CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

Một phần của tài liệu Trọn bộ tài liệu ôn thi văn đại học (Trang 118)

- Nguyễn Trung Thành

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

- Nguyễn Minh Châu -

A. KHÁI QUÁT1. Tác giả 1. Tác giả

1.1. Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Từng là cây bút xuất sắc của văn xuôi thời kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu lại là nhà văn tiên phong của sự nghiệp đổi mới sau 1975, là một trong số “những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất” của văn học Việt Nam (Nguyên Ngọc)

1.2. Sáng tác của Nguyễn Minh Châu phản ánh khá trung thành sự vận động, phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại trong một vài thập kỷ trước và sau 1975. Theo Nguyễn Minh Châu, đó là sự vận động, chuyển đổi trong mục đích sáng tác: sau chiến tranh, các nhà văn đã chuyển từ “cuộc chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc” sang “cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con người”. Sự vận động chuyển đổi ấy được thể hiện rõ nét trong hai giai đoạn sáng tác của Nguyễn Minh Châu, từ những tác phẩm đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn ca ngợi vẻ đẹp con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc, từ sau 1975, Nguyễn Minh Châu đã hướng sự quan tâm của mình đến cuộc sống đời tư, thế sự, thể hiện sự thấu hiểu, cảm thôhg, niềm xót thương sâu sắc với số phận con người, thể hiện những chiêm nghiệm, nếm trải về cuộc sống nhân sinh thế sự.

2. Tác phẩm

2.1. Vị trí và giá trị

- Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu thời kỳ sau 1975, khi nhà văn bắt đầu hướng sự quan tâm của mình đến cuộc sống đời tư, thế sự; truyện ngắn lúc đầu được in trong tập Bến quê, sau được Nguyễn Minh Châu lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn in năm 1987.

- Cũng như nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn này, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã bộc lộ sự thấu hiểu, cảm thông và niềm xót thương sâu sắc của nhà văn với số phận con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong hành trình gian nan đau khổ tìm kiếm hạnh phúc và sự bình yên. Qua đó tác phẩm đã thể hiện những giá trị nhân đạo sâu sắc, đồng thời giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp tư tưởng, nghệ thuật quan trọng.

2.2 Tóm tắt nội dung

Phóng viên Phùng được trưởng phòng giao nhiệm vụ đi chụp một tấm ảnh phong cảnh biển trong một buổi sáng có sương để đưa vào bộ lịch năm mới. Phùng đã đến một vùng biển miền Trung, nơi từng là chiến trường cũ của anh, nơi có phong cảnh thật thơ mộng, vào những ngày giữa tháng bảy khi trời vẫn còn sương mù lúc sáng sớm. Ngoài Đẩu là người đồng đội cũ bây giờ làm Chánh án Tòa án huyện, Phùng còn làm quen và khá thân thiết với Phác, một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn thường cùng ông ngoại đi chở gỗ từ rừng về bán cho xưởng đóng tàu. Suốt một tuần lễ, Phùng vẫn chưa chụp được bức ảnh nào ưng ý. Một buổi sáng, trong lúc lang thang trên bờ biển đi tìm cảnh cho bức ảnh nghệ thuật của mình, bất chợt anh gặp một cảnh tuyệt đẹp khi trên mặt biển hiện ra một chiếc thuyền lưới vó mơ hồ, huyền ảo trong sương sớm. Anh sung sướng chụp vội cảnh chiếc thuyền ngoài xa và xúc động trước vẻ đẹp toàn bích, toàn thiện của ngoại cảnh. Nhưng ngay lúc đó, khi chiếc thuyền tới gần và cập bờ, Phùng đã kinh ngạc thấy một người đàn ông rời thuyền, dùng thắt lưng đánh đập dã man người vợ đi theo. Anh vứt máy ảnh xuống, chạy tới định can ngăn họ thì bất ngờ nhìn thấy thằng

Phác lao tới, giằng cái thắt lưng đánh vào ngực người đàn ông, lão tát cho nó hai cái rồi bỏ về thuyền, người đàn bà ôm chầm lấy thằng Phác, chắp tay vái nó mà khóc rồi đi thật nhanh theo người đàn ông. Lúc đó Phùng mới biết hai người kia là bố mẹ của thằng Phác. Sau hôm ấy Phác tỏ ra xa lánh và thù ghét Phùng, có lẽ vì anh đã tình cờ biết được câu chuyện đau lòng của gia đình nó. Lần thứ hai, Phùng lại chứng kiến người đàn ông đánh vợ, nhưng lần này lão vừa rời thuyền thì có một người con gái cũng bơi theo vào bờ, khi thằng Phác xuất hiện nó đã đuổi theo thằng bé và giành được con dao găm Phác giấu trong cạp quần. Phùng đánh nhau với người đàn ông để can không cho lão đánh vợ và anh đã bị thương nhẹ. Tòa án triệu tập người đàn bà đến để giải quyết việc gia đình, khi nghe Đẩu khuyên không nên tiếp tục sống với kẻ vũ phu kia, người đàn bà hoảng sợ van xin, dứt khoát không muốn bỏ chồng. Rồi chị ta đã kể về cuộc đời mình, giải thích cho Phùng và Đẩu hiểu vì sao không thể bỏ chồng dù có bị đánh đập khổ sở đến đâu - đó là do cuộc sống trên biển cần có người đàn ông để nuôi sống đàn con. Tấm ảnh chụp chiếc thuyền ngoài xa Phùng mang về được đưa vào bộ lịch năm mới, mỗi lần nhìn thấy nó, Phùng lại nhớ đến màu hồng hồng của ánh sương mai và hình ảnh người đàn bà hàng chài bước ra từ chiếc thuyền ngoài xa.

2.3. Nhan đề tác phẩm

Chiếc thuyền ngoài xa là một nhan đề có ý nghĩa biểu tượng, hé mở tình huống và thể hiện chủ đề tác phẩm.

- Nhan đề bao gồm cả đối tượng quan sát là “chiếc thuyền” và cự ly quan sát “ngoài xa”. Cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát nhưng ở những cự ly khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến những xúc cảm và nhận thức khác nhau.

- Chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong truyện ngắn trước hết là hình ảnh thực với “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh”. Đó là hình ảnh một cánh buồm nhòa mờ trong màn sương huyền ảo của buổi sớm mai trên mặt biển xa, vẻ đẹp hài hòa toàn bích như trong “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy khiến người nghệ sĩ bàng hoàng rung động như vừa “khám phá thấy chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”

- Nhưng khi chiếc thuyền tới gần, phía sau vẻ đẹp tuyệt diệu kia lại là cuộc sống của những người dân chài bị cầm tù bởi đói nghèo, tăm tối và bạo lực.

- Sự đối lập tàn nhẫn giữa ngoại cảnh và hiện thực cuộc sống ở những cự ly và góc độ quan sát khác nhau khiến hình ảnh của chiếc thuyền ngoài xa trong nhan đề tác phẩm đưa đến những ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. (xem phần giá trị tình huống - đề 1)

B. TÌM HIỂU TÁC PHẨM

Phân tích tình huống nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu

I/ Mở bài

- Tác giả, tác phẩm (A.1.1, A.2.1)

- Giá trị nhân đạo cũng như những thông điệp tư tưởng, nghệ thuật được thể hiện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đều xuất phát từ những nghịch lý dẫn đến giác ngộ, nhận thức, đó cũng là thành công lớn nhất của tác phẩm.

II/ Thân bài

1.1. Phát hiện trên bờ biển

- Để làm một bộ lịch phong cảnh, nghệ sĩ Phùng được giao nhiệm vụ đi chụp một tấm ảnh cảnh biển buổi sáng có sương. Suốt một tuần lễ kiên nhẫn trên một vùng biển miền Trung nơi có phong cảnh đẹp thơ mộng, có sương mù tháng bảy, anh vẫn chưa chụp được bức ảnh nào ưng ý. Điều kỳ diệu của nghệ thuật đã bất chợt đến với anh khi Phùng nhìn thấy một chiếc thuyền buồm trên mặt biển xa: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”.

- “Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” đã đem đến những xúc cảm mãnh liệt, những khoảnh khắc tràn ngập hạnh phúc cho người nghệ sỹ, anh coi đó là “cảnh đắt trời cho”, là “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, là một vẻ đẹp “đơn giản và toàn bích”… Cái đẹp đã khiến người nghệ sỹ bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”, đó là sự xúc động khi thấy mình may mắn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hy hữu, kỳ diệu của hóa công, may mắn “khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nỗi xúc động mãnh liệt khiến người nghệ sỹ còn như phát hiện ra “cái đẹp chính là đạo đức” bởi đứng trước cái đẹp trong trẻo của thiên nhiên, anh thấy mình như được thanh lọc, gột rửa, tâm hồn bỗng như trong suốt, thánh thiện hơn. Đó chính là sức mạnh kỳ diệu của cái đẹp, của nghệ thuật đối với con người. Vậy là trong phát hiện thứ nhất, Phùng hoàn toàn mãn nguyện, sung sướng với cái đẹp của ngoại cảnh, của bức tranh thiên nhiên toàn bích khi chiếc thuyền được nhìn từ “ngoài xa”, qua làn sương mù mờ ảo.

- Nhưng ngay lập tức là phát hiện thứ hai thật trớ trêu với người nghệ sỹ say mê và ngưỡng mộ cái đẹp trong cảm giác “cái đẹp chính là đạo đức”. Sự thật trần trụi, tàn nhẫn của cuộc sống đã hiện ra khi “chiếc thuyền ngoài xa” tiến lại gần, khi hai vợ chồng người hàng chài rời thuyền và người chồng đánh đập vợ tàn nhẫn ngay trước mắt Phùng. Sự thật còn khủng khiếp hơn khi Phùng tiếp tục chứng kiến cảnh đứa bé xông vào đánh lại bố để bênh vực mẹ, cảnh người mẹ đau đớn và nhục nhã trước đứa con. Phùng còn phải chứng kiến cảnh đau đớn ấy lần thứ hai và được biết đó là chuyện thường ngày của gia đình đó, khi người chồng “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

=> Như vậy, trong cùng thời điểm, cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng với hai cự ly và góc độ khác nhau, người nghệ sỹ đã phát hiện ra hai bức tranh hoàn toàn tương phản: phía sau cái đẹp thánh thiện trong trẻo lại là sự độc ác xấu xa u tối. Nghịch lý đau đớn này đã đưa đến những nhận thức sâu sắc mới mẻ cho người nghệ sỹ về cách nhìn với hiện thực cuộc đời.

1.2. Phát hiện trong tòa án

- Với tấm lòng nhân hậu và sự bất bình trước cái ác của bạo lực gia đình, cả Phùng và Đẩu đều hy vọng góp phần giải thoát người đàn bà hàng chài khỏi người chồng vũ phu, tàn nhẫn. Họ hoàn toàn tin thiện chí của mình chắc chắn sẽ được người đàn bà chấp nhận, thậm chí biết ơn, và tin rằng việc khuyên người đàn bà khốn khổ ly hôn để khỏi bị chồng đánh là giải pháp đúng đắn, nhân đạo nhất. Nhưng họ đã kinh ngạc trước một nghịch lý trớ trêu: người đàn bà đau khổ ấy lại không hề muốn bỏ người chồng tàn nhẫn, con người bị cầm tù bởi đói nghèo, tăm tối và bạo lực ấy lại tuyệt đối không muốn được giải thoát, thậm chí còn khẩn thiết van xin: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”

- Sau khi đã có sự tin cậy và cảm thông, người đàn bà hàng chài đã kể cho Phùng và Đẩu nghe về cuộc đời mình, giải thích cho họ hiểu vì sao dù có khổ sở đến đâu cũng không thể bỏ chồng, không thể đi tìm sự giải thoát cho mình. Hiện thực với những mâu thuẫn éo le qua câu chuyện của người đàn bà quê mùa, thất học nhưng sâu sắc từng trải đã khiến Phùng và Đẩu trở thành những người nông nổi ngây thơ, lòng tốt của các anh mới chỉ dừng lại ở những lý tưởng đẹp đẽ nhưng phi thực tế. Câu chuyện của người đàn bà hàng chài khiến cho “một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển” - cái “vỡ ra” ấy chính là những nhận thức, giác ngộ về những nghịch lý luôn vẫn

tồn tại đâu đó trong cuộc sống, những nghịch lý mà dù có đau đớn hay phẫn nộ, con người vẫn buộc phải chấp nhận.

2. Giá trị tình huống

Tình huống đặc sắc trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã giúp nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm những thông điệp lớn lao thấm đẫm giá trị nhân đạo với cuộc đời.

2.1. Trước hết là thông điệp về cách nhìn nhận cuộc sống

- Từ sự đối lập giữa “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” với hiện thực phũ phàng, tàn nhẫn của cuộc sống, nhà văn cho thấy không phải bao giờ cái đẹp cũng thống nhất với cái thiện, cái bên ngoài cũng là sự thể hiện bản chất thật bên trong. Vì vậy, muốn hiểu đúng về cuộc sống phải có cái nhìn thấu đáo, toàn diện, sâu sắc từ nhiều góc độ, nhiều bình diện, không thể nhận xét, đánh giá đơn giản, dễ dãi, căn cứ vào kết quả cảm tính của cái nhìn hời hợt, nông cạn ở bên ngoài sự vật, sự việc.

Không chỉ đưa ra thông điệp về cách nhìn nhận toàn diện, sâu sắc với cuộc sống, tình huống truyện còn đưa đến một nhận thức quan trọng: để giải phóng con người thoát khỏi cảnh đau khổ, tăm tối, cần có những giải pháp thiết thực mang tính toàn xã hội chứ không phải chỉ có những lý thuyết đẹp đẽ nhưng phi thực tế, những phương cách cực đoan, duy ý chí.

2.2. Tình huống còn đưa đến một thông điệp quan trọng về trách nhiệm của người nghệ sỹ với nghệ thuật và con người: không thể tách rời nghệ thuật với hiện thực cuộc sống con người. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã gửi gắm một thông điệp quan trọng đến những người nghệ sỹ: hãy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật với hiện thực; nghệ thuật đích thực luôn gắn bó khăng khít với cuộc sống, người nghệ sỹ phải có tấm lòng nhân ái, có tình thương yêu sâu nặng với con người, biết trăn trở cho số phận con người, có bản lĩnh trung thực để khám phá những hiện thực dẫu là tàn nhẫn trong cuộc sống con người. Thông qua tình huống, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện một quan niệm: chỉ khi nào người nghệ sỹ có trách nhiệm trong cái nhìn với hiện thực cuộc sống, có “mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh” thì lúc ấy tác phẩm nghệ thuật mới đạt được phẩm chất giá trị cao nhất của nó là giá trị nhân đạo.

III/ Kết luận

1. Là một trong những yếu tố quan trọng của tác phẩm tự sự, tình huống với những mâu thuẫn đầy nghịch lý của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã đặt ra những vấn đề lớn lao trong cả cuộc đời và nghệ thuật. Từ những nhận thức và giác ngộ sâu sắc, thấm thía của hai nhân vật Đẩu và Phùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đưa đến cho tác phẩm giá trị nhân đạo và những thông điệp tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc.

2. Thông qua tình huống của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện “mối quan hoài thường trực” với số phận con người trong cuộc sống đời tư - thế sự, niềm khao khát tìm kiếm, tôn vinh “vẻ đẹp người”, những khắc khoải lo âu trước cái xấu, cái ác. Tác phẩm cũng đồng thời thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật văn xuôi Nguyễn Minh Châu với lối văn giản dị và thấm thía, nhiều dư vị, nhiều trải nghiệm thâm trầm qua những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

I/ Mở bài

- Nhân vật trung tâm của những tình huống nghịch lý, những trớ trêu đau khổ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa chính là người đàn bà hàng chài - nhân vật giúp nhà văn thể hiện rõ nhất tấm lòng và những thông điệp tư tưởng của mình trong tác phẩm.

II/ Thân bài

1. Thông qua nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự thấu hiểu,

Một phần của tài liệu Trọn bộ tài liệu ôn thi văn đại học (Trang 118)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w