Công tác bảo đảm tiền vay có được thực hiện tốt và an toàn hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ tín dụng. Vì đây là những người trực tiếp tham gia vào quá trình bảo đảm tiền vay, từ khâu tiếp xúc, thẩm định, quyết định mức cho vay đến hình thức bảo đảm …Do đó nếu những phân tích, nhận định của cán bộ tín dụng thiếu chính xác sẽ dẫn đến rủi ro trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Chính vì vậy một đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có am hiểu thị trường cùng đạo đức nghề nghiệp – luôn là đòi hỏi quan trọng và trước hết đối với một ngân hàng trong hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động bảo đảm tiền vay nói riêng. Do vậy,để thành công trong con đường hội nhập, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu.
Việc nâng cao trình độ của cán bộ tín dụng có thể được thực hiện từ khâu tuyển dụng, đào tạo và bố trí. Hiện nay tại chi nhánh, đây cũng là năm đầu tiên triển khai chính sách tuyển dụng sinh viên thực tập, tuy nhiên vì là năm đầu tiên triển khai thực hiện nên còn nhiều bất cập. Do đó, cần hoàn thiện hơn nữa trong các năm tiếp theo để có thể tuyển dụng được các cán bộ thực sự ưu tú cho ngân hàng. Đối với những cán bộ tín dụng tại chi nhánh, cần kết hợp giữa đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ để đổi mới phong cách, lề lối làm việc cho năng động, hiệu quả hơn với việc đào tạo bên ngoài như cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của NHNN, của chính phủ, của chính ngân hàng mình…nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành cũng như việc nắm bắt, cập nhật các văn bản luật mới … của cá cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mặt khác, hầu hết các cán bộ chi nhánh đều tốt nghiệp từ các khối kinh tế nên việc thẩm định các dự án, công trình, máy móc thiết bị… sẽ gặp khó khăn. Do đó, chi nhánh cần cử những cán bộ đi tham gia các lớp nghiệp vụ về kỹ thuật, xây dựng để từ đó giúp các cán bộ tín dụng chủ động hơn trong thẩm định, định giá một cách toàn diện hơn về tài sản bảo đảm .
Bên cạnh đó, phải không ngừng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nhân viên đi học trong nước và quốc tế bằng cách giảm bớt khối lượng công việc cũng như hỗ trợ một phần học phí…Tuy nhiên việc đào tạo này phải đem lại hiệu quả thực sự cho ngân hàng, chính vì vậy việc đào tạo cán bộ phải trọng điểm, đào tạo có chọn lọc, tránh tràn lan, lãng phí.
Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, khuyến khích các bài tham luận về những khó khăn, vướng mắc cũng như những kinh nghiệm quý báu, thiết thực trong công tác bảo đảm tiền vay. Trên cơ sở giúp cho những người quản lý có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân viên, cũng như những bất cập cần sửa đổi, từ đó đưa ra các biện pháp kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động bảo đảm tiền vay nói riêng. Bên cạnh đó, việc phân công việc phải hợp lý để cho cán bộ đó có thể phát huy hết được năng lực, sở trường của mình.
Thường xuyên kiểm tra, hoặc đôi khi cũng có thể tiến hành đột xuất để phát hiện được những gian lận, sai sót do các bộ phận trong chính chi nhánh tạo ra.
Định kỳ, đánh giá lại chất lượng cán bộ để có hướng sắp xếp cán bộ cho phù hợp với trình độ chuyên môn, cũng như có kế hoạch điều chuyển hoặc tuyển nhân viên mới. Đồng thời trên kết quả đánh giá đó, chi nhánh phải có chế độ thưởng phạt công minh đối với thành tích và khuyết điểm của từng cá nhân, bộ phận để kích thích hiệu quả và chất lượng công việc.