0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (197 trang)

Yêu cầu giao hàng thay thế

Một phần của tài liệu VI PHẠM CƠ BẢN THEO CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 126 -126 )

Mục đích của các bên khi ký kết hợp đồng là muốn các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng được thực hiện đúng, đầy đủ và thiện chí, mang lại lợi ích kinh tế cho mỗi bên. Đây chính là cơ sở thực tiễn của biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng, một biện pháp được áp dụng phổ biến khi có hành vi vi phạm hợp đồng.

Khoản 2 Điều 46 Công ước Viên cho phép người mua yêu cầu người bán giao hàng thay thế khi hàng hóa đã được giao không phù hợp với hợp đồng cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng. Cụ thể, khoản 2 Điều 46 Công ước Viên quy định: “Nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng thì người mua có thể yêu cầu người bán phải giao hàng thay thế nếu sự không phù hợp đó cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng và yêu cầu về việc thay thế hàng hoá phải được đưa ra cùng với việc thông báo theo Điều 39 hoặc trong một thời hạn hợp lí sau đó”.

Về mặt bản chất, yêu cầu giao hàng thay thế là hình thức trách nhiệm cụ thể của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng của người mua đối với người bán khi người bán vi phạm cơ bản hợp đồng. Khi người bán vi phạm hợp đồng, người mua có quyền áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng như yêu cầu giao hàng, yêu cầu giao hàng thay thế hoặc sửa chữa hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Tuy nhiên, vấn đề hàng hóa được giao không phù hợp hợp đồng quy định tại khoản 2 Điều 46 Công ước Viên liên quan tới việc vi phạm nghĩa vụ của người bán theo Điều 35. Trong bất cứ trường hợp nào, do việc người bán giao hàng thay thế có thể đưa đến hậu quả xấu, do gánh nặng tài chính bất cân xứng, và do người mua luôn có quyền đòi bồi thường nếu nhận hàng không phù hợp, nên khoản 2 Điều 46 Công ước Viên quy định điều kiện người mua được yêu cầu giao hàng thay thế sẽ dựa trên căn cứ sự không phù hợp của hàng hóa được giao cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Nói cách khác, người mua muốn

yêu cầu giao hàng thay thế phải là người chịu tổn hại đến mức bị tước đi đáng kể những gì mà anh ta có quyền kỳ vọng từ hợp đồng.

Như vậy, khoản 2 Điều 46 Công ước Viên áp dụng khi: (i) người bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng (giao hàng có chất lượng không phù hợp với hợp đồng, giao sai loại hàng, hàng được đóng gói không phù hợp hoặc giao hàng thiếu); (ii) Sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, tức là thỏa mãn các yếu tố quy định tại Điều 25; và (iii) người mua yêu cầu người bán thay thế hàng đã giao không phù hợp cùng với thông báo theo Điều 39 hoặc trong một thời hạn hợp lý sau đó. Nếu thỏa mãn những điều kiện trên thì khoản 2 Điều 46 trao cho người mua quyền yêu cầu người bán giao hàng thay thế.

Việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng thay thế được thể hiện rõ nét trong một số án lệ của Công ước Viên dưới đây:

Vụ Flexo label printing machine [214]: Người bán Đan Mạch và người mua Trung Quốc ký hợp đồng mua bán 9 máy in màu hiệu Flexo. Người mua đã thanh toán đầy đủ giá trị hợp đồng là 954,932 USD. Tuy nhiên, máy in được giao cho người mua không phù hợp với hợp đồng, cụ thể độ in chính xác vượt quá ±0.1 mm và tốc độ in thấp hơn 175m/phút. Điều này đã được khẳng định tại Biên bản làm việc giữa các bên, Phụ lục và Chứng nhận giám định hàng hóa. Người mua đã vài lần thông báo cho người bán biết về sự không phù hợp của máy in và yêu cầu người bán có biện pháp giải quyết. Người bán đã nhiều lần hứa giải quyết và cử cán bộ kỹ thuật đến sửa chữa và điều chỉnh máy in với sự hợp tác tích cực của người mua. Tuy nhiên, cuối cùng chất lượng máy in không phù hợp đã không được khắc phục trong thời gian và với nỗ lực hợp lý. Hội đồng trọng tài cho rằng, vì thế người mua không thể đạt được mục đích của hợp đồng, có nghĩa là kỳ vọng từ hợp đồng của người mua bị tước đi. Người bán hoàn toàn có thể tiên liệu được hậu quả này bởi vì các bên đã thỏa thuận rõ ràng về đặc điểm chính của máy in như độ chính xác và tốc độ in. Người bán không thể viện lý rằng anh ta không thể tiên liệu được hậu quả do việc giao hàng không phù hợp hợp đồng gây ra cho người mua. Sau khi người bán vi phạm hợp đồng, người mua đã gửi thông báo trong thời hạn quy định tại Điều 39 Công ước Viên. Vì thế, người mua có quyền yêu cầu thay thế máy in, có nghĩa là người mua có quyền yêu cầu người bán thay thế máy in hiệu Flexo đã giao không phù hợp với hợp đồng bằng máy in hiệu Flexo phù hợp với hợp đồng (máy mới).

Vụ Shoe leather [250]: Người mua Đức chào mua 4,400m2 da đặc biệt từ người ban Ba Lan để giao cho nhà máy sản xuất giày ở Đức. Người bán Ba Lan đã gửi chào hàng chào bán da theo yêu cầu của người mua dùng cho mục đích sản xuất giày cho quân đội Đức (Bundeswehr). Người mua chấp nhận chào hàng và người bán gửi hàng được đặt cho nhà máy sản xuất thứ ba. Người mua không kiểm tra hàng hóa sau khi hàng hóa đã được giao cho nhà sản xuất. Sau khi giày được sản xuất. Cơ quan quân nhu và bảo hộ kỹ thuật quốc phòng của Liên bang Đức thông báo rằng hàng hóa không phù hợp với mô tả của chào hàng. Người mua thông báo cho người bán rằng hàng không phù hợp, yêu cầu chứng nhận kiểm tra chất lượng và gia hạn thời gian cho người bán giao hàng thay thế. Trong lúc đó, nhà máy Bundeswehr đã gửi trả toàn bộ số giày (37,130 đôi). Người bán từ chối giao hàng thay thế và người mua gửi cho người bán tuyên bố hủy hợp đồng. Tòa tối cao tuyên rằng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng là vi phạm hợp đồng. Quy tắc này xuất phát từ Điều 35 Công ước quy định rằng đặc tính của hàng hóa phải phù hợp với hợp đồng. Việc giao hàng không đáp ứng những đặc tính đó cấu thành sự không phù hợp của hàng hóa với hợp đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ là sự không phù hợp của hàng hóa với hợp đồng không cho phép người mua yêu cầu người bán giao hàng thay thế theo khoản 2 Điều 46 Công ước Viên. Chế tài này chỉ được áp dụng khi sự không phù hợp đó cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 25. Điều 25 là quy định rất khó để giải thích vì nó gồm nhiều thuật ngữ mơ hồ. Đồng thời, điều 25 là quy định rất quan trọng bởi vì vi phạm cơ bản hợp đồng là cơ sở xác định chế tài nào được áp dụng, đặc biệt là chế tài yêu cầu giao hàng thay thế và hủy hợp đồng. Tuy nhiên, khi tự do lựa chọn chế tài, người mua phải tuân thủ hợp đồng và hành động thiện chí thì không nên yêu cầu người bán giao hàng thay thế trước và sau đó tuyên bố hủy hợp đồng mà không chờ người bán giao hàng thay thế [146, tr.78].

Người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản nếu sự không phù hợp đó tước đi của người mua những gì người mua có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Vi phạm cơ bản để áp dụng chế tài yêu cầu giao hàng thay thế quy định tại khoản 2 Điều 46 phải được xác định giống như căn cứ hủy hợp đồng theo điểm a, khoản 1 Điều 49 và phù hợp với quy định chung tại Điều 25.

Yêu cầu người bán giao thay thế số hàng hoá không phù hợp hợp đồng đã giao thực chất là yêu cầu người bán thực hiện lại nghĩa vụ theo đúng thoả thuận ban đầu.

Tuy nhiên, kể cả khi các điều kiện để được yêu cầu giao hàng thay thế theo khoản 2, Điều 46 Công ước Viên (như vi phạm cơ bản, hàng nhận đã được trả lại, v.v…) đã được đáp ứng, và mặc dù người mua sẵn sàng trả lại số hàng đã nhận trước đó, thì toà án cũng không bị bắt buộc phải yêu cầu người bán giao hàng thay thế nếu biện pháp này không được sử dụng theo luật mua bán nội địa tương ứng [11, Điều 28].

Điều 46 không chỉ dừng ở quy định trao cho người mua quyền yêu cầu người bán giao hàng thay thế hàng hóa không phù hợp khi sự không phù hợp đó cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Khoản 3 Điều 46 Công ước Viên cho phép người mua được quyền yêu cầu người bán đưa ra biện pháp sửa chữa, khắc phục tình trạng không phù hợp của hàng hóa đã được giao không đúng hợp đồng.

Ngoài việc đáp ứng điều kiện trên, người mua có yêu cầu giao hàng thay thế phải sẵn sàng trả lại số hàng hoá không phù hợp mà họ đã nhận. Điều này cũng có nghĩa người mua (luôn luôn) mất quyền yêu cầu người bán phải giao hàng thay thế nếu họ không thể trả lại hàng hóa trong tình trạng về thực chất giống như tình trạng khi họ nhận hàng đó, trừ khi: (i) việc không thể hoàn lại hàng hóa hoặc không thể hoàn lại hàng hóa trong tình trạng về cơ bản giống như tình trạng hàng hóa khi người mua nhận được không phải là do hành động hay sơ suất của người mua; (ii) hàng hóa hoặc một phần hàng hóa không thể sử dụng được hoặc bị hư hỏng; (iii) người mua đã bán trong điều kiện kinh doanh thông thường hay đã tiêu dùng hoặc biến đổi toàn bộ hay một phần hàng hóa theo cách sử dụng thông thường trước khi phát hiện ra hoặc phải phát hiện ra sự không phù hợp của hàng hóa [11, Điều 82].

Từ những phân tích trên có thể rút ra một số nhận xét sau:

(1) Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng nhằm bảo vệ quan hệ hợp đồng và giúp các bên đạt được những lợi ích mà họ hướng đến khi giao kết hợp đồng: người mua có hàng hóa – đối tượng của hợp đồng, người bán được thanh toán giá hàng hóa. Điều đó có nghĩa là, với biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng, kỳ vọng của các bên từ hợp đồng được đáp ứng. Khi người bán vi phạm hợp đồng, người mua có quyền áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng như yêu cầu người bán giao hàng, giao hàng thiếu, giao đúng loại hàng, sửa chữa, khắc phục sự khiếm khuyết của hàng hóa hoặc yêu cầu giao hàng thay thế. Tuy nhiên, không phải lúc nào và với vi phạm nào của người bán, người mua cũng có thể “tùy tiện” áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng

hợp đồng bằng cách yêu cầu người bán giao hàng thay thế mà chỉ khi hành vi giao hàng không phù hợp đó của người bán cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng.

(2) Khi người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, tức là hành vi vi phạm này của người bán đã tước đi đáng kể những gì người mua có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Như vậy, lợi ích mà người mua hướng tới không thể đạt được. Lúc này, người mua có thể lựa chọn chế tài nhằm chấm dứt quan hệ hợp đồng với người bán. Tuy nhiên, với mục đích giúp các bên duy trì quan hệ hợp đồng, bảo vệ hợp đồng MBHHQT được giao kết giữa các bên, Công ước Viên quy định trong trường hợp này người mua có quyền yêu cầu người bán giao hàng thay thế như cách thức để người mua “toại nguyện”, “đạt được những gì họ kỳ vọng” từ hợp đồng mà không ảnh hưởng đến quan hệ hợp đồng giữa các bên và hợp đồng vẫn có thể tiếp tục được thực hiện chứ không bị hủy. Buộc thực hiện đúng hợp đồng chỉ là một hệ quả của hiệu lực ràng buộc thực hiện hợp đồng hợp pháp: bên có nghĩa vụ cam kết cung cấp cho bên có quyền một lợi ích và hiệu lực ràng buộc thực hiện hợp đồng buộc bên có nghĩa vụ cung cấp lợi ích này cho bên có quyền. Điều này cũng thể hiện yêu cầu các bên cũng như cơ quan giải quyết tranh chấp “tôn trọng” hợp đồng, tức là yêu cầu giao hàng thay thế khi sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng là giải pháp phù hợp với ý chí chung của các bên, tạo điều kiện cho ý chí chung được thực hiện, được tôn trọng.

(3) Công ước đưa ra “ngoại lệ” đối với việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng thay thế khi “không thể trả lại hàng hóa trong tình trạng về thực chất giống như tình trạng khi họ nhận hàng đó”, trừ trường hợp hàng hóa bị hư hỏng hoặc không sử dụng được, do hành động hay sơ suất của người mua hoặc người mua đã bán hay đã tiêu dùng hay làm biến đổi tình trạng ban đầu của hàng hóa. Ngoại lệ này thể hiện yêu cầu giao hàng thay thế là không thể thực hiện được hay nói cách khác người mua mất quyền yêu cầu giao hàng thay thế. Quy định này phần nào bảo vệ cho quyền lợi của người bán khi bị yêu cầu giao hàng thay thế.

Kết luận Chương 4

Vi phạm cơ bản hợp đồng vừa là căn cứ để hủy hợp đồng do không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, do hàng hóa được giao có chất lượng không phù hợp với hợp đồng, vừa là căn cứ để hủy hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước và yêu cầu

giao hàng thay thế. Từ phân tích quy định và thực tiễn về hệ quả pháp lý khi có vi phạm cơ bản có thể kết luận rằng:

(1) Hệ quả pháp lý do vi phạm cơ bản hợp đồng thường là hủy hợp đồng. Các hành vi vi phạm hợp đồng như không giao hàng, không giao chứng từ liên quan đến hàng hóa, không thanh toán, không nhận hàng trong thời hạn quy định của hợp đồng và Công ước hoặc sau thời hạn gia hạn thêm đều thỏa mãn các yếu tố quy định tại Điều 25 và cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Lúc này, hủy hợp đồng là hệ quả pháp lý tất yếu. Tuy nhiên, đối với trường hợp hàng hóa được giao không phù hợp thì quyền hủy hợp đồng của người mua bị giới hạn bởi khả năng khắc phục vi phạm cơ bản của người bán mà không mang lại cho người mua chi phí bất hợp lý nào. Điều này cho thấy quyền lợi của người bán và người mua được Công ước Viên điều chỉnh một cách “bình đẳng”, không “thiên vị”.

(2) Sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng có thể dẫn đến hệ quả pháp lý là người mua yêu cầu người bán thay thế hàng được giao không phù hợp với hợp đồng. Đây được xem như giải pháp duy trì quan hệ hợp đồng giữa các bên bởi “Hợp đồng sinh ra không phải để bị triệt tiêu (bị hủy) mà là để được thực hiện nhằm đem lại cho các bên lợi ích hợp pháp mà họ mong đợi. Chính vì vậy, trước việc không thực hiện đúng hợp đồng, chúng ta cần ưu tiên nghiên cứu và sử dụng những biện pháp cho phép hợp đồng được thực hiện đầy đủ để đem lại cho các bên lợi ích hợp pháp mà họ mong đợi như buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng; những biện pháp làm triệt tiêu hợp đồng sẽ được nghiên cứu, và chỉ nên được sử dụng, như biện pháp cuối cùng” [22, tr.212].

(3) Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, PICC và PECL, Công ước Viên cho phép hủy hợp đồng trước thời hạn, tức là quy tắc về vi phạm hợp đồng dự đoán trước đã được chấp nhận trong Công ươc Viên. Tuy nhiên, điều kiện để hủy hợp đồng trước thời hạn là phải có rõ ràng hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng hoặc có lý do xác đáng để tin rằng vi phạm cơ bản hợp đồng sẽ xảy ra đối với lần giao hàng trong tương lai.

Một phần của tài liệu VI PHẠM CƠ BẢN THEO CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 126 -126 )

×