Thực trạng hoạt động R&D trong DN thành phố Cần Thơ

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai ( rd) trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại thành phố cần thơ (Trang 43)

9. Kết cấu của luận văn

2.3.Thực trạng hoạt động R&D trong DN thành phố Cần Thơ

2.3.1. Hoạt động R&D trong DN

Tiến hành khảo sát 09 DN trên địa bàn TPCT thuộc các nhóm ngành: cơ khí chế tạo, sản phẩm công nghiệp dùng cho tàu biển, máy nông nghiệp (được xác định là nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn của TPCT theo Quyết định số 1270/QĐ- UBND ngày 09/4/2013 của UBND TPCT về phê duyệt Đề án xây dựng danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của TPCT giai đoạn 2013- 2015, tầm nhìn đến năm 2020), xây dựng, phân bón, thuốc thú y, dược phẩm. Các DN trên là những DN tiêu biểu của TPCT trong thực hiện các hoạt động R&D, cải tiến công nghệ để nâng cao hiệu quả SXKD. Tác giả được tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo DN hoặc cán bộ phụ trách thực hiện hoạt động R&D của DN, qua đó ghi nhận các thông tin về hoạt động R&D của DN, một số thông tin thu thập được như sau:

2.3.1.1. DN hoạt động theo mô hình DN KH&CN

Trong 09 DN được khảo sát có 01 DN hoạt động theo mô hình DN KH&CN, đã được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận đăng ký DN KH&CN vào tháng 6/2012, theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về DN KH&CN; Thông tư số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 18/6/2008 của Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính, Bộ Bội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP. DN đầu tư nghiên cứu tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp (các mặt hàng cơ khí, máy móc nông nghiệp) đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng cao của vùng ĐBSCL và cả nước. Sản phẩm của DN có mặt trên hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, ngoài ra còn xuất khẩu sang một số nước nông nghiệp trên thế giới như: Ấn Độ, Philipin, Campuchia, Banglades….

Năm 2013, doanh thu trước thuế của DN đạt 7.906 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế: 451 triệu đồng, số thuế thu nhập phải nộp 20%: 90,2 triệu đồng, số thuế được miễn giảm: 90,2 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu trước

thuế của DN đạt 3.356 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế: 0,7 triệu đồng, số thuế thu nhập phải nộp 20%: 0,14 triệu đồng, số thuế được miễn giảm: 0,14 triệu đồng.

Theo Ban lãnh đạo của DN: Là DN KH&CN, DN được nhà nước có những chính sách hỗ trợ phát triển, được hưởng những chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập DN, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, và các loại Quỹ khác có liên quan, ưu đãi về sử dụng đất...; giảm được thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh, mà còn tăng thêm thu nhập khi chuyển giao công nghệ và thương hiệu.

Tính đến tháng 10/2014, Cần Thơ chỉ có 02 DN hoạt động theo mô hình DN KH&CN trong đó 01 DN được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN vào tháng 9/2014.

2.3.1.2. Nguồn vốn thực hiện hoạt động R&D

Cả 09 DN được khảo sát đều sử dụng nguồn vốn của DN để thực hiện hoạt động R&D, chưa được sự hỗ trợ của nhà nước về kinh phí. Hầu hết các DN chưa thành lập Quỹ phát triển KH&CN để sử dụng cho hoạt động R&D, với lý do mà DN nêu ra là các quy định của Bộ Tài chính chưa khuyến khích DN thành lập, các mục chi hỗ trợ phát triển KH&CN của DN chưa rõ ràng, cụ thể.

77% DN được khảo sát có nhu cầu được nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện hoạt động R&D. Hiện tại, đầu tư của các DN cho KH&CN còn hạn chế, lý giải của các DN là do lợi nhuận của các DN còn thấp nên hạn chế về năng lực tích tụ vốn dành cho đổi mới công nghệ, và do khó tiếp cận những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ. 23% DN có kinh phí để thực hiện hoạt động R&D nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong quyết toán nguồn kinh phí dành cho hoạt động này, sao cho được xem là chi phí hợp lý, không tính vào lợi nhuận tính thuế thu nhập DN.

2.3.1.3. Quy trình thực hiện hoạt động R&D

Có hơn 50% DN được khảo sát có bộ phận thực hiện hoạt động R&D nằm ở các đơn vị như: phòng nghiên cứu, phòng kỹ thuật, phòng marketing, trung tâm nghiên cứu và triển khai.

Các ý tưởng, sáng kiến về sản phẩm mới, công nghệ mới xuất phát từ cán bộ nhân viên của DN đúc kết trong quá trình lao động, sản xuất, nghiên cứu thị trường: nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở các ý tưởng, sáng kiến được đề xuất, DN tổ chức họp Hội đồng KH&CN (trong trường hợp DN có Hội đồng KH&CN) hoặc Ban lãnh đạo của DN để xem xét, lựa chọn. Đề tài, dự án được lựa chọn sẽ được xây dựng phương án thực hiện, tổ chức triển khai thực hiện và nghiệm thu kết quả sau khi kết thúc. Hầu hết các DN đều có khen thưởng cho các cán bộ nhân viên đề xuất ý tưởng hoặc tổ chức thực hiện thành công các sáng kiến, cải tiến, đề tài, dự án KH&CN thúc đẩy hoạt động SXKD của DN. Về cơ bản, quy trình thực hiện đề tài, dự án của DN cũng tương tự với quy trình thực hiện đề tài, dự án do nhà nước đầu tư thực hiện nhưng có phần đơn giản hơn và vì là kinh phí của DN nên việc xem xét về kinh phí dễ dàng hơn.

Khoảng 45% DN được khảo sát có thuê chuyên gia tư vấn thực hiện các đề tài, dự án, mỗi DN có mức chi dành cho chuyên gia khác nhau và nguồn chi cũng khác nhau như: Quỹ phát triển KH&CN, lợi nhuận sau thuế, khoản chi khác không đưa vào chi phí. Sự khác nhau về mức chi là do DN tự quy định mức chi hoặc tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, không phụ thuộc vào các quy định về định mức chi và đôi khi không đưa vào phần chi phí để quyết toán.

Trong một số trường hợp DN bỏ tiền mua kết quả đề tài thành công, thương thảo nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu vì sợ rủi ro trong nghiên cứu và không có thời gian để thực hiện (02/09 DN), tuy nhiên, phần lớn các DN vẫn tự nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu của DN. Mỗi năm, số sản phẩm nghiên cứu ứng dụng mang lại hiệu quả, được thị trường chấp nhận đạt từ 1/2 đến 2/3 số sản phẩm nghiên cứu thành công.

2.3.1.4. Thực hiện các đề tài, dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Chỉ có 02/09 DN có phối hợp với viện, trường để thực hiện đề tài, dự án KH&CN cấp thành phố bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hầu hết các DN đều cho rằng việc đề xuất và đăng ký thực hiện đề tài, dự án KH&CN cấp thành phố còn nhiều khó khăn như: thủ tục đăng ký phức tạp; thời hạn thực hiện bị khống chế, DN

chuyên về kinh doanh nên khó theo sát; thủ tục thanh quyết toán quá chi tiết và phức tạp không phù hợp đối với DN.

2.3.1.5. DN thành lập Quỹ phát triển KH&CN

Chỉ có 01/09 DN được khảo sát và cũng là DN duy nhất của TPCT tính đến thời điểm hiện tại đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN (Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang) từ năm 2009 nhưng chưa quyết toán kinh phí; có 03 DN dự kiến sẽ thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang là một trong số ít DN của TPCT tiên phong trong chiến lược đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu hoạt chất mới, tìm kiếm công nghệ đặc biệt, tạo nên các dòng sản phẩm độc đáo, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. NCKH, công nghệ để phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn luôn được coi là nhiệm vụ trọng yếu, hàng đầu của DN; khai thác có hiệu quả tối đa các nguồn lực hiện có, phát triển các tiềm lực mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Năm 2012, Công ty trích lập Quỹ phát triển KH&CN là 40 tỷ đồng và năm 2013 là 28,5 tỷ đồng. Quỹ được chi cho các chi phí như: chi phí chuyển giao công nghệ, chi phí mua sắm tài sản cố định, chi phí nhân công, chi phí thuê chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, theo cán bộ quản lý nhiệm vụ KH&CN của DN, hiện tại cán bộ của DN chưa nắm được quy trình thực hiện đề tài, dự án theo quy định của nhà nước cũng như cách thức thanh quyết toán nguồn kinh phí của Quỹ phát triển KH&CN, đặc biệt là định mức chi và chứng từ thanh toán. Điều này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi quyết toán đối với các khoản đã được chi từ nguồn Quỹ phát triển KH&CN như: không đủ chứng từ, mức chi không theo quy định của nhà nước. Tổng số tiền DN đầu tư cho nghiên cứu và triển khai trong năm 2013 là 36 tỷ đồng; đầu tư xây dựng Phòng Nghiên cứu và triển khai và Trung tâm nghiên cứu.

Thực hiện vai trò quản lý nhà nước về KH&CN, Sở KH&CN TPCT đã tiếp cận hướng dẫn DN thành lập Quỹ phát triển KH&CN, tìm hiểu những khó khăn của DN trong việc quyết toán kinh phí của Quỹ để hướng dẫn DN thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương. Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn thành lập, thanh quyết

toán Quỹ phát triển KH&CN của DN cũng chỉ thực hiện việc hướng dẫn DN về các quy định của Trung ương, chưa cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn ở địa phương.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai ( rd) trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại thành phố cần thơ (Trang 43)