Trang phục Phật giáo

Một phần của tài liệu Phật giáo trong văn hoá việt nam (Trang 37)

7. Bố cục khoá luận

2.1.4.Trang phục Phật giáo

Có nhiều danh từ Phật giáo để gọi chung áo của tu sĩ mặc: cà sa(xuất phát từ tiếng Phạn là Kasaya, có nghĩa là hoại sắc), phước điền y, pháp phục, pháp y, giải thoát y,.v.v... Mặt khác, trang phục Phật giáo còn có nét khác biệt giữa hai hệ phái Nam tông và Bắc tông.

Phật giáo ở nước ta chia làm hai tông phái: Bắc tông và Nam tông. Vì vậy trang phục của các tu sĩ cũng có sự khác nhau:

+ Các nhà sư Bắc tông (ở các chùa miền Bắc) mặc loại vải thô màu nâu (nhuộm bằng củ nâu). Về sau này đã dùng loại vải tốt, mịn hơn và có thể nhuộm bằng thuốc nhuộm.

Ở trong nhà, mặc áo cánh ngắn nâu, quần nâu, nam cũng như nữ (gần đây sư nam mặc cả sơ - mi nâu). Ra đường khi có việc chùa, mặc áo dài tương đối rộng, không căng ngực, cổ tròn đứng, mềm, cài khuy kín cổ, khuy tết bằng vải nâu.

Lúc làm lễ các sư bậc thấp mặc áo tràng vạt nâu, tay rộng, cổ chéo có nẹp rộng khoảng 5cm. Các sư bậc cao mặc áo tràng vạt màu vàng (loại sắc). Bên ngoài khoác một tấm vải gọi là áo cà sa màu nâu hoặc màu vàng (hoại sắc) tuy theo các cấp bậc. Ngoài ra còn loại áo cà sa nhiều màu để dùng khi chạy đàn.

Áo cà sa là một miếng vải gần như hình vuông, mỗi chiều rộng khoảng từ hai mét đến ba mét. Đây không phải là một tấm vải liền mà là do nhiều miếng ghép lại theo quy cách nhất định. Trong khi kinh Phật gọi là Y pháp, gồm có các loại: Y ngũ điều, y thất điều, y cửu điều,... Y ngũ điều do năm mảnh điều ghép lại, y thất điều do bảy mảnh điều ghép lại... mỗi loại dành cho từng trường hợp sử dụng.

Một tấm y ngũ điều, ta thấy như sau: Tuỳ theo chiều cao của người mặc y ngũ điều có thể dài từ 1,6m đến 1,9m. Chiều ngang là năm miếng vải - tức là “điều” - mỗi “điều” có bề ngang là 40cm. Nhưng năm “điều” không nối liền nhau mà giữa hai “điều” lại có một dải vải bề ngang 5cm ngăn cách. Trên từng “điều” theo chiều dọc xuống, còn chia ra làm hai phần khồng đều nhau do miếng cách ngăn ra. Phần dài hơn gọi là “trường”, phần ngắn gọi là “đoản”. Ở “điều” thứ nhất: “đoản” ở trên, “trường” ở dưới thì ở “điều” thứ hai: “trường” ở trên “đoản” ở dưới..., tức là có sự sắp xếp so le “trường” và “đoản” giữa các điều.

Ở y thất điều lại được bố trí nhất “đoản”, nhị “trường” viền quanh y là một nẹp rộng 10cm gọi là riệp. Ở mép vải phía trên của bất cứ y nào, ở khoảng 2/3 chiều ngang từ trái sang phải, cũng có một cúc tết bằng vải khâu trên một miếng vải hình nửa cánh quạt dài 9cm. Cúc này được cài vào một khuyết ở đoạn chiều dọc bên trái tấm áo, cách mép vải trên khoảng 20cm.

Cách mặc này là khi nhà sư khoác chéo áo, hở một cánh tay. Khi cúc cài vào khuyết, hai hình nửa cách quạt chập vào nhau, cạnh đó lại có một dải vải trang trí nữa, rất đẹp. Miếng vải nhỏ trên đó có cúc, có khuyết được gọi là bàn đà.

Khi choàng áo này, người mặc cần buộc vào nhau hai dây vải trên hai bàn đà khác hình vuông đặt ở gần khoảng giữa tấm áo, dưới mép vải trên. Choàng và buộc dây xong, hai tay sẽ thường xuyên nâng hai bên tấm vải, coi như hai ống tay rộng.

Theo truyền thuyết trong đạo Phật, chiếc áo cà sa hình thành là do từ những miếng vải lẻ của nhân dân tứ phương lòng thành góp lại cho người tu hành. Khi có nhiều mảnh vài rồi các nhà sư thỉnh xin đức Phật cho biết nên may áo theo kiểu cách nào. Nhân đi qua một cánh đồng đức Phật liền chỉ tay và truyền may theo hình thức các thửa ruộng. Cũng vì lẽ đó mà tấm áo cà sa còn tên gọi là tấm Pháp phúc điền, ý cầu mong lúa gạo nhiều, chúng sinh no ấm.

Các nhà sư Nam tông, trang phục không may thành quần, áo như phái Bắc tông mà chỉ dùng vải vàng hoặc nâu quấn, vắt trên người với các kiểu khác nhau. Có các hình thức sau đây:

Y nội (Y an đà hội) có tác dụng như quần áo lót gồm hai miếng vải. Miếng thứ nhất rộng 40cm, dài từ 1-1,5m vắt từ trước ngực qua vai trái, qua lưng, chéo xuống sườn phải. Miếng thứ hai để nguyên khổ vải, rộng từ 70- 90cm, chiều dài 1,5m, quấn quanh bụng, đầu vải dắt vào mép vải cho chặt.

Y vai trái (Y uất đà la tăng). Mặc y vai trái cần theo một trình tự như sau: khoắc tấm vải ra sau lưng, tay phải cầm mép vải (bên phải) luồn từ sau

nách ra trước ngực rồi vắt phần vải còn lại qua vai trái. Còn đoạn vải bên trái vắt trùm lên phần vải trước, qua vai, buông xuống ngực.

Ra đường áo không được để hở vai và tay mà mặc theo trình tự như sau: Quàng phần vải từ sau lưng ra phía trước, hai mép vải luồn dưới hai nách, chụm hai mép vải ở trước ngực. Cho tay trái vào trong giữ ở đoạn vải cách ngực khoảng 40cm tạo một khoảng trống trước ngực. Xong lại kéo đoạn vải ấy tì vào ngực và dùng tay phải cuộn tròn từ hai mép đầu tấm vải vào dần cho đến đoạn tay trái đang giữ, thành một cuộn tròn dài thẳng đứng. Sau đó, nhờ có khoảng trống ở phần trước ngực, người mặc kéo mép vải lên trên đầu với mục đích cho mép vải phía dưới dài đến mắt cá chân. Tiếp tục vắt cuộn vải lên vai trái, đưa luồn dưới nách từ sau ra trước, cánh tay trái cặp chặt lại là xong. Như vậy cánh tay trái sẽ không được tự do cử động bình thường.

Về đồ đội, xưa kia có loại nón riêng cho nhà sư gọi là nón tu lờ. Nón làm bằng lá gồi, gần như chiếc mũ rộng vành. Ngày nay không phân biệt, đi nắng, các sư ông đội mũ lá, mũ cát, có thời gian đội kiểu mũ hướng đạo nâu. Trời rét đội mũ len màu nâu, hình tròn ống, trên chiết khít lại, hay đan kiểu nổi múi nhỏ như hình bụt cốc trên đầu các tượng Phật. Các sư bà đội nón bình thường. Các nhà sư Nam tông không đội mũ, khi ra đường, nếu cần dùng ô màu vàng hoặc màu đen.

Nhất thiết các nhà sư nam nữ đều cạo trọc đầu. Riêng nữ có khăn chít đầu. Đây là miếng vải dài 80cm đến 60cm, màu nâu như màu quần áo. Khi đội khăn xếp gấp mép khăn (từ 5-10cm) theo chiều dài, trùm khăn len đầu, mép chỗ gấp để trước trán, hai đầu khăn đưa ra phía sau rồi vắt chéo nhau ở gáy, hết phần vải hai bên đầu khăn vào trong ở ngay sau hai tai.

Lúc làm lễ chạy đàn, nhà sư còn đội một loại mũ nhiều màu hình hoa sen, gọi là mũ thất Phật, gồm có bảy cánh, mỗi cánh thêu một hình Phật hay hình hoa sen, hình chữ Phạn... Tất cả các sư sãi Bắc tông đều đeo chuỗi hạt gọi là tràng hạt. Có thể là một chuỗi dài hoặc hai, ba chuỗi ngắn nhưng nhất thiết phải có 108 hạt, tượng trưng cho 108 quả bồ đề. Lần tràng hạt để mong bỏ đi 108 điều phiền não, điều xấu trong cõi đời trần tục. Các nhà sư phái Nam tông không đeo tràng hạt.

Nhìn chung, trang phục của tu sĩ Phật giáo Việt Nam vẫn tuân thủ theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, nhưng cũng thể hiện rõ tính cách của dân tộc từ màu sắc cho đến cách ăn mặc của các nhà sư. Đồng thời, cũng để lại dấu ấn của mình trong trang phục màu nâu của các sư Việt Nam và cũng là màu của một dân tộc.

Như vậy là kể cả trong tôn giáo, những tôn giáo từ nước ngoài du nhập, trên lĩnh vực trang phục cũng đã được người Việt Nam có ý thức dân tộc hoá để phù hợp với phong tục, tập quán, phù hợp với thực tế khách quan của Việt Nam, góp phần đem lại cho cả tôn giáo một màu sắc Việt Nam độc đáo.

Một phần của tài liệu Phật giáo trong văn hoá việt nam (Trang 37)