Biện pháp 4: Khai thác và sử dụng phương tiện dạy học hợp lý

Một phần của tài liệu Dạy học phát huy tính tích cực học tập của học sinh thông qua việc dạy học giới hạn ở các lớp THPT (Trang 64)

Phương tiện dạy học ở đây chính là các công cụ được GV và HS sử dụng trực tiếp trong quá trình dạy học. Phương tiện dạy học tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động học tập. Chúng có thể tiếp nối, mở rộng giác quan của con người, hình thành những môi trường có dụng ý sư phạm, mô phỏng những hiện tượng, quá trình vượt quá sự hạn chế về thời gian, không gian và chi phí.

Chức năng của phương tiện dạy học

+ Giúp cho HS có khả năng kiến tạo tri thức bền vững, làm mẫu cho HS về cách diễn tả kiến thức một cách chính xác dưới dạng lời văn hoặc kí hiệu.

+ Hỗ trợ cho HS rèn luyện kỹ năng sử dụng một công cụ như: từ điển, video, máy tính hoặc giúp HS rèn luyện kỹ năng thực hiện một hoạt động nào đó: quan sát, nghe nhìn, phân tích...

+ Chức năng kích thích hứng thú học tập cho HS thông qua hình ảnh, âm thanh... + Chức năng tổ chức, điều khiển quá trình dạy học, là công cụ đắc lực cho GV tróng quá trình thiết kế giáo án, lập kế hoạch giảng dạy như: sách giáo viên, phần mềm toán học, sách giáo khoa...

+ Chức năng hợp lý hóa công việc của thầy và trò theo các hoạt động đã được chuẩn bị trước của GV.

Qua đó, ta thấy rằng phương tiện dạy học không những làm cho kiến thức lý thuyết từ trừu tượng trở nên dễ hiểu, dễ nhớ mà còn gợi nhu cầu vận dụng kiến thức vào thực tế của HS; phương tiện dạy học giúp GV và HS tăng năng suất lao động làm thay đổi cách tư duy, hành động theo hướng hiện đại hóa, tiết kiệm thời gian cho những bài học có nội dung dài như: phần thống kê, hoặc các bài học mang tính ứng dụng thực tiễn...

Những phương tiện dạy học thông dụng

* Sách giáo khoa, sách tham khảo: Là những tài liệu giúp HS nhận thức thế giới hiện thực thông qua ngôn ngữ, kí hiệu; là phương tiện để HS tiếp cận với tri thức để tiếp cận và sau đó tìm tòi, khám phá ra tri thức mới. Điều cần thiết trong phương pháp dạy của GV là giúp HS biết sử dụng SGK một cách khoa học, chính là bồi dưỡng phương pháp tự học để HS có thể độc lập, tự lực khám phá chân trời tri thức mà không một ai có thể truyền thụ được. Do vậy, cần hướng dẫn HS tự làm việc với SGK một cách khoa học phù hợp với yêu cầu lí luận như sau:

+ Cần lựa chọn đúng đắn nội dung tài liệu để nghiên cứu.

+ Cần tổ chức cho HS những buổi xêmina ngoài giờ học về kiến thức HS đang tìm hiểu để giải đáp những thắc mắc, phát triển những suy nghĩ tìm tòi mới ở HS.

Không chỉ vậy, trong khi HS nghiên cứu tài liệu nên quan sát công việc của HS và giúp đỡ khi cần thiết. Đặc biệt không để cho HS tự nghiên cứu SGK trong toàn bộ tiết học mà phải phối hợp với các hình thức khác: kiểm tra chất lượng kiến thức HS lĩnh hội được sau khi đọc tài liệu, khám phá ra được điều gì mới, học hỏi được những gì. Và GV không chỉ cho HS dừng lại ở SGK mà phải giới thiệu cho HS những quyển sách tham khảo bổ ích, liên quan đến nội dung kiến thức các em học, nhằm phát triển khả năng học tập ở những em có tư duy tốt, những HS khá, giỏi.

Ví dụ: Khi chuẩn bị học bài các dạng vô định, GV yêu cầu HS đọc trước bài với việc phải trả lời được những câu hỏi sau:

+ Có những dạng vô định nào ?

+ Từ ví dụ trong SGK em có thể khái quát phương pháp giải từng dạng vô định?

+ Giới thiệu cho HS tìm hiểu các quyển sách tham khảo liên quan đến dạng vô định như: phân loại và phương pháp giải toán Đại số - Giải tích 11; Đại số và Giải tích 11- các ví dụ và bài toán chọn lọc...Từ đó, giúp HS tiếp cận được với nhiều dạng bài tập, giúp rèn luyện kỹ năng giải toán cho HS, và cung cấp tri thức phương pháp giải bài tập giới hạn.

* Bảng phụ: Là những bảng với nội dung toán học được GV chuẩn bị trước, để HS có thể theo dõi và hoạt động, nắm bắt được tri thức thuận lợi hơn, tránh mất thời gian hoặc cũng có thể mở rộng kiến thức mới từ nội dung các bảng phụ này đem lại. Bảng phụ được dùng trong các trường hợp sau:

+ Hướng dẫn rèn luyện một kỹ năng. + Tổng kết hệ thống kiến thức. + Thể hiện nhiều trạng thái.

Lưu ý: Bảng phụ chỉ có tác dụng khi nội dung trên đó là một sơ đồ, một bảng tổng kết, một đề bài tập có hình thức mới lạ, một lời giải sẵn để định hướng giúp HS tìm ra sai lầm và hướng sữa chữa.

Ví dụ: Trong bài ôn tập chương Giới hạn, khi ôn tập phần lý thuyết, GV có thể sử dụng bảng phụ với nội dung hệ thống hóa lại kiến thức phần giới hạn bằng sơ đồ gồm 3 phần chính:

+ Giới hạn dãy số: dãy số có giới hạn 0, dãy số có giới hạn hữu hạn, dãy số có giới hạn vô cực.

+ Giới hạn của hàm số: giới hạn hữu hạn của hàm số, giới hạn vô cực, giới hạn một bên, các dạng vô định.

+ Hàm số liên tục.

Việc hệ thống hóa trên bảng phụ kết hợp với yêu cầu HS nhắc lại nội dung từng kiến thức đã học giúp các em định hình lại những kiến thức và từ đó vận dụng vào giải bài tập và có thể khắc sâu những kiến thức đã học.

* Phiếu học tập: Là những tờ giấy được in sẵn, chuẩn bị trước từ GV, được phát cho HS để hoàn thành trong một thời gian ngắn, HS có thể làm việc theo nhóm, hoặc độc lập mỗi cá nhân. Thông qua phiếu học tập này, HS có thể tự biết được những công việc mà mình phải hoàn thành để tự chiếm lĩnh tri thức mới, tự hình thành kỹ năng mới.

- Ưu điểm của việc sử dụng phiếu học tập:

+ Tạo điều kiện cho tất cả HS trong lớp phải làm việc, GV có thể kiểm soát hoạt động của các thành viên trong tiết học.

+ Qua kết quả của quá trình làm việc của HS, GV có thể đánh giá được kế hoạch dạy học của mình đã thích hợp chưa và có sự đánh giá về năng lực hoạt động của mỗi HS.

+ Chống lại thói lười biếng, ỷ lại của một số HS trung bình, yếu kém.

+ Qua các phiếu học tập HS tự mình tìm ra tri thức từ những hoạt động, yêu cầu của GV nên việc lưu giữ các tri thức vừa tiếp cận được ở các em là sâu và lâu dài. + Có một số dạng phiếu mang hình thức trắc nghiệm, nhằm củng cố lại kiến thức cho HS, từ đó giúp các em tiếp cận với kiểu đánh giá mới theo định hướng đổi mới của ngành Giáo dục - Đào tạo.

+ Giúp tiết kiệm thời gian trình bày yêu cầu từ GV và ngược lại tạo khoảng thời gian cho HS hoạt động, tìm hiểu, khám phá. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Nhược điểm:

+ Hạn chế năng lực diễn đạt và trình bày bằng lời của HS

+ Khả năng tiếp thu toàn bộ nội dung bài học ở HS không được đầy đủ do HS chăm chú vào phần hoạt động của nhóm mình, ít quan tâm vào phần kiến thức của nhóm khác. Vì vậy, GV cần phải có sự tổng kết, khái quát lại kiến thức cho HS.

Ví dụ: Đối với chủ đề Giới hạn, GV có thể sử dụng phiếu học tập, tuy nhiên phải linh hoạt trong việc chọn tiết học có nội dung thích hợp cũng như đối tượng HS. Cụ thể: ở bài các dạng vô định, sau khi phân tích giúp HS nhận dạng các dạng vô định thì GV sử dụng phiếu học tập với nội dung là các bài tập tìm giới hạn liên quan đến các dạng vô định. Sau đó, GV yêu cầu các nhóm khái quát lên phương pháp giải cho từng dạng bài tập.

* Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học: Hiện nay đại đa số ở các trường phổ thông đã vận dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học thông qua hệ thống máy chiếu, GV được tiếp xúc với các phần mềm toán học, được học các chuyên đề về soạn giáo án điện tử, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy học.

Ví dụ: + GV có thể thiết kế bài dạy “một vài quy tắc tìm giới hạn vô cực” của giới hạn hàm số bằng giáo án điện tử, với yêu cầu là sự đan xen hợp lý các hoạt động của thầy và trò, đặc biệt là phần cung cấp các quy tắc tìm giới hạn để chiếu lên cho HS quan sát và áp dụng vào giải bài tập minh họa đi kèm, tạo sự hứng thú cho HS.

+ Để HS đoán nhận giới hạn của hàm số, dãy số bằng hình học; ứng dụng của giới hạn trong vẽ đồ thị hàm số thì GV có thể sử dụng một số phần mềm toán học để vẽ hình như : GSP, Geoplan, Grap, Maple...

Sử dụng phương tiện dạy học là một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả giờ dạy. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng phương tiện dạy học thì sẽ không mang lại kết quả tốt cho quá trình dạy học. Bởi vậy, để thực hiện một giờ dạy có sử dụng phương tiện dạy học tốt cần phải tuân thủ theo các yêu cầu sau:

+ Lựa chọn phương tiện dạy học phù hợp với đối tượng HS, phù hợp với nội dung bài dạy.

+ Lựa chọn thời điểm để sử dụng phương tiện dạy học thích hợp.

Và cần lưu ý rằng phương tiện dạy học chỉ bổ trợ cho GV trong quá trình dạy học, GV phải làm chủ bài dạy của mình, không nên lạm dụng vào phương tiện dạy học.

Một phần của tài liệu Dạy học phát huy tính tích cực học tập của học sinh thông qua việc dạy học giới hạn ở các lớp THPT (Trang 64)