Do thuế thu nhấp cá nhân liên quan đến lĩnh vực chứng khoán được hoãn áp dụng trong năm 2009 nên các bên liên quan đến luật thuế này bao gồm: cơ quan thuế, công ty chứng khoán
và nhà đầu tư chưa lường hết được những công việc phát sinh trên thực tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét các quy định một cách rõ ràng thì sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến công tác kê khai, nộp thuế:
Thứ nhất, đối với khoản thuế thu nhập từ đầu tư vốn. Hiện tại, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể chia thành 3 nhóm: (i) nhà đầu tư tổ chức; (ii) nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp; (iii) nhà đầu tư nhỏ lẻ, bán chuyên nghiệp.
Nếu như nhà đầu tư tổ chức có được một bộ máy giúp việc thực hiện các hoạt động đầu tư, đồng thời nộp thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có hoạt động đầu tư diễn ra thường xuyên và dành nhiều, thậm chí là toàn bộ thời gian cho hoạt động đầu tư của mình sẽ tương đối dễ dàng trong công tác kê khai và nộp thuế; thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ, bán chuyên nghiệp, họ chỉ tham gia thị trường trong những thời điểm thích hợp, thời gian còn lại họ vẫn là những người làm công ăn lương, ngày làm 8h tại các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Chính những người này lại là chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay. Nếu họ được nhận cổ tức (bằng tiền hoặc cổ phiếu) hay cổ phiếu thưởng, thì họ sẽ phải bỏ thời gian để đến cơ quan thuế lập và nộp tờ khai đối với khoản tiền họ nhận được hay khi họ bán cổ phiếu thưởng hay cổ phiếu có được từ cổ tức, điều này chắc chắn làm tiêu tốn của những nhà đầu tư này thời gian và kinh phí, thậm chí một số nhà đầu tư không có thời gian để đi đến làm thủ tục tại cơ quan thuế trong giờ hành chính.
Thứ hai, do không nghiên cứu kỹ những vận hành trên thị trường chứng khoán do đó có sự không công bằng khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Để đảm bảo sự công bằng thì Luật hoặc cơ chế giao dịch phải thay đổi. Ví dụ, một nhà đầu tư có 1 cổ phiếu A, giá hiện tại giao dịch trước ngày chốt quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 là 80.000 VND. Giả sử cổ phiếu được
giao dịch ngay trong ngày chốt quyền và không có biến động về giá, chỉ có sự thay đổi giá do hưởng quyền.
Như vậy vào trước ngày chốt quyền, nếu nhà đầu tư bán cổ phiếu A của mình thì phải nộp 1 khoản thuế, đó là thuế chuyển nhượng vốn, ví dụ nhà đầu tư nộp thuế theo hình thức 0,1% giá trị chuyển nhượng thì số thuế phải nộp là 1*80.000*0,1% = 80 VND.
Ngược lại, nếu nhà đầu tư bán từ ngày chốt quyền thì sẽ phải nộp 2 khoản thuế, đó là thuế đầu tư vốn và thuế chuyển nhượng vốn. Khoản thuế đầu tư vốn là 1*10.000*5% = 50 VND, và thuế chuyển nhượng vốn là 2*40.000*0,1% = 80 VND. Như vậy, nếu như giữ đến ngày chốt quyền, bỏ qua việc biến động giá thì nhà đầu tư nào nằm giữ cổ phiếu sẽ bị thiệt hại hơn so với việc bán trước ngày chốt quyền khoản thuế thu nhập từ đầu tư vốn.
Thứ ba, đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán trên thị trường OTC thì sẽ rất khó có thể áp dụng giá do hoạt động trên thị trường này không có khoảng giá chính thức, mặt khác nếu giao dịch với khối lượng lớn thì sẽ làm giá biến động khá mạnh. Nếu không có những quy định cụ thể, rõ ràng đối với trường hợp này thì rất dễ bị thất thoát nguồn thu thuế do những nghiệp vụ mua bán tạo ra sự thua lỗ để bù trừ đối với khoản lãi từ thị trường niêm yết.
Gần tương tư như nghiệp vụ mua bán chứng khoán thoả thuận trên sàn niêm yết, hoạt động mua bán trên thị trường OTC có thể sẽ là nghiệp vụ mà nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể sử dụng để nhằm mục đích giảm tối đa số lãi có được trên thị trường niêm yết nhằm giảm bớt số thuế thu nhập phải nộp nếu lựa chọn phương pháp nộp 20% trên thu nhập thuần.
Thứ tư, đối với trường hợp nộp thuế theo 20% thu nhập thuần, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về những khoản chi phí hợp lý hợp lệ mà nhà đầu tư được sử dụng để xác định thu nhập thuần. Đối với một nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ phải bỏ nhiều chi phí để tạo nên quyết định mua – bán, và phần lớn những khoản chi phí này gắn liền với cá nhân ví dụ như: chi phí điện thoại, xăng dầu, báo chí... Vậy, những khoản chi phí này có được tính là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập thuần hay không? Và để được chấp nhận thì nhà đầu tư cần phải làm những thủ tục gì?
Thứ năm, đó là hiệu quả của chính sách. Một chính sách chỉ có hiệu quả khi lợi ích kinh tế lớn hơn chi phí kinh tế phải trả để thực thi chính sách. Việc áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán, chẳng hạn nếu như áp dụng 0,1% trên doanh số bán và trung bình
giao dịch của thị trường là 3.000 tỷ đồng/ngày thì mỗi ngày thu được 3 tỷ đồng tiền thuế, chẳng hạn giao dịch 250 ngày/năm thì tổng thu một năm thuế này là 750 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí của xã hội là thời gian của nhà đầu tư phải sử dụng để kê khai và nộp thuế, chi phí in ấn các tờ khai, chi phí đi lại, chi phí nâng cao công nghệ của các công ty chứng khoán cũng như trả tiền lương do phải thuê thêm nhân viên để quản lý,… Và hầu như chưa có một nghiên cứu thống kê nào được thực hiện để xem xét tính hiệu quả khi thực thi Luật thuế này vào thời điểm hiện nay.
CHƯƠNG 3:
XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH CỔ TỨC CÔNG TY CỔ PHẦN TRONG THỰC TIỄN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA THUẾ