Khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Một phần của tài liệu Vi phạm cơ bản theo công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam (Trang 25)

Cùng với sự tác động của quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế và sự thiết lập các khuôn khổ pháp lý song phương và đa phương về thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa giữa các cá nhân, tổ chức không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà đã vươn ra phạm vi quốc tế. Phương tiện pháp lý cơ bản để các cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động mua bán hàng hóa trong phạm vi quốc tế là hợp đồng MBHHQT.

Về mặt thuật ngữ, đến nay, theo những cứ liệu thu thập được thì chưa có Từ điển chuyên ngành Luật nào đưa ra giải thích thuật ngữ “hợp đồng MBHHQT”, có chăng chỉ là việc giải thích các thuật ngữ cấu thành thuật ngữ “hợp đồng MBHHQT”, đó là “hợp đồng”, “mua bán”, “hàng hóa”, “mua bán hàng hóa”…

Về phương diện học thuật, ở trong nước, đã có một số tác giả đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT. Chẳng hạn, theo tác giả Trương Văn Dũng, hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận có hiệu lực bắt buộc giữa các bên có trụ sở thương mại đóng ở các nước khác nhau, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa và chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua, bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền hàng cho bên bán [17, tr.10]. Người viết cho rằng, khái niệm này chưa làm rõ được cơ sở xác định “hiệu lực bắt buộc” ở đây là theo quy định của pháp luật nào bởi tính chất quốc tế của hợp đồng thì rất nhiều nguồn luật khác nhau có thể cùng điều chỉnh hợp đồng MBHHQT. Bên cạnh đó, bản thân hợp đồng mua bán hàng hóa đã là sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua, sự thỏa thuận này phải đảm bảo tuân thủ quy

định pháp luật điều chỉnh hợp đồng thì nó trở thành “luật” giữa các bên đối với nhau. Vì vậy, sự nhấn mạnh “hiệu lực bắt buộc” của hợp đồng MBHHQT là không cần thiết.

Tác giả Lê Thị Nam Giang cho rằng “Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, theo đó bên bán có nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền” [27, tr.268]. Khái niệm này chưa thực sự thuyết phục bởi tài sản là khái niệm rộng, trong đó bao gồm hàng hòa. Hàng hóa là một loại tài sản cụ thể nhưng tài sản thì chưa hẳn đã là hàng hóa.

Xét về khía cạnh pháp luật thực định thì pháp luật của một số quốc gia trên thế giới và văn bản pháp lý quốc tế đã có những quy định không giống nhau về hợp đồng MBHHQT, ví dụ:

- Điều 56 Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh quy định hợp đồng MBHHQT là hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các bên có trụ sở thương mại (nếu không có trụ sở thương mại thì là nơi cư trú) nằm trên lãnh thổ ở các nước khác nhau và thỏa mãn các điều kiện sau: (a) Hợp đồng bao gồm mua bán hàng hóa, mà tại thời điểm ký kết hợp đồng, hàng hóa được chuyên chở từ lãnh thổ của quốc gia này sang lãnh thổ của quốc gia khác; (b) Chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng được lập trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau; hoặc (c) Việc giao hàng được thực hiện trong lãnh thổ quốc gia khác với lãnh thổ quốc gia chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng. Như vậy, theo pháp luật Anh Quốc, hợp đồng MBHHQT, trước hết, là hợp đồng mua bán hàng hóa, tức là hợp đồng theo đó người bán chuyển giao hoặc đồng ý chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho người mua để nhận tiền tương ứng gọi là giá cả [153, Điều 3]. Cơ sở để xác định hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng MBHHQT là căn cứ vào ba yêu cầu nêu ra tại Điều 56 ở trên. Để được xem là hợp đồng MBHHQT, không chỉ đơn thuần là hợp đồng được giao kết giữa những bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau mà hoạt động mua bán hàng hóa được thực hiện từ lãnh thổ quốc gia này sang lãnh thổ quốc gia khác, chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng được lập trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau. Rõ ràng, quy định nói trên của Luật mua bán hàng hóa năm 1979 đã thể hiện việc sử dụng tiêu chí “trụ sở thương mại” làm cơ sở xác định một hợp đồng là hợp đồng MBHHQT hay hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước.

- Ở Hoa Kỳ, Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 không trực tiếp đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT nhưng đưa ra định nghĩa về giao dịch quốc tế tại Điều 1-301, theo đó giao dịch quốc tế là giao dịch có mối quan hệ hợp lý với quốc gia khác với Hoa Kỳ. Và mua bán chính là việc chuyển giao quyền sở hữu từ người bán sang người mua để nhận tiền. Bộ luật thương mại thống nhất của Hoa Kỳ, tuy không trực tiếp đưa ra tiêu chí để xác định hợp đồng MBHHQT nhưng việc định nghĩa giao dịch quốc tế đã thể hiện của tiêu chí “trụ sở thương mại” ở các nước khác nhau.

Mặc dù các quy định được diễn đạt khác nhau nhưng hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Anh và Hoa Kỳ đều là sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa từ người bán sang người mua để đổi lại khoản tiền tương ứng. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng MBHHQT khi hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết bởi các bên có “trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau”.

Ở phạm vi quốc tế, mặc dù, Công ước Viên không quy định về khái niệm hợp đồng MBHHQT nhưng Điều 1 của Công ước đã gián tiếp xác định phạm vi của hợp đồng MBHHQT như sau: “1. Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau…2. Sự kiện các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau không tính đến nếu sự kiện này không xuất phát từ hợp đồng, từ các mối quan hệ đã hình thành hoặc vào thời điểm ký hợp đồng giữa các bên hoặc là từ việc trao đổi thông tin giữa các bên…”. Như vậy, cơ sở duy nhất để xác định hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên là trụ sở thương mại của các bên phải đặt tại các quốc gia khác nhau mà không phụ thuộc vào địa điểm ký kết hợp đồng và cũng không xét đến việc hàng hóa có được dịch chuyển qua biên giới hay không.

Từ quy định tại Điều 1, kết hợp với quy định tại Điều 40, Điều 53 Công ước có thể hiểu hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên có trụ sở thương mại đặt tại các nước khác nhau, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chuyển giao chứng từ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người mua) và người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng.

Bên cạnh Công ước viên, PICC đưa ra những quy phạm chung, chủ yếu áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế. PICC không đưa ra một định nghĩa rõ ràng, nhưng khái niệm hợp đồng thương mại phải được hiểu theo một nghĩa rộng nhất có thể

được, không chỉ bao gồm các giao dịch thương mại nhằm cung cấp hay trao đổi hàng hóa hay dịch vụ, mà còn bao gồm các hình thức giao dịch kinh tế khác như các hợp đồng về đầu tư và/hoặc ủy thác, các hợp đồng cung cấp các dịch vụ chuyên môn [10, tr.36]. Tính chất quốc tế của một hợp đồng thương mại, theo PICC, được xác định bằng nhiều cách. Pháp luật quốc gia và quốc tế đưa ra nhiều giải pháp, từ việc căn cứ vào trụ sở hay nơi cư trú thường xuyên của các bên tại các quốc gia khác nhau đến việc áp dụng những tiêu chí tổng quát hơn [35, tr.76]. PICC không nhấn mạnh bất kỳ tiêu chí xác định tính quốc tế của hợp đồng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tính quốc tế của hợp đồng thương mại nói chung, hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng cần được giải thích theo nghĩa rộng nhất có thể, chỉ loại trừ những trường hợp không có bất kỳ một yếu tố quốc tế nào, nghĩa là khi tất cả các yếu tố cơ bản của hợp đồng chỉ liên quan đến một quốc gia [10, tr.35].

Ở Việt Nam, hợp đồng MBHHQT, trước khi Luật Thương mại ra đời, còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau như: hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương [50], hợp đồng mua bán ngoại thương [56], hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài…

Luật Thương mại có một chương quy định về mua bán hàng hóa (Chương II), trong đó chỉ có bảy điều luật quy định riêng về MBHHQT và không có điều luật nào xác định cụ thể, trực tiếp về khái niệm và phạm vi nội hàm của hợp đồng MBHHQT. Tuy nhiên, dựa vào quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại và Điều 428 Bộ luật dân sự, có thể rút ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa như sau: Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán. Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa là dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản trong pháp luật dân sự (theo nghĩa rộng) [2, tr.4].

Luật Thương mại cũng không quy định về khái niệm hợp đồng MBHHQT hoặc yếu tố quốc tế, nước ngoài của hợp đồng mua bán hàng hóa mà chỉ quy định về MBHHQT tại Điều 27 như sau: “1. MBHHQT được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. 2. MBHHQT phải thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Như vậy, khoản 1 Điều 27 Luật thương mại đã liệt kê các hình

thức cụ thể của việc mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm 5 hình thức: xuất khẩu; nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu.

Từ đó, có thể suy luận rằng hợp đồng MBHHQT theo pháp luật Việt Nam là văn bản thỏa thuận của các cá nhân, tổ chức trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. Hai hay nhiều bên tham gia giao dịch MBHHQT - một loại giao dịch dân sự hoặc giao kết hợp đồng MBHHQT theo pháp luật Việt Nam có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài; có nơi cư trú hoặc trụ sở ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Nghĩa là, theo quy định của Luật Thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa được coi là MBHHQT không phụ thuộc vào nơi cư trú, trụ sở hay quốc tịch. Luật Thương mại lấy tiêu chí vận chuyển hàng hóa qua biên giới để xác định quan hệ mua bán hàng hóa là MBHHQT.

Mặt khác, Điều 758 Bộ luật dân sự quy định: “Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc là quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Như vậy, khái niệm “MBHHQT” với tư cách là hoạt động thương mại hoặc quan hệ thương mại theo khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại có phạm vi hẹp hơn so với “mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài” xuất phát từ khái niệm “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” theo Điều 758 Bộ luật dân sự. Căn cứ quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại Điều 758 Bộ luật dân sự, chúng ta có thể xác định các dấu hiệu của quan hệ MBHHQT hay có “yếu tố nước ngoài” như sau:

- Ít nhất một trong các bên tham gia mua bán hàng hóa là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hóa là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ này theo pháp luật nước ngoài;

- Hàng hóa – đối tượng mua bán ở nước ngoài.

Trong khi đó, MBHHQT theo Luật Thương mại chỉ căn cứ vào tiêu chí duy nhất là hàng hóa được vận chuyển qua biên giới [5, tr.5]. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại, “hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự” nên việc

xác định hợp đồng MBHHQT cần vận dụng cả khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại và Điều 758 Bộ luật dân sự.

Từ nhận thức trên, có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT như sau: Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế hay có yếu tố nước ngoài, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chứng từ liên quan hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người mua) và người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng.

Một phần của tài liệu Vi phạm cơ bản theo công ước viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật việt nam (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)