1. Cơ sở lý luận
1.5.3 Nguyên tắc hướng tới những phương pháp và dạy học tích cực
Nguyên tắc này thể hiện sự kế thừa và phát huy những phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, phát huy tính tích cực của người học đã được vận dụng trong dạy tập đọc từ lâu nay. Đưa vào những yếu tố mới ( những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới) để giúp người học phát huy tính tích cực trong học tập. Tiếp thu và vận dụng một số phương pháp và hình thức dạy học tích cực đã đạt được thành tựu ở nước ngoài phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Theo nguyên tắc này, việc dạy phân môn Tập đọc phải thể hiện tinh thần là hướng vào việc tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Hoạt động học phân môn tập đọc của học sinh được hiểu là hoạt động giao tiếp, hoạt động trí tuệ được thể hiện ra bên ngoài bằng các hành động cụ thể có thể quan sát được, lượng hóa được (ví dụ như hoạt động tìm tòi phát hiện kiến thức, thảo luận, tranh luận, trò chơi học tập…).
Đối với phân môn Tập đọc, hoạt động của giáo viên và học sinh phải được thực hiện theo phương pháp mới. Giáo viên giao việc cho học sinh tự tìm hiểu, thảo luận và đưa ra ý kiến, quan điểm, kết quả đã thảo luận của mình. Giáo viên phải kiểm tra xem học sinh có làm việc không, có hiểu công việc không, đồng thời trợ giúp, hướng dẫn cho học sinh trả lời những thắc mắc. Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả làm việc của nhóm ( bằng miệng, giấy, phiếu học tập…). Tổ chức cho học sinh tự đánh giá kết quả học tập của mình và của bạn ( cá nhân, trong nhóm, trước lớp) sau đó giáo viên nhận xét, đánh giá.
Để luyện đọc đạt hiệu quả cao thì việc tổ chức luyện đọc phải có mục tiêu rõ ràng, tường minh, trực quan và lượng hóa được; cường độ luyện tập phải cao, nghĩa là về nguyên tắc, luyện tập càng nhiều càng tốt và một nội dung luyện tập phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên những ngữ liệu khác nhau, được củng cố nhiều lần để thành kĩ xảo; khi luyện tập phải lựa chọn ngữ liệu (từ ngữ, câu,
đoạn) để luyện đọc sao cho tiết kiệm thời gian luyện tập; trong khi luyện tập cần phối hợp đồng bộ, tối đa các biện pháp luyện đọc.
Vận dụng các thuyết đa năng lực của Howard Gardner, lý thuyết về lĩnh vực nhận thức, lĩnh vực tình cảm và tâm vận động, lý thuyết về làm cho trẻ thông minh và nhạy cảm hơn (MISC) vào dạy học Tập đọc cho học sinh lớp 3 nhằm giúp giáo viên trong việc thiết kế bài học tổng thể, tạo hứng thú học tập cho học sinh, xây dựng các mục tiêu về hành vi của học sinh.