Giải pháp đối với nguồn nguyên liệu đầu vào

Một phần của tài liệu Chuỗi cung ứng mặt hàng cá tra, cá basa xuất khẩu vào thị trường mỹ thực trạng và giải pháp (Trang 65)

Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2013, tình trạng thiếu cá Tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, người nuôi cá và nhà cung cấp giống và thức ăn có thể được xem là giải pháp khả quan nhất cho tới thời điểm này. Phải xây dựng được mối liên kết bền vững trên cơ sở hợp tác tự nguyện giữa chính quyền, ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng cung cấp và tiếp nhận thông tin để mỗi khi gặp khó khăn phát sinh, cùng hợp lực giải quyết.

Về phía người nuôi: Người nuôi nên tổ chức lại sản xuất theo hướng quản lý cộng đồng thông qua việc thành lập các hợp tác xã, cùng hỗ trợ và giám sát lẫn nhau trong việc ứng dụng các quy trình nuôi tiên tiến để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo yêu cầu thị trường với giá thành hợp lý có khả năng cạnh tranh cao.

Về phía doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu: Doanh nghiệp cần minh bạch trong việc cung cấp các thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho người nuôi đồng thời lấy việc cải tiến nâng cao giá trị sản phẩm, chủ động sáng tạo phát triển, mở rộng thị trường và quan tâm chia sẻ quyền lợi với người nuôi là phương châm kinh doanh để góp phần phát triển ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến cần đoàn kết lại và thành lập những hội, đoàn, tập đoàn kinh tế để hỗ trợ lẫn nhau trong chế biến, trong cân đối nguồn nguyên liệu, bảo quản và điều tiết giá thị trường, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại kinh tế cho sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Chuỗi liên kết là một hướng đi bền vững đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng nguyên liệu và sản phẩm, đồng thời mang lại lợi ích cho cả hai bên và cả toàn ngành nói chung:

- Người nông dân: có ao, có đất, có nhân lực nhưng không có vốn để đầu tư, không có nguồn để đảm bảo tiêu thụ cá thành phẩm một cách ổn định và giá cả cá thành phẩm biến động phụ thuộc vào thị trường.

- Doanh nghiệp: có vốn, có thông tin về khách hàng và cần nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo về chất lượng, có cán bộ hiểu biết sâu rộng về kĩ thuật nuôi trồng...

Chuỗi liên kết sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm gánh nặng phải lo về vùng nuôi, tận dụng nguồn lực trong nông dân từ vốn, tay nghề, chia sẻ rủi ro cùng người nuôi và tránh được rủi ro khi thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, để có thể xây dựng chuỗi để liên kết này bền vững và đảm bảo chất lượng ngyên liệu đầu vào thì cần phải có hợp đồng cụ thể giữa người nuôi trồng và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để hai bên có trách nhiệm và chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro để cùng tồn tại. Trong hợp đồng phải nêu rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mỗi bên để tránh tranh chấp sau này. Trong quá trình lập hợp đồng, doanh nghiệp không được cố ý che giấu thông tin, dùng thủ đoạn nhằm trục lợi, lừa dối người nông dân và ngược lại, người dân cũng phải thật trung thực trong quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở

cung cấp con giống, nhà cung cấp thức ăn phải có cam kết với doanh nghiệp đảm bảo chất lượng con giống và chất lượng thức ăn như đã công bố. Đồng thời qua đó cũng ràng buộc được trách nhiệm nhà cung cấp thức ăn và cơ sở cung cấp con giống liên kết ổn định lâu dài. Trong các hợp đồng cần phải có những ràng buộc cụ thể như:

Doanh nghiệp liên tục theo dõi và kiểm tra định kì vùng nuôi, một mặt là để bảo đảm nguồn vốn của mình được dùng hiệu quả, mặt khác vừa có thể điều chỉnh kịp thời khi có sai sót hay vi phạm. Những việc làm này không đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức và cũng không tốn quá nhiều nguồn lực nên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được.

Đến kỳ thu hoạch, nếu sản lượng thừa so với hợp đồng thì phần thừa đó người dân sẽ được hưởng. Điều này sẽ khuyến khích người dân có trách nhiệm và tâm huyết hơn trong suốt quá trình nuôi. Nếu sản lượng không đạt mục tiêu thì tùy vào nguyên nhân mà phân bổ trách nhiệm thuộc về bên nào.

Doanh nghiệp cung cấp vốn cho người nuôi ứng với từng công đoạn trong suốt quá trình nuôi. Không đưa hết cho người dân một lần trước khi nuôi để tránh không quản lý được vốn và cũng không để đến khi thu hoạch mới trả vốn cho người nuôi, làm người nuôi gặp khó khăn về tài chính trong suốt quá trình nuôi. Việc rót vốn phải đi cùng với từng giai đoạn nhằm đảm bảo kiểm soát được nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi.

Bên cạnh đó, trong dài hạn, các doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng và mở rộng thêm các vùng nuôi theo kỹ thuật như: thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), bảo vệ môi trường, xã hội, bảo đảm an sinh động vật và an toàn thực phẩm (ASC), ngư trường bền vững, quản lý và khai thác có trách nhiệm (MSC CoC). Đồng thời, cần mã số hóa vùng nuôi, tạo cơ sở để các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện việc ghi xuất xứ sản phẩm trên bao bì và thương hiệu hàng hóa. để cung cấp đủ nguồn nguyên cho sản xuất chế biến và xuất khẩu. Việc làm này cần vốn và thời gian nên để có thể tiến hành thì ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần lên kế hoạch cụ thể trong

việc tiết kiệm tài chính, xây dựng lộ trình và đặt mục tiêu cụ thể gắn với những mốc thời gian nhất định.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào thì cần phải cải thiện mạnh về chất lượng giống bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc nuôi vỗ cá bố mẹ, quy trình sản xuất giống ở tất cả các cơ sở để bảo đảm tính ổn định về di truyền của cá tra. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người nuôi cá giống có giấy chứng nhận chất lượng giống sạch, quy hoạch các trại sản xuất giống theo khu vực nhằm chủ động cung ứng cá giống cho các vùng nuôi, góp phần giảm chi phí vận chuyển và chủ động kiểm soát được nguồn giống tại chỗ. Vùng nuôi phải theo quy hoạch cấp phép hoặc cấp mã số nhận diện theo hồ sơ đăng ký mã số, quản trị chất lượng.

Một phần của tài liệu Chuỗi cung ứng mặt hàng cá tra, cá basa xuất khẩu vào thị trường mỹ thực trạng và giải pháp (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(84 trang)
w