Trước tình hình phát triển của đất nước, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Phần lớn người học những chương trình đào tạo, bồi dưỡng là cán hộ, công chức đã đạt trình độ nhất định, có nhiều kinh nghiệm công tác, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, phân tích đánh giá vấn đề. Vì vậy, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với họ không thể giống như đối với học sinh, sinh viên. Đối với cán bộ, công chức cấp xã chỉ nên định hướng nội dung học tập, nghiên cứu, nêu vấn đề, tình huống và hướng dẫn, gợi mở, đối thoại để rèn luyện phương pháp, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống. Việc giảng dạy bất kỳ một nội dung nào cũng cần phải tuân theo nguyên tắc “lý luận gắn với thực tiễn”.
Hiện nay, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng thuyết trình truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tuy nhiên đây vẫn là phương pháp không thể bỏ qua. Vì vậy để một chương trình đào tạo, bồi dưỡng mang lại hiệu quả cao cần kết hợp nhiều phương pháp, đặc biệt là nên sử dụng các phương pháp buộc người học phải vận động, phát triển sự sáng tạo như phương pháp làm việc theo nhóm, phương pháp đóng vai, phương pháp phát vấn, phương pháp xử lý tình huống, phương pháp chuyên gia, phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học hiện đại. Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng thì các phương pháp này còn rất hạn chế. Muốn đổi mới phương pháp giảng dạy ở Trung tâm cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Đối với giảng viên
+ Nắm bắt được nhu cầu, kiến thức của học viên, tạo cho học viên có tác phong học tập chủ động trong thảo luận, nghiên cứu.
+ Có kiến thức, kỹ năng thực tế, toàn diện về vấn đề mình dạy, dạy kiến thức học viên cần học, chứ không chỉ dạy những kiến thức mình có, “lấy học viên làm trung tâm”. Thường xuyên tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở các xã, phường nắm bắt tình hình thực tế ở các xã, phường những vấn đề thuận lợi, khó khăn hay bất cập giữa lý thuyết và thực tế để có thể đặt ra các tình huống, những câu hỏi, bài tập sát thực tiễn, thu hút sự tập trung nghe giảng, tập trung suy nghĩ của học viên.
+ Phải biết những phương pháp giảng dạy mới, hiện đại, biết kết hợp giữa các phương pháp mới với phương pháp thuyết trình; có hiểu biết nhất định và sử dụng một cách thành thạo các phương tiện thiết bị hiện đại hỗ trợ cho các phương pháp mới.
+ Trước khi lên lớp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về giáo án, dự liệu các tình huống có thể xảy ra trên lớp, chuẩn bị trước các phương án giải quyết, xây dựng thời gian biểu chặt chẽ cho việc ứng dụng các phương pháp cho một bài giảng.
- Đối với học viên
+ Có trình độ tương đối không đồng đều, điều này đòi hỏi từ công tác chiêu sinh cần phải có sự chọn lọc, sắp xếp học viên.
+ Có kiến thức kinh nghiệm nhất định về chuyên môn và hoạt động thực tiễn. + Có sự chuẩn bị tốt về những nội dung của bài mà giảng viên yêu cầu trước khi lên lớp, chủ động trong quá trình tiếp thu kiến thức, chia sẻ những kinh nghiệm, khắc phục tình trạng thụ động, ỷ lại, trì trệ, mạnh dạn đưa ra những ý kiến, kiến nghị.
+ Chấp hành nghiêm chỉnh lịch học tập và thời gian biểu của giảng viên.
- Các điều kiện khác
+ Về quy mô lớp học: số lượng học viên không quá đông, khoảng từ 25 đến 35 học viên.
+ Về tài liệu dạy và học: phải phù hợp với việc ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực, cùng với việc cung cấp giáo trình đầy đủ cho học viên, nên cung cấp thêm cho học viên tài liệu bổ trợ, các giáo trình cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
+ Về phương tiện giảng dạy: cần trang bị các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy như : máy tính xách tay, máy chiếu, bảng giấy…cần có các phòng học đủ lớn cho các phương pháp như giảng dạy và phân nhóm.