Cách thức tổ chức thực hiện chính sách dân tộc

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đồng nai hiện nay (Trang 36)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.1.Cách thức tổ chức thực hiện chính sách dân tộc

Chính sách dân tộc là chính sách đặc thù nằm trong tổng thể các chính sách phát triển quốc gia. Việc thực hiện tốt các chính sách này sẽ giúp cho quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển chung của đất nước. Chính sách

được triển khai bởi các cơ quan quản lý ở các cấp, các cơ quan công tác dân tộc và đồng bào dân tộc. Tổ chức thực hiện chính sách dân tộc là một công tác hết sức phức tạp và chỉ có thể có kết quả nếu những nhà quản lý nắm được những đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc [61, tr.27]. Đồng thời cần phải tổ chức các hoạt động cụ thể như: công tác tuyên tryền, vận động chính sách; phối hợp với các ngành liên quan; kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách và tổ chức các hoạt động cụ thể, các hoạt động đặc thù liên quan đến dân tộc thiểu số như quy hoạch và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc và những quy trình quản lý đặc thù về tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ nhất, về công tác tuyên truyền vận động chính sách dân tộc: có thể xem đây là quá trình đầu tiên, tạo ra sự ủng hộ, xây dựng sự nhất trí, đồng thuận đối với một đường lối hay một vấn đề thông qua hệ thống các hành động và được tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc. Việc làm này dựa trên tính đặc thù của đồng bào các dân tộc thiểu số, do vậy việc tuyên truyền vận động chính sách là để các chính sách trở nên phù hợp với hoàn cảnh môi trường và đặc điểm văn hóa của các dân tộc thiểu số; đồng thời tạo dựng tâm thế thuận lợi của đồng bào dân tộc thiểu số cho việc triển khai các chính sách của nhà nước. Đối với công tác này, luận văn chỉ xem xét ở khía cạnh cách thức tuyên truyền vận động chính sách được thực hiện với 3 mục tiêu chính: (1) mục tiêu chính sách nhằm đạt được sự ủng hộ về chính trị thông qua chính sách mới hoặc điều chỉnh, bổ sung các chính sách hiện hành với ý nghĩa hoàn thiện môi trường chính sách. Điều này sẽ được làm rõ tại phần sau của luận văn (cụ thể là chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hay chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đồng Nai). (2) Mục tiêu nguồn lực nhằm đạt được sự ủng hộ về kinh tế thông qua nguồn lực, huy động các

nguồn lực cần thiết từ ngân sách Nhà nước và các tổ chức, mà cụ thể là là các cơ quan chịu trách nhiệm phân bổ các nguồn lực như tài chính, kế hoạch đầu tư, (Đồng Nai là tỉnh tự cân đối ngân sách, do vậy những chính sách đòi hỏi nguồn lực kinh tế lớn phải thông qua Hội đồng Nhân dân tỉnh). (3) mục tiêu về dư luận là nhằm đạt được sự ủng hộ thông qua sự đồng tình của cộng đồng, xã hội và của đồng bào dân tộc thiểu số hay các nhân vật có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ việc vận động chính sách, vận động nguồn lực, vận động dư luận nêu trên có thể nói, tuyên truyền vận động chính sách là một quá trình có tính liên tục: để hoàn thiện chính sách dân tộc đòi hỏi phải có những nỗ lực đi trước để khơi dậy và định hướng dư luận xã hội một cách phù hợp nhằm tạo ra những ưu tiên khi vận động. Để khi có chính sách, việc quan trọng là duy trì và thu hút thêm nguồn lực cho việc thực thi chính sách dân tộc một cách có hiệu quả thiết thực.

Thứ hai, phối hợp các ngành liên quan trong thực hiện chính sách dân tộc: Là một bộ phận cấu thành nằm trong tổng thể những chính sách phát triển được các cơ quan chức năng thực thi một cách thống nhất trên khắp địa bàn lãnh thổ quốc gia, chính sách dân tộc thiểu số là những yếu tố được xem xét bổ sung trong quá trình triển khai chính sách tại các vùng đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện chính sách và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con dân tộc thiểu số. Hoạt động phối hợp liên ngành là cần thiết để các quan tâm đặc thù đó không bị bỏ sót và được tiến hành đúng thời hạn [61, tr.33]. Phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc cùng các Bộ, ngành liên quan nhằm sơ kết, đánh giá, khẳng định kết quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước giai đoạn 2006 - 2014; chỉ ra những hạn chế, tồn tại, phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Vấn đề dân

tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc. Tất cả các Bộ, ngành đều có trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc quyết định sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Chúng ta thực hiện không tốt chính sách dân tộc là không ổn định và không ổn định thì không phát triển bền vững. Ổn định chính trị xã hội phải trên nền tảng là lòng tin của nhân dân ủng hộ chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, nhất trí và đồng thuận” [20].

Thứ ba, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc: Nhiệm vụ này được tiến hành thông qua các khâu cơ bản như: qua báo cáo của địa phương, của ngành liên quan nhằm tìm hiểu xem các hoạt động có được triển khai như kế hoạch hay không; qua kiểm tra, giám sát thực tế nhằm tìm hiểu xem các hoạt động dự trù được triển khai như thế nào tại thực tiễn thông qua các chuyến đi giám sát tại địa bàn.

Thứ tư là tổ chức các hoạt động cụ thể: như việc bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số; xây dựng các quy định quản lý đặc thù phù hợp; xây dựng chính sách có sự tham gia và phản hồi chính sách; tổ chức các cơ chế đặc thù do trong công tác dân tộc, có nhiều vấn đề có thể phát sinh do các sự khác biệt về văn hóa hoặc điều kiện vật chất trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Xây dựng cơ chế đặc thù nhằm giải quyết tốt các vấn đề phát sinh. Phần này sẽ được nói rõ hơn trong phần thực hiện chính sách dân tộc ở Đồng Nai như Kế hoạch đối với người Hoa, Khmer, Chăm…

Tóm lại, cách thức tổ chức thực hiện chính sách dân tộc là khâu cơ bản để tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc nói chung và ở tỉnh Đồng Nai nói riêng; việc nhận thức đúng và nắm rõ cách thức tổ chức thực hiện giúp cho việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từng bước phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch so với mặt bằng chung của tỉnh luôn là vấn đề được quan tâm ở Đồng Nai.

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đồng nai hiện nay (Trang 36)