6. Bố cục của khóa luận
2.1.2. Quan hệ thương mại với khu vực Đông Nam Á
2.1.2.1. Quan hệ giao thương với Đại Việt
Việt Nam là một quốc gia ở Đông Nam Á lục địa, thuộc bờ cực Đông của bán đảo Đông Dương, với lãnh thổ hẹp ngang và đường bờ biển chạy dài, vừa ở vị trí giữa hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc lại là nơi tiếp giáp giữa hai vùng lãnh thổ Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Vì vậy, từ rất sớm, Việt Nam là nơi tiếp nhận các mạch nguồn lịch sử và chia sẻ với các quốc gia trong khu vực những giá trị lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thế kỷ X – XV, là thời kỳ thịnh đạt của các quốc gia phong kiến dân tộc Đông Nam Á. Bằng nhu cầu và khả năng tiếp nhận, các quốc gia Đông Nam
Á tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế ở những mức độ khác nhau. Song song với việc đẩy mạnh tiếp xúc, giao lưu với hai nền văn minh lớn Ấn Độ và Trung Hoa, những mối liên hệ mang tính nội vùng, khu vực đã và đang là nhu cầu cấp thiết của các quốc gia Đông Nam Á. Với tư cách là một thành viên của khu vực, sau khi giành được độc lập dân tộc năm 938, bước sang thế kỷ XIV – XVI, Đại Việt ngày càng phát triển và trở thành một thể chế mạnh và quan trọng ở Đông Nam Á. Với vị trí địa lí thuận lợi, Đại Việt là địa điểm giao thương hấp dẫn đối với nhiều nước trên thế giới. Nhiều thương thuyền của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và thế giới, trong đó có vương quốc Ayutthaya đã đến Đại Việt.
Với nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo và xuyên suốt trong lịch sử của các nhà nước quân chủ Việt Nam, nhưng không phải vì thế mà ngoại thương Đại Việt thế kỷ XIV – XVI bị hạn chế. Từ thực tế lịch sử cho thấy ngoại thương Đại Việt thời kỳ này vẫn có những sự phát triển nhất định.
Những thông tin dù sơ lược trong các bộ sử còn lại cho đến tận ngày nay cho thấy sau khi giành được độc lập thế kỷ X, trên cơ sở của nền thủ công nghiệp tương đối phát triển, triều Lý đã có những động thái tương đối tích cực trong việc buôn bán với nước ngoài. Năm 1149, đáp lại việc thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La đến Hải Đông xin cư trú buôn bán, nhà Lý
“cho lập trang ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương” [15; 317]. Ở khu vực phía nam, các trung tâm trao
đổi ở vùng Thanh – Nghệ cũng có điều kiện phát triển, thu hút một lượng lớn thương nhân từ Trung Quốc và Đông Nam Á đến buôn bán [20; 1-34]. Vượt ra khỏi ý nghĩa quốc gia về chiến lược phát triển kinh tế, trên phương diện hải thương khu vực và quốc tế, việc nhà Lý lập trang Vân Đồn có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu sự dự nhập của quốc gia Đại Việt vào hệ thống hải thương khu vực và quốc tế qua khu vực Biển Đông.
Cho đến trước thế kỷ XV, các tuyến hải thương quốc tế nối Trung Quốc với thị trường phương Nam chủ yếu đi qua khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng duyên hải Đông Bắc nước ta vì thế có vị trí hết sức quan trọng. Với quốc gia Đại Việt, từ cuối thời Trần và đầu thời Lê, thương cảng Vân Đồn và vùng cảng biển Đông Bắc trong hệ thống hải thương khu vực và quốc tế ở biển Đông được biết đến nhiều qua chức năng trung chuyển và xuất khẩu gốm sứ. Bên cạnh chức năng trung chuyển gốm sứ của Trung Quốc ra thị trường khu vực, Vân Đồn còn được biết đến như cửa ngõ đưa gốm sứ Đại Việt (men nâu thời Trần và men lam thời Lê) ra thị trường quốc tế [29; 46-65]. Gốm sứ Đại Việt còn được xuất khẩu ra thị trường khu vực đến nửa cuối thế kỷ XVI trước khi bị suy giảm do cả nguyên nhân trong nước (biến động chính trị, tác động kinh tế) cũng như tác động từ bên ngoài (việc nhà Minh bãi bỏ chính sách hải cấm vào năm 1567 tạo điều kiện cho sản phẩm gốm sứ Trung Quốc trở lại chiếm lĩnh thị trường quốc tế) [27; 126-150].
Trong mạng lưới thương mại trải dài từ Bắc xuống Nam, các thương cảng Đại Việt giống như một trung tâm lưu trữ và phân phối các loại hàng hóa. Cả thương nhân Siam cũng như thương nhân Trung Hoa tìm thấy các nguồn hàng mà họ mong muốn tại các thương cảng của Đại Việt. Chính vì vậy, trong con mắt của chính quyền Ayutthaya, Đại Việt được đánh giá cao
và có vị thế quan trọng trong hệ thống thương mại khu vực. “Quan hệ Việt – Siam được sử sách ghi lại sớm nhất vào khoảng thế kỷ XII. Quan hệ giữa hai quốc gia chủ yếu trên lĩnh vực thương mại. Các thương thuyền đến Vân Đồn (Quảng Ninh) một cảng lớn của nước ta ở vùng biển Đông Bắc” [4; 59]. Hệ
thống các thương cảng dọc bờ biển góp phần là trung gian tiếp nhận và thu mua hàng hóa từ Bắc xuống Nam. Các thương cảng theo sát mỗi tuyến hải trình của thương nhân. Nhiều khi thương nhân Siam dùng Đại Việt như một trạm trung chuyển để buôn bán với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực.
Các phát hiện khảo cổ học góp phần chứng minh thêm về hoạt động ngoại thương của Siam và Đại Việt. Cho đến nay, đồ gốm Thái Lan được phát hiện trong 3 con tàu cổ ở bờ biển Việt Nam là tàu cổ của hòn Dầm Kiên Giang (1991), tàu cổ ở Cù Lao Chàm (1997 – 2000) và tàu cổ Phú Quốc (2004). Trong tàu Hòn Dầm Kiên Giang có nhiều đồ gốm có xuất sứ từ Thái
Lan, “đặc điểm chung của gốm tàu này là gốm men ngọc và men nâu được sản xuất ở vùng lò gốm Sawankhalok và Sukhothai ở Bắc Thái Lan” [2; 41].
Các phát hiện khảo cổ học cung cấp cho chúng ta thêm những bằng chứng về hoạt đông giao thương diễn ra trong thời gian trước của Siam và Đại Việt. Các thương cảng dọc bờ biển Việt Nam cho đến ngày nay còn để lại nhiều dấu tích khảo cổ học chứng minh các hoạt động thương mại diễn ra sôi động tại đây. Những phát hiện đó ngày càng làm phong phú và thuyết phục hơn trong việc tái hiện một kỷ nguyên thương mại châu Á phát triển sôi động. Qua việc phát hiện các con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam chúng ta có điều kiện tiếp cận gần hơn với đồ gốm Thái. Đó là những căn cứ sinh động tìm hiểu về lịch sử giao thương gốm Thái Lan; đồng thời ta cũng thấy được mối quan hệ giao thương giữa Thái Lan và Đại Việt đã phát triển từ lâu đời và quan hệ đó vẫn tiếp tục phát triển cho đến ngày hôm nay.
Cho đến những thập niên cuối của thế kỷ XV và trong thế kỷ XVI, do tác động của nhiều yếu tố nên quan hệ thương mại của Đại Việt và vương quốc Ayutthaya không còn được thường xuyên như giai đoạn trước nữa. Khó khăn chung khi nghiên cứu các vấn đề của Đại Việt thời kỳ này là sự khan hiếm tư liệu và trong trường hợp này cũng vậy. Sử cũ cũng chỉ cho chúng ta biết những sự kiện nhưng lại thiếu vắng những nội dung cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, căn cứ vào những tư liệu đã có chúng ta có thể khẳng định rằng, thế kỷ XIV – XVI nhiều nước trên thế giới đã đến Đại Việt buôn bán các vật lạ, trong đó có vương quốc Ayutthaya. Việc buôn bán với các nước trong đó có
Siam thường đi kèm với những lễ vật làm quà nhưng rất tiếc chúng ta lại không biết rõ những mặt hàng mà họ đem bán và những hàng hóa họ mua về từ Đại Việt. Đây cũng là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu.
2.1.2.2. Quan hệ giao thương với Malacca
Trong lịch sử hải thương châu Á nói riêng và hải thương quốc tế nói chung, Malacca đã sớm trở thành cái tên mà các đoàn thương nhân thường xuyên nhắc tới bởi vị trí then chốt của nó trong tuyến hải thương quốc tế. Malacca nằm trên tuyến đường thương mại quan trọng từ Đông sang Tây, là tuyến hải thương trọng yếu nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các thương nhân Ấn Độ muốn gặp gỡ và trao đổi hàng hóa với cư dân Đông Nam Á và Đông Bắc Á thì không có con đường nào ngắn hơn là qua eo Malacca.
Thế kỷ XIV – XVI, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thuận lợi cho hoạt động thương mại, Malacca đã nhanh chóng trở thành nơi thu hút phần lớn thương nhân, trong đó có thương nhân của vương quốc Ayutthaya. Quan hệ thương mại của Malacca với các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung được thiết lập trên hai phương diện: thứ nhất là qua con đường buôn bán trực tiếp và thứ hai là qua con đường triều cống. Thương nhân Malacca có thể trực
tiếp cho thuyền tới các cảng thị như là “trung tâm vùng” để nhập hàng về
hoặc thông qua chế độ cống nạp với các tiểu quốc chư hầu. Đối với vương quốc Ayutthaya, quan hệ thương mại của Malacca chủ yếu được thiết lập trên phương diện thứ nhất tức là thông qua con đường buôn bán trực tiếp. Những mặt hàng mà thương nhân Malacca nhập về từ thị trường Ayutthaya bao gồm nhiều loại: lương thực, thực phẩm, hương liệu, gia vị, kim loại, hàng thủ công mỹ nghệ,…
“Lương thực có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với các “Quốc gia thương nghiệp” ở Đông Nam Á. Cho tới thế kỷ XV – XVI, nhiều cảng thị đã có dân số từ 50.000 đến 100.000 người như Thăng Long, Malacca, Aceh, Bantan,…nên
khối lượng lương thực là rất cần thiết” [21; 45]. Cho tới thế kỷ XVI, dân số
của Malacca ước khoảng 50.000 người. Bản thân vương quốc cũng như vùng phía Nam của bán đảo Mã Lai không trồng được các loại cây lương thực nào khác ngoài bột cọ. Phần lớn cư dân của vương quốc Malacca tham gia vào hoạt động thương mại, số còn lại sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, làm muối và đóng thuyền. Malacca phải nhập về các loại lương thực từ gạo, khoai, đậu cho tới thịt, rau, đường và cả đồ gia vị. Chính vì vậy, các trung tâm sản xuất lương thực và hương liệu đã trở thành những địa điểm có sức hấp dẫn lớn đối với thương nhân Malacca trong đó vị trí hàng đầu là vương quốc Ayutthaya.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, đế chế Ayutthaya thực chất lớn mạnh được là nhờ vào việc kiểm soát hoạt động buôn bán nông phẩm. Đồng bằng Chao Phraya rất phì nhiêu có thể trồng một năm hai vụ. Mặt khác, nó lại gần với trung tâm sản xuất lương thực khác là đồng bằng sông Mêkông nên lượng lương thực dư thừa chủ yếu là để xuất tới những cảng thị phía Nam của bán đảo Mã Lai, đặc biệt là tới Malacca. Theo ghi chép của Pires vào những năm 1500, mỗi năm Xiêm đã xuất khoảng 30 thuyền chất đầy gạo tới Malacca [25; 21]. Trong khi những con thuyền buồm lớn trong thời kỳ này có thể chở tới 400 – 500 metric tấn (1 metric tấn = 1.000 kg). Điều này ước tính tổng khối lượng lúa gạo thường xuyên được chở từ Ayutthaya lên tới 10.000 tấn [34; 250]. Bên cạnh việc nhập gạo, Malacca cũng phải nhập các mặt hàng lương thực khác như rau, thịt, hành, rượu, thốt nốt và đường,…Khi trở về, những thương nhân vịnh Xiêm chở theo hương liệu của Đông Nam Á, vải vóc của
Ấn Độ và các mặt hàng lâm thổ sản khác. Xiêm là nơi chủ yếu cung cấp gạo và các mặt hàng thực phẩm khác cho Malacca từ phía Đông.
Thế kỷ XV – XVI, cùng với sự nở rộ của hoạt động thương mại ở Đông Nam Á, các sản phẩm như đinh hương, đậu khấu, tiêu, quế cũng trở thành
những mặt hàng chính của các tàu buôn phương Tây và các thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản.
Trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các cảng thị phía Nam Đông Dương và vịnh Xiêm là quế, trầm hương, tiêu, long não, tô mộc, gỗ thơm,… thì những cảng thị vùng eo Malacca và phía Nam Đông Nam Á lại là nơi xuất khẩu đinh hương, đậu khấu và hồ tiêu. Những sản phẩm này chủ yếu được trồng ở quần đảo Maluku (đậu khấu), quần đảo Banda (đinh hương) và bắc Sumatra (tiêu). Malacca với tư cách là đầu mối giao thương quan trọng nhất đã là nơi tập trung lớn nhất nguồn hương liệu này.
Ngoài lương thực, hương liệu, gia vị, Malacca còn là nơi tập trung nhiều mặt hàng khác như kim loại, lâm sản, tơ lụa, gốm sứ,…Những kim loại như thiếc, chì, đồng, sắt,…đã trực tiếp trở thành những mặt hàng trong trao đổi. Những kim loại trên được đưa tới Malacca bằng nhiều cách khác nhau có thể qua mua bán hoặc cống nạp. Tuy nhiên, số lượng các mặt hàng này còn hạn chế.
Ngoài ra, gốm sứ và tơ lụa cũng là những mặt hàng chủ yếu mà vương quốc Ayutthaya đã cung cấp cho thương nhân Malacca. Với chính sách hạn chế ngoại thương của nhà Minh, gốm và tơ lụa của Xiêm có điều kiện phát triển và trở thành những mặt hàng có giá trị thương mại cao trên thế giới.
Mặc dù chúng ta không có nhiều tư liệu về các hoạt động buôn bán hàng kim loại, gốm sứ và tơ lụa của Malacca với các quốc gia Đông Nam Á trong đó có vương quốc Ayutthaya nhưng với những nguồn dữ liệu hiện có cũng có thể khẳng định rằng tất cả các trung tâm hàng hóa lớn ở Đông Nam Á đều có quan hệ với Malacca. Các khu vực khai thác kim loại lớn, nơi sản xuất đồ
gốm và tơ lụa đều ít nhiều có quan hệ với Malacca. Điều cần nhấn mạnh ở đây là những mặt hàng này trong các thế kỷ tiếp theo đã trở thành những sản phẩm buôn bán chính ở Malacca. Thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI có thể coi là bước chuẩn bị cho những mối quan hệ trong các thế kỷ sau.
Như vậy, quan hệ thương mại giữa vương quốc Ayutthaya với Malacca
đã thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa hai hệ thống gồm các “Quốc gia nông nghiệp” và “Quốc gia thương nghiệp”, mà cơ sở chủ yếu cho mối quan hệ đó
chính là nhằm phát huy lợi thế vốn có của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, quan hệ thương mại giữa vương quốc Ayutthaya và Malacca đã được hình thành và phát triển không chỉ trong thế kỷ XIV – XVI mà còn được duy trì cho đến tận ngày nay.
2.1.2.3. Quan hệ giao thương với các quốc gia Đông Nam Á khác
Ngoài những nước có quan hệ buôn bán thường xuyên với Ayutthaya như Trung Quốc, Ryukyu, Nhật Bản, Malacca, Đại Việt như đã nêu trên còn phải kể đến sự hiện diện của thuyền buôn của các nước Philippin, Malina.
Quan hệ thương mại của vương quốc Ayutthaya và Philippin được chứng tỏ bằng hàng loạt các đồ gốm được sản xuất là tại các lò ở vương quốc Thái Lan trong suốt thế kỷ XIV – XVI và được chuyên chở đến Philippin. Các dấu tích của các con tàu đắm được tìm thấy cho chúng ta thấy mối quan hệ giao thương giữa Ayutthaya và các quốc gia Đông Nam Á và cho tới năm 1570 khi thương nhân Tây Ban Nha đến Đông Nam Á thì những quan sát và ghi chép về các mối giao thương này đã chính thức được ghi lại trong sử sách. Năm 1594, Siam đã cử một đoàn sứ thần đến Malina để thiết lập mối quan hệ giao thương giữa hai quốc gia. Cũng giống như các quốc gia khác với mục đích thiết lập mạng lưới giao thương, Siam đã cử các đoàn sứ thần cùng các thuyền đến trực tiếp trao đổi buôn bán và sớm hình thành mạng lưới thương mại khắp khu vực châu Á.
2.2. Những tác động từ hoạt động thương mại đối với sự phát triển của vương quốc Ayutthaya và khu vực
Hoạt động thương mại của Ayutthaya nói chung và quan hệ thương mại của vương quốc Ayutthaya với một số nước châu Á thế kỷ XIV – XVI nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc. Ngoài những đối tác truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Ryukyu, Malacca, Đại Việt,…Ayutthaya đã thiết lập
được mối quan hệ giao thương với nhiều đối tác mới. Sự mở rộng quan hệ thương mại đó đã có tác động rất lớn đối với không chỉ vương quốc Ayutthaya trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao mà còn có