6. THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC:
6.4. Đánh giá và điều chỉnh chiến lược:
Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh chiến lược nhằm mục đích xác định các sai lệch về mục tiêu, biện pháp, về cách thức và kết quả triển khai các nội dung chiến lược của doanh nghiệp so với dự kiến ban đầu để xác lập tình trạng hiện tại, nguyên nhân và dự kiến các biện pháp điều chỉnh chiến lược.
Kiểm tra, đánh giá
Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối cùng của quá trình quản trị chiến lược. Bản chất của công tác kiểm tra và đánh giá chiến lược là một nội dung của công tác kiểm tra quản lý hay kiểm tra và đánh giá toàn bộ quá trình quản lý. Do đó công tác kiểm tra và đánh giá có mặt ở mọi chức năng quản lý từ hoạch định các mục tiêu, phương hướng đến tổ chức phối hợp, điều khiển các hoạt động và cuối cùng là công tác đánh giá và điều chỉnh quản lý. Các yêu cầu đối với công tác kiểm tra và đánh giá chiến lược:
− Phải được tiến hành phù hợp với các giai đoạn khác nhau của quản trị chiến lược.
− Hoạt động kiểm tra đánh giá phải bảo đảm tính linh hoạt về hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá..
− Hoạt động kiểm tra đánh giá phải bảo đảm tính dự phòng. Tính dự phòng đòi hỏi việc kiểm tra, đánh giá phải trở thành các căn cứ, cơ sở để xác định mục tiêu, giải pháp tương lai hoặc là cơ sở cho việc điều chỉnh chiến lược phù hợp với xu hướng và mức độ biến động của môi trường và điều kiện kinh doanh của thời kỳ sắp đến.
Điều chỉnh chiến lược
Sự xuất hiện các thay đổi trong quá trình thực hiện chiến lược là một tất yếu. Các nhà quản trị phải sẵn sàng đối mặt với thay đổi và quản trị việc thực hiện các thay đổi sao cho có lợi nhất. Tuy nhiên việc thay đổi một thói quen, một tập tục, một cách nghĩ, cách làm… không phải là dễ kể cả khi thay đổi đó tạo ra các động lực tích cực, các chiều hướng thuận lợi cho hành động. Hầu hết mọi thay đổi (về công nghệ sản xuất, con người, cơ cấu tổ chức hay về chiến lược…) đều có sức mạnh can thiệp vào những kiểu quan hệ qua lại vốn có và quen thuộc.
Tuỳ thuộc vào loại hình, tính chất và mức độ của thay đổi mà trong thực tế có thể có cách thức khác nhau trong thực hiện những thay đổi nhưng có ba chiến lược thường được áp dụng là chiến lược thay đổi bắt buộc, chiến lược thay đổi có tính giáo dục và chiến lược thay đổi hợp lí hay vì quyền lợi chính mình. Tuy có các ưu nhược điểm khác nhau song nhìn chung chiến lược thay đổi hợp lý là chiến lược được ưa chuộng nhất, do đó trong thực tế nó cũng được áp dụng rộng rãi hơn. Chiến lược này thường được tiến hành qua 4 bước:
Bước 1: Tổ chức họp để mọi người có liên quan đến quá trình thay đổi đều được phát triển ý kiến, nguyện vọng cũng như quyền lợi của họ liên quan đến sự thay đổi.
Bước 2: Xác định động cơ và hình thức thay đổi.
Bước 3: Truyền thông rộng rãi để mọi người hiểu rõ mục đích và bản chất của các thay đổi. Bước 4: Thông tin chi tiết về các thay đổi và nhận các thông tin phản hồi.
Không phụ thuộc vào loại chiến lược triển khai trong thực tế, để quản trị có kết quả tốt các thay đổi cần tiền hành theo một quy trình tổng quát sau:
− Dự báo các phản ứng và mức độ phản ứng có thể xảy ra khi thực hiện các thay đổi.
− Làm cho người lao động hiểu và đồng cảm với các thay đổi để giảm các phản đối tiềm ẩn.
− Giảm bớt phản đối thực tế.
− Thiết lập trạng thái mới làm cho hoạt động thực thi chiến lược được tiến hành bình thường có hiệu quả ngay cả khi có các thay đổi lớn.