Vai trò của chính sách, chính sách dân tộc

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đồng nai hiện nay (Trang 25)

7. Kết cấu của luận văn

1.1.3.Vai trò của chính sách, chính sách dân tộc

- Vai trò của chính sách

Nhà nước thực thi chức năng quản lý không chỉ bằng pháp luật mà còn bằng chính sách, cơ chế và các quy định thành văn mang tính thể chế và các chế tài tương ứng khác nhằm đạt được những mục tiêu phát triển, vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân và của cộng đồng xã hội nói chung. Do đó, chính sách là một trong những công cụ, phương tiện cần thiết của quản lý nhà nước. Việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách vừa phản ánh nội dung hoạt động quản lý nhà nước, vừa nói lên trình độ, năng lực cũng như hiệu lực thực tế của nhà nước.

Mặt khác, những mục tiêu chính sách đạt tới, kết quả thực hiện và hiệu quả thụ hưởng chính sách của các đối tượng nhất là đối với dân chúng, đó là những căn cứ quan trọng để để đánh giá một cách thực tế bản chất của nhà nước, của chế độ xã hội nói chung. Thông qua chính sách và thực hiện chính sách có thể đo lường được không chỉ trách nhiệm chính trị - xã hội của nhà nước đối với các công dân và cộng đồng nhân dân, cộng đồng dân tộc của mình mà còn thấy rõ trình độ phát triển của dân chủ, vị thế và năng lực làm chủ của dân - đối tượng quan trọng bậc nhất mà nhà nước phục vụ.

Chính sách và việc thực hiện chính sách, từ Trung ương tới địa phương và cơ sở, ở mọi cấp mọi ngành không chỉ là căn cứ thực tế để đánh giá năng lực quản lý của nhà nước mà còn có thể xem xét và dự báo triển vọng, xu hướng phát triển của nhà nước và xã hội, của cá nhân và cộng đồng. Ở nước ta, chủ thể hoạch định đường lối chính sách là Đảng và Nhà nước. Nhân dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng các lợi ích do chính sách mang lại mà còn có vị thế và vai trò ngày càng quan trọng trong việc hình thành chính sách, đặc biệt trong đánh giá chính sách với tư cách chủ thể.

Với sự phát triển của dân chủ và dân chủ hóa như một xu hướng khách quan của xã hội hiện đại, tiếng nói và hành động của người dân sẽ ngày càng được coi trọng. Bằng hình thức này hay hình thức khác, người dân tham dự vào đời sống chính trị, vào hoạt động quản lý nhà nước và tự quản cộng đồng ở cơ sở, bởi lẽ dân là chủ và dân làm chủ đã trở thành bản chất xã hội rộng lớn và sâu sắc của dân chủ. Chế độ dân chủ, theo đúng ý nghĩa lành mạnh của nó, là một chế độ ủy quyền của dân vào Nhà nước, đồng thời dân chúng phải thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra của mình đối với họat động của Nhà nước và hành vi của công chức đảm bảo cho quyền lực mà dân ủy thác được thực thi đúng đắn vì lợi ích chung, không bị biến dạng thành những phản dân chủ như lộng quyền, lạm quyền, quan liêu và tham nhũng.

Hồ Chính Minh từng khẳng định, nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều là của dân, bao nhiêu quyền hành cũng thuộc về dân, quyền hành và lực lượng đều ở trong dân. Dân có quyền làm chủ đồng thời cũng có nghĩa vụ trách nhiệm của người chủ. Không có dân tham gia thì Đảng và Chính phủ không có lực lượng, không có Đảng và Chính phủ (nói rộng ra là Nhà nước) thì không có người đứng ra tổ chức, hướng dẫn hoạt động nhằm phát huy mọi tài trí và sáng kiến của dân để phục vụ dân, chăm lo cuộc sống và phát triển sức dân. Mọi đường lối, chủ trương và chính sách đề ra chỉ nhằm vào mục đích đó, từ phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa đến củng cố chế độ chính trị và phát triển xã hội lành mạnh, tiến bộ, công bằng và văn minh, làm cho mọi người dân được hưởng quyền dân chủ mà họ xứng đáng được hưởng. Những tư tưởng dân chủ như thế của Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc tính pháp lý và tính nhân văn đã rọi sáng vào bản chất, mục đích của chính sách và thực hiện chính sách [5, tr.82].

Có thể nói, chính sách là nội dung hiện thực trực tiếp của chính trị. Một nền chính trị dân chủ thì hệ thống chính sách phải thể hiện nhất quán tư tưởng

thân dân và hành động vì dân, cái mà từ lâu, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, đó là đạo lý và đạo nghĩa lớn nhất của Chính phủ. Nói một cách cụ thể và thiết thực, mọi chính sách phải cùng hướng vào thực hiện quyền của dân, đáp ứng lợi ích, nhu cầu chính đáng hợp lý của dân, chăm lo dân sinh đi liền với nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền để phát triển dân chủ. Để an dân thì phải chăm lo chu đáo công việc an sinh và những đảm bảo an ninh cho dân chúng, để từng người dân, từng gia đình cho đến cả cộng đồng dân cư, xã hội được yên ổn, phấn khởi làm ăn sinh sống, góp sức lực và tài trí vào sự nghiệp chung, phát triển đất nước và dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo, do đó chính sách lại càng có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa sống còn. Mọi người dân của dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số trong cộng đồng đa dân tộc hay đa tộc người ở nước ta đều là đối tượng điều chỉnh và thụ hưởng của chính sách. Tất cả mọi chính sách đều phải là chính sách hướng tới phát triển, tiến bộ sao cho mọi người được sống với đời sống vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, xã hội ngày càng văn minh tiến bộ. Quy tụ lại, đó là hệ giá trị Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà mỗi người dân được hưởng, cộng đồng dân tộc, xã hội được hưởng một cách thiết thực, cụ thể theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Phấn đấu cho việc thực hiện những chính sách như thế là cả một quá trình lâu dài, là cả một sự nghiệp của tòan dân tộc, liên kết mọi nỗ lực và sức mạnh sáng tạo của từng cá thể lẫn cộng đồng dựa trên sự đòan kết, hợp tác, tương trợ và giúp nhau cùng phát triển [5, tr.82].

- Vai trò của chính sách dân tộc

Để đảm bảo công bằng, dân chủ, bình đẳng và tăng cường hợp tác giữa các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội ở các cộng đồng đa dân tộc miền núi hiện nay, cần xác lập và thực hiện tốt nhất chính sách dân tộc. Đây là chính sách kinh tế, chính sách xã hội được áp dụng, vận dụng vào vùng đồng bào dân tộc; là chính sách tộc người hay là chính sách chính sách giải quyết

các quan hệ dân tộc - tộc người trong cơ cấu dân tộc - quốc gia; là chính sách phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng những yêu cầu phát triển chung, tổng thể của quốc gia - dân tộc hay còn là những chính sách đặc thù mang tính tộc người, nhất là ở các vùng đa dân tộc - tộc người mà miền núi là một địa bàn phổ biến.

Hơn nữa chính sách và chính sách dân tộc không chỉ mang tính loại hình mà còn mang tính cấp độ, có chính sách ở tầm quốc gia thuộc thẩm quyền của Nhà nước Trung ương nhưng cũng có chính sách được thực thi ở địa phương do chính quyền địa phương ban hành và áp dụng, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật chung, đồng thời còn có sự vận dụng, thực hiện chính sách ở cơ sở, ở từng cộng đồng.

Theo đó, chính sách dân tộc, ở mức độ phổ biến và cao nhất, ở tầm chiến lược và phát triển lâu dài trùng hợp với đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc. Bình đẳng, tưong trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển hay tăng cường hợp tác trong phát triển, đó là những nguyên tắc, những chuẩn mực trong quan hệ giữa các tộc người, giữa tộc người đa số với các tộc người thiểu số, giữa các tộc người trong cùng một cộng đồng đa dân tộc, cùng làm ăn sinh sống trên một vùng lãnh thổ, một địa bàn cư trú ... hay bản thân nó cũng trở thành chính sách là nội dung của chính sách dân tộc. Vì vậy, để hiểu đúng và thực hiện đúng chính sách dân tộc, cần phải xác lập những tiền đề, những hướng tiếp cận chính sách dân tộc, hình dung rõ ràng những nội dung và những hình thức thể hiện, những cấp độ thuộc về quy mô, phạm vi tác động của chính sách dân tộc.

Để thực hiện chính sách cần phải có những điều kiện xác định, đặc biệt là những nguồn lực. Với sự phát triển của các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những điều kiện nguồn lực đó không chỉ bao gồm vật chất mà còn là văn hóa tinh thần, là nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực

chất lượng cao, từ đào tạo tại chỗ, tạo nguồn và phát triển nguồn đến hỗ trợ phát triển, đầu tư phát triển của Trung ương với một hệ thống nguồn lực và giải pháp, kể cả nguồn nhân lực được phân bố, luân chuyển sao cho hợp lý. Chính sách cũng không phải nhất thành bất biến. Nó cũng biến đổi theo thời gian, hòan cảnh và yêu cầu phát triển dưới tác động của tình hình trong nước, trong bối cảnh quốc tế. Đánh giá chính sách để điều chỉnh và phát triển nó, điều đó đòi hỏi rất công phu việc tổ chức điều tra, nghiên cứu, khảo sát và tổng kết thực tiễn, từ phát hiện vấn đề mà đề xuất chính sách và giải pháp.

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đồng nai hiện nay (Trang 25)