Bệnh trứng cá nói chung và trứng cá thông thường nói riêng đã được nghiên cứu khá đầy đủ về lâm sàng và cơ chế bệnh sinh và điều trị. Nhiều nghiên cứu về tác dụng cũng như so sánh hiệu quả điểu trị của các thuốc dạng kem, dung dịch, dạng viên chứa kháng sinh diệt vi khuẩn như erythromycin, benzoyl peroxide… liên tục được công bố. Leyden JJ và cộng sự (2001) [60] nghiên cứu đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc bôi kết hợp benzoyl peroxide/clindamycin so với benzoyl peroxide đơn độc và kết hợp benzoyl peroxide/erythromycin. Kus S và cộng sự (2005) [61] so sánh hiệu quả của azithromycin và doxycyclin trong điều trị trứng cá thông thường…
Thuốc và chế phẩm có Vitamin A dạng uống (isotretinoin) và dạng kem bôi được các tác giả cho rằng vừa có tác dụng chống dày sừng cổ nang lông tuyến bã, vừa ức chế bài tiết chất bã và gián tiếp ức chế hoạt động của vi khuẩn. Amachai và cộng sự (2006) [62] đã dùng liều thấp Isotretinoin điều trị bệnh trứng cá thông thường có hiệu quả. Chia và cộng sự (2005) [63] điều trị bệnh trứng cá vừa và nặng cho thanh niên đã cho hiệu quả tốt 57%. Mặc dù có nhiều lựa chọn trong nghiên cứu và điều trị, song có nhiều bệnh nhân vẫn đáp ứng không đầy đủ với điều trị hoặc gặp nhiều tác dụng phụ. Berard và cộng sự (2007) [64] nghiên cứu ảnh hưởng của Isotretinoin đến thai sản, sảy thai và khiếm khuyết trẻ sơ sinh trong điều trị trứng cá…
Gần đây hơn, các kỹ thuật sử dụng rộng quang phổ ánh sáng nhìn thấy được (Low Level Laser (Light) Therapy - LLLT) hiện đang được sử dụng như là một phương pháp trị liệu thay thế cho bệnh nhân TCTT và có ít tác dụng phụ hơn so với các trị liệu khác [65]. Goldberg và Russell (2006) [66] nghiên cứu việc sử dụng ánh sáng màu xanh và đỏ kết hợp có tác dụng hiệp đồng trong điều trị mụn trứng cá. Nghiên cứu của Aziz-Jalali và cộng sự (2012)
[67] cho thấy bằng cách chiếu 2 lần một tuần laser He-Ne kết hợp thuốc bôi clindamycin 2%, các thương tổn mụn giảm đáng kể sau 12 lần điều trị.