Vai trò của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn Pháp luật về kinh doanh lưu trú du lịch (Trang 33)

6. Bố cục của luận văn:

1.5. Vai trò của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch

Cũng như các ngành kinh tế khác, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, là ngành kinh tế thuộc “kinh tế

đối thoại” đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO, do đó đòi hỏi pháp luật du lịch vừa đảm bảo là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch trong nước vừa phù hợp với các cam kết trên con đường hội nhập quốc tế. Từ những phân tích nêu trên đưa đến một khẳng định là, việc thể chế hóa các quy định về kinh doanh lưu trú du lịch đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Có thể nói, Luật Du lịch 2005 đã tạo ra một luồng gió mới cho sự phát triển du lịch Việt Nam. Hành lang pháp lý do Luật mở ra cho ngành Du lịch đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động khá thông thoáng, không lệ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý. Một cách khái quát, vai trò của pháp luật được thể hiện qua một số luận điểm cơ bản sau:

(i) Đảm bảo sự quản lý của Nhà Nước trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch

Du lịch đã chứng tỏ được vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân là một ngành kinh tế thực sự và có khả năng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Du lịch không chỉ là nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước mà còn tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong xã hội. Lưu trú du lịch là một trong những hoạt động kinh doanh quan trọng không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh du lịch ở nước ta. Du lịch đã mở rộng và đa dạng hóa các loại hình kinh doanh du lịch để thu hút cá nhân, tổ chức tham gia vào loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên không thể để hoạt động kinh doanh này phát triển tùy tiện mà phải đảm bảo yêu cầu quản lý của Nhà Nước trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch.

Luật du lịch năm 2005 đã xác định các loại hình cơ sở lưu trú du lịch; điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch; quy định về việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch...

Chẳng hạn như về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch khác với kinh doanh lữ hành phải thành lập doanh nghiệp, kinh doanh cơ sở lưu trú có thể dưới hình thức doanh nghiệp, cá nhân đăng ký kinh doanh. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch phải đáp ứng các điều kiện chung về đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy

và các điều kiện riêng (yêu cầu tối thiểu về xây dựng, trang bị, dịch vụ, trình độ chuyên môn...) đối với từng loại hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú được quy định theo các nhóm: Khách sạn, Làng du lịch, Biệt thự, Căn hộ du lịch, Bãi cắm trại, Nhà nghỉ du lịch, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.

Tóm lại, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, bảo đảm chất lượng phục vụ, trang thiết bị ổn định, biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

(ii) Bảo đảm môi trường pháp lý thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh lưu trú du lịch

Bên cạnh các quy định trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch thì Nhà nước cũng tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh có thể phát triển, đa dạng hóa loại hình lưu trú, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng nhằm thỏa mãn và phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Chủ thể kinh doanh lưu trú du lịch là các tổ chức, cá nhân có đủ diều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo quy định tại Điều 64 của Luật du lịch 2005 thì điều kiện để chủ thể có thể kinh doanh lưu trú du lịch bao gồm:

- Điều kiện chung:

+ Có đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch.

+ Có biện pháp bảo đảm an ninh vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật cơ sở lưu trú du lịch.

- Điều kiện cụ thể:

+ Đối với khách sạn, Làng du lịch phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu về xây dựng, trang thiết bị, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng với mỗi loại hạng.

+ Đối với Biệt thự du lịch và Căn hộ du lịch phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu về trang thiết bị và mức độ phục vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng với mỗi loại hạng.

+ Đối với Bãi cắm trại du lịch, Nhà nghỉ du lịch, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và các cơ sở lưu trú du lịch khác phải đảm bảo tối thiểu đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.

Nếu ở Pháp lệnh Du lịch 1999, điều kiện về kinh doanh du lịch được quy định rất đơn giản là tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch phải có cơ sở lưu trú có đủ điều kiện tiêu chuẩn do cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có thẩm quyền quy định thì ở Nghị định số 39/2000/NĐ-CP và Thông tư 01/2001/TT-BVHTTDL hướng dẫn thi hành Nghị định 39 cũng đã có quy định kỹ hơn về chủ thể kinh doanh lưu trú du lịch thể hiện dưới hai hình thức là doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Chủ thể kinh doanh lưu trú du lịch theo Luật Du lịch 2005 là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể. Điều này khác với kinh doanh lữ hành có chủ thể kinh doanh bắt buộc phải là doanh nghiệp.

Vai trò của pháp luật trong việc đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh lưu trú du lịch được thể hiện ở các khía cạnh: Được tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh; Kinh doanh một hoặc nhiều ngành nghề mà pháp luật cho phép; Lựa chọn loại hình và sản phẩm du lịch không trái với quy định của pháp luật để kinh doanh trong cơ sở lưu trú du lịch....

(iii) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia du lịch và của xã hội

Người tham gia du lịch là người di chuyển từ nơi ở đến nơi khác trong khoảng thời gian nhất định, nhằm mục đích du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến. Bao gồm khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa.

Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài du lịch, công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam. Đối với khách du lịch nội địa có thể phân biệt thành hai nhóm.

Nhóm 1, Gồm những người và mục đích đi du lịch thuần túy, trong nhóm này có thể có người không sử dụng dịch vụ của ngành du lịch, song vì mục đích chuyến đi của họ quá rõ ràng nên họ vẫn được gọi là khách du lịch.

Nhóm 2, Là những người sử dụng những dịch vụ của ngành du lịch, trong số này có những người không phải là khách du lịch thật sự và mục đích chuyến đi của họ không liên quan đến du lịch, song do họ sử dụng các dịch vụ du lịch nên họ vẫn được đưa vào danh sách thống kê.

Như vậy, đối tượng kinh doanh lưu trú du lịch là khách du lịch đến lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch. So với đối tượng kinh doanh phát triển du lịch, điểm du lịch thì đối tượng kinh doanh lưu trú du lịch có nhiều đặc điểm khác. Đối tượng kinh doanh phát triển du lịch, điểm du lịch là đầu tư, bảo tồn, nâng cấp tài nguyên du lịch đã có, đưa các tài nguyên tiềm năng vào khai thác; phát triển khu du lịch, điểm du lịch mới, xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Điểm khác nhau của đối tượng kinh doanh lưu trú du lịch với đối tượng kinh doanh vận chuyển khách du lịch là khách du lịch đến cơ sở lưu trú và vận chuyển khách du lịch. Đối với kinh doanh vận chuyển khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận chuyển khách du lịch theo tuyến du lịch, theo chương trình du lịch tại các khu du lịch, đô thị du lịch.

Tuy nhiên hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp lữ hành không chỉ là người mua hay người bán sản phẩm của nhà cung cấp dịch vụ mà còn đáp ứng vai trò là người sản xuất ra trực tiếp các sản phẩm du lịch ( doanh nghiệp lữ hành kinh doanh dịch vụ hàng không, nhà hàng, khách sạn...).

Để có hoạt động du lịch thì phải có khách du lịch, bởi vậy khách du lịch được đặt ở vị trí trung tâm trong kinh doanh du lịch. Do đó, nhiều nội dung trong luật du lịch được quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho khách du lịch. Các quy định về kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển, kinh doanh các dịch vụ du lịch khác cũng hướng đến mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo chất lượng, số lượng dịch vụ như đã cam kết với du khách, tương ứng với số tiền mà khách du lịch đã chi trả.

Trong kinh doanh lưu trú du lịch cũng vậy nhìn ở góc độ chung thì luật du lịch quy định cụ thể về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia du lịch và của xã hội ở việc bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch27 và bảo đảm an toàn cho khách du lịch.28

Theo đó khách sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ như: Được lựa chọn hình thức du lịch, hưởng đầy đủ các dịch vụ theo hợp đồng, được đối xử bình đẳng, được yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thực hiện các biện pháp đảm bảo về tính mạng, sức khỏe, tài sản...

27 Điều 35 Luật Du lịch 2005.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Trong chương 1 Luận văn, tác giả đã phân tích làm rõ những vấn đề lý luận về kinh doanh lưu trú du lịch, bao gồm các khái niệm cơ bản, đặc điểm, vai trò của kinh doanh lưu trú du lịch và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch. Kết quả nghiên cứu lý luận về kinh doanh lưu trú du lịch giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể về kinh doanh du lịch nói chung và kinh doanh lưu trú du lịch nói riêng.

Trên cơ sở những nghiên cứu này, tác giả đưa ra nhận xét về kinh doanh lưu trú du lịch, ngoài những đặc điểm chung về kinh doanh du lịch, kinh doanh lưu trú du lịch còn có những đặc điểm đặc thù nhất định, vì thế các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch phải nắm được các đặc điểm cụ thể này để hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch đạt được hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ KINH DOANH LƯU TRÚ DU LỊCH VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN

Một phần của tài liệu Luận văn Pháp luật về kinh doanh lưu trú du lịch (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w