TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC

Một phần của tài liệu Tài liệu cương bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh ppt (Trang 27 - 29)

1. Hồ Chí Minh và nền đạo đức mới Việt Nam

1.1. Đạo đức, một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng

- Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, nhà lãnh tụ cách mạng bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức.

- Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, động cơ và hiệu quả, giữa lý luận và thực tiễn đã trở thành một đặc trưng nổi bật của Hồ Chí Minh.

1.2. Nguồn gốc tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

- Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, đồng thời kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông, những tinh hoa đạo đức nhân loại; đặc biệt là tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức trong sáng của Mác-Ăngghen-Lênin.

- Hồ Chí Minh sử dụng những khái niệm, những phạm trù đạo đức đã từng quen thuộc với dân tộc Việt Nam từ lâu đời, đưa vào đó những nội dung mới, đồng thời bổ sung những khái niệm, những phạm trù đạo đức của thời đại mới.

1.3. Một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam

- Hồ Chí Minh đã thực sự làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam. Từ Hồ Chí Minh, nền đạo đức Việt Nam đã mang bản chất mới và được Người gọi là đạo đức

mới, đạo đức cách mạng.

- Đạo đức mới đã lật ngược lại các kiểu đạo đức cũ của các giai cấp thống trị, áp bức bóc lột nhân dân lao động.

- Đó là đạo đức mang bản chất giai cấp công nhân, kết hợp với những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa đạo đức của nhân loại.

1.4. Vị trí đạo đức trong đời sống của con người và xã hội

- Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối.

- Đạo đức là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Quan điểm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Đức là gốc, nhưng đức và tài, hồng và chuyên phải kết hợp, phẩm chất và năng lực phải đi đôi.

1.5. Phạm vi bao quát của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

- Đối với mọi đối tượng

- Trên mọi lĩnh vực hoạt động của con người - Trên mọi phạm vi

- Trong cả ba mối quan hệ chủ yếu của mỗi người - đối với mình, đối với người, đối với việc.

2. Những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới

2.1. Trung với nước, hiếu với dân

- Về quan hệ đạo đức thì mối quan hệ của mỗi người với đất nước mình, với nhân dân, dân tộc mình là mối quan hệ lớn nhất. Về phẩm chất đạo đức thì trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất.

- Trung, hiếu là những khái niệm đã có trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam và phương Đông đã được Hồ Chí Minh sử dụng và đưa vào nội dung mới.

- Trung với nước, hiếu với dân là phải đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, phải ra sức phấn đấu để thực hiện, hoàn thành bằng được mọi nhiệm vụ mà nhân dân giao phó… Hơn nữa, với mỗi cán bộ, đảng viên, phải tận trung, tận hiếu thì mới xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là đày tớ thật trung thành của nhân dân.

2.2. Yêu thương con người

- Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất.

- Tình thương yêu con người là tình cảm rộng lớn, trước hết giành cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức, bóc lột.

- Tình yêu thương con người còn được thể hiện trong mối quan hệ bạn bè, đồng chí, với mọi người bình thường trong quan hệ hàng ngày.

- Tình thương yêu con người còn thể hiện đối với những người có sai lầm khuyết điểm nhưng đã nhận rõ khuyết điểm sai lầm và cố gắng sửa chữa, kể cả đối với những người lầm đường lạc lối đã hối cải, với những kẻ thù bị thương, bị bắt hoặc đã chịu quy hàng.

- Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đây là tình thương yêu trên nguyên tắc tự phê bình và phê bình một cách chân thành, nghiêm túc giữa những người cùng lý tưởng, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung.

- Tình yêu thương con người phải được biến thành những hành động cách mạng cụ thể.

2.3. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư

- Đây là những phẩm chất đạo đức được Hồ Chí Minh đề cập một cách thường xuyên nhất vì nó gắn với hoạt động hàng ngày của mọi người.

- Hồ Chí Minh đã sử dụng những khái niệm cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của đạo đức phương Đông và đạo đức truyền thống Việt Nam.

- Mỗi chữ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã được Hồ Chí Minh giải thích rất rõ, rất cụ thể, dễ hiểu đối với mọi người:

+ Cần: cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm.

+ Kiệm: tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình.

+ Liêm: “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”.

+ Chính: “nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn”

+ Chí công vô tư về thực chất, là sự tiếp nối cần, kiệm, liêm, chính: “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”.

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có quan hệ mật thiết với nhau. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư; ngược lại đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng, thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính, và có được nhiều đức tính tốt khác.

2.4. Tinh thần quốc tế trong sáng

- Chủ nghĩa quốc tế là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của đạo đức cộng sản chủ nghĩa.

- Tinh thần quốc tế trong sáng là tinh thần quốc tế vô sản: “bốn phương vô sản đều là anh em”:

+ Đó là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước. + Đó là tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam với tất cả những người tiến bộ trên thế giới vì hoà bình, công bằng và tiến bộ xã hội.

- Chủ nghĩa quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, hơn nữa phải là chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

3. Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới

3.1. Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức

- Đây là một trong những nét đẹp của truyền thống văn hoá phương Đông. Với người phương Đông, “một tấm gương sống còn hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

- Đối với mỗi người, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mình và có tác dụng đối với người khác. Nếu nói nhiều làm ít, nói mà

không làm, thậm chí nói một đằng làm một nẻo thì chỉ đem lại những hậu quả phản tác dụng.

- Không ở lĩnh vực nào vấn đề nêu gương lại được đặt ra như trong lĩnh vực đạo đức: trong gia đình, nhà trường, xã hội.

- Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương chung cho cả dân tộc, nhưng còn rất nhiều những tấm gương “người tốt việc tốt” rất gần gũi trong đời thường mà chúng ta cũng cần học tập.

3.2. Xây đi đôi với chống

- Muốn xây dựng đạo đức mới thì cùng với việc xây dựng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện sai trái xấu xa, những hiện tượng vẫn thường gọi là tệ nạn, tiêu cực, thoái hoá, biến chất.

- Xây dựng những phẩm chất mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới từ trong gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội, đồng thời cụ thể hoá những phẩm chất đạo đức chung đến từng đối tượng và khơi dậy sự tự ý thức của mỗi người.

- Với những cái xấu, phải tiến hành bằng tự phê bình và phê bình, giáo dục, thuyết phục, kỷ luật…

- Muốn xây dựng đạo đức mới, phải chống cho được chủ nghĩa cá nhân. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác nhau, là một thứ trở lực trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, không chỉ nguy hiểm với cá nhân mà với cả một dân tộc.

- Để xây và chống có hiệu quả, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi.

3.3. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời

- Mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đó cũng là công việc phải làm kiên trì bền bỉ suốt đời, không được chủ quan tự mãn.

- Việc tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ xã hội.

- Tu dưỡng đạo đức phải dựa vào tính tự giác của cá nhân, cũng như dựa vào dư luận của quần chúng.

Một phần của tài liệu Tài liệu cương bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh ppt (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(38 trang)
w