn xã Ba Vì, huyện Ba Vì – Hà Nội có sáu họ người Dao là: Triệu, Bàn, Lý, Dương, Phùng, Đặng. Ban đầu chỉ có vài hộ gia đình, cho đến khi thành lập xã Ba Vì năm 1948 cả xã đã có 25 hộ sinh sống. Năm 1963 người Dao Quần Chẹt bắt đầu định canh định cư, đến năm 1967 đã ổn định cuộc sống, toàn xã lúc này có khoảng 70 hộ dân. Hiện nay toàn xã Ba Vì có 461 hộ dân phân bố trong ba thôn là: Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất. Toàn xã Ba Vì có gần hai nghìn người sinh sống gồm ba dân tộc chính là Dao, Kinh và Mường. Trong đó người Dao chiếm 98%, còn lại là người Mường và người Kinh.
Người Dao Quần Chẹt tại khu vực xã Ba Vì, huyện Ba Vì – Hà Nội có tập quán sống thành thôn, làng. Trong cộng đồng người Dao Quần Chẹt, những gia đình cùng họ thường có xu hướng liên kết, xích lại gần nhau. Người Dao Quần Chẹt có truyền thống đoàn kết trong sinh hoạt, các gia đình trong thôn, làng tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong các công việc lớn nhỏ như ma chay, cưới xin, xây nhà… Theo quan niệm của người Dao Quần Chẹt, cứ từ ba đến năm nóc nhà tạo thành một làng. Trước đây, người Dao Quần Chẹt sinh sống thành các làng ở lưng chừng vùng núi Ba Vì có độ cao khoảng từ 200m đến 1000m. Hiện nay, người Dao Quần Chẹt đã sinh sống định cư ở vùng chân núi Ba Vì, có sự xen kẽ với các tộc người khác như người Kinh, người Mường nhưng họ chỉ là số ít, còn người Dao Quần Chẹt có số lượng đông hơn.
Người Dao Quần Chẹt cũng có các phong tục tập quán giống với các nhóm Dao khác như Lễ cấp sắc, lễ Tết nhảy. Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng của người Dao Quần Chẹt. Người Dao Quần Chẹt quan niệm rằng người con trai dù có lớn khôn, có lấy vợ sinh con mà chưa qua lễ cấp sắc thì vẫn không được coi là người lớn, không được tham gia bàn bạc các công việc quan trọng của làng và khi chết không được về với tổ tiên, không phải là con cái Bàn Vương. Lễ cấp sắc được tổ chức cho con trai 14, 15 tuổi. Khi tổ chức xong lễ cấp sắc người con trai mới được lấy vợ, mới có tên âm. Nhưng đồng bào người Dao Quần Chẹt chỉ tổ chức lễ cấp sắc khi người đàn ông đã có vợ. Lễ cấp sắc là một lễ lớn nên việc tổ chức rất cầu kỳ và cần có điều kiện về kinh tế gia đình mới làm lễ cấp sắc.
Lễ Tết nhảy hay còn gọi là lễ Nhảy lửa của người Dao Quần Chẹt không có thời gian tổ chức cố định. Việc tổ chức lễ tết nhảy tùy thuộc vào gia đình có người con trai lấy vợ cúng Bàn Vương, hứa đến khi nào tổ chức lễ Tết nhảy để tạ ơn Bàn Vương. Lễ Tết nhảy không chỉ có các thành viên trong gia đình tham gia mà còn có sự góp mặt của những gia đình trong làng được mời, đặc biệt không thể thiếu một nhân vật quan trọng đó là thầy cúng, thầy mo. Trong lễ Tết nhảy có sự tham gia của hai thầy cúng, một người cúng còn một người nữa nhảy múa. Lễ Tết nhảy là một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Dao nói chung và người Dao Quần Chẹt nói riêng, có sự kết hợp của các yếu tố nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng và tôn giáo.