Điểm nhìn nghệ thuật

Một phần của tài liệu Sự đổi mới hướng tiếp cận đời sống và thể hiện con người trong tập truyện ngắn bến quê của nguyễn minh châu (Trang 41)

3.1.1. Khái niệm điểm nhìn nghệ thuật

Điểm nhìn nghệ thuật là một trong những thành phần quan trọng nhất của tác phẩm tự sự. Vì vậy, nó hiện diện khắp nơi, chi phối hầu hết các yếu tố

trên các cấp độ văn bản. Theo Từ điển thuật ngữ văn học (ĐH Quốc Gia Hà Nội, 1999), điểm nhìn là “vị trí từ đó người kể nhìn ra và miêu tả sự vật trong

tác phẩm” và “giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự thay đổi của nghệ thuật bắt đầu từ thay đổi điểm nhìn”. Trong tập truyện Bến quê điểm

nhìn nghệ thuật thể hiện ở sự đa dạng hoá và có sự luân chuyển từ ngoài vào trong.

3.1.2. Sự đa dạng của điểm nhìn nghệ thuật

Trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, khi chúng ta kể về những sự kiện, con người nào đó thì sẽ có các khả năng xảy ra: hoặc ta kể bằng một điểm nhìn duy nhất của người kể chuyện (điểm nhìn của tác giả); hoặc là ta kể bằng nhiều điểm nhìn (cả điểm nhìn của tác giả, cả điểm nhìn của nhân vật) tức là tạo ra sự đa dạng của điểm nhìn nghệ thuật. Thực ra đa dạng hoá điểm

nhìn nghệ thuật không phải là điểm mới riêng của tập Bến quê mà là xu hướng chung của văn học đương đại. ở Bến quê Nguyễn Minh Châu đã trao

cho nhân vật quyền bình đẳng về tư tưởng, coi hiện thực như điều cần phải

“nghiên cứu” từ nhiều phía. Nhà văn sẽ không khám xét chân lí cuối cùng mà

nghệ thuật sẽ tạo ra cơ hội để “khối vuông ru bích” của hiện thực, của lòng

người được phơi lộ.

Sự đa dạng của điểm nhìn nghệ thuật được thể hiện trong hầu hết các

truyện ngắn của Bến quê, tiêu biểu nhất là Chiếc thuyền ngoài xa. Trong

Chiếc thuyền ngoài xa nhờ sự đa dạng của điểm nhìn mà Nguyễn Minh Châu

đã nhận ra đời sống con người bao gồm cả những quy luật tất yếu lẫn ngẫu nhiên may rủi khó bề lường hết. Cuộc sống luôn tồn tại những nghịch lý. Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai vợ chồng làng chài, giam hãm họ trong đói nghèo, tối tăm. Người chồng tha hoá, dần trở thành vũ phu, thô bạo. Người vợ vì thương con nên nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi mà không biết đã làm tổn thương tâm hồn đứa con thơ dại. Đặc biệt, sự đa dạng điểm nhìn thể hiện rõ nhất khi nhà văn để cho các nhân vật trong truyện bộc lộ thái độ khác nhau khi chứng kiến cảnh người chồng đánh vợ. Anh thợ ảnh họ Phùng

thì “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn.

Thế rồi chẳng biết tự bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới” và nện cho “hắn” một trận. Còn nhân vật Đẩu - vị “Bao công” thì “vỡ ra”

những nhận thức mới: Hoá ra cuộc đời không phải bao giờ cũng rạch ròi, phân minh như luật pháp. Còn những đứa trẻ trong gia đình, trước cảnh bố hành hạ mẹ chúng sẽ ứng xử ra sao? Phác - đứa trẻ đậm chất vùng biển đã lao đến

cướp chiếc thắt lưng trong tay người bố rồi “rướn thẳng người vung chiếc khoá

sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ” của cha nó. Rồi sau đó nó “lặng lẽ đưa mấy ngón tay sờ lên khuôn mặt người mẹ như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”. Thậm chí, có lúc Phác còn

thủ sẵn con dao găm trong người định đâm cha. Nó từng tuyên bố với các bác

ở xưởng đóng thuyền rằng “nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị

đánh”. Vậy là trong con mắt ngây thơ của đứa trẻ chỉ chứa toàn thù ghét, hằn

học đối với cha. Ngược lại, chị Phác lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Cô bé yếu ớt và can đảm ấy đã vật lộn để tước con dao trên tay thằng em trai, không cho

nó làm việc trái luân thường đạo lý. Chắc chắn trong lòng cô lúc này cũng tan nát vì đau đớn. Nhưng chính cô lại là điểm tựa vững chắc cho người mẹ khốn khổ. Vì cô đã ngăn được hành động dại dột của em và chăm sóc mẹ khi đến toà án. Với sự chín chắn của một cô gái nhà nghèo, trước sự việc gia đình như vậy, cô vừa đau xót vừa muốn làm giảm đi sự bất hạnh của gia đình mình.

Nhưng dẫu sao cái nhìn của anh thợ chụp ảnh, vị quan toà hay những đứa con đều là cái nhìn của người ngoài cuộc. Nguyễn Minh Châu còn để chính người trong cuộc - người vợ bị hành hạ, bộc lộ thái độ, quan điểm của bản thân. Bà không phải không biết xấu hổ, đau đớn mà vì quá nghèo và thương con. Người đàn bà từng trải ấy nhận ra rằng sự đánh đập tàn nhẫn kia chẳng qua cũng chỉ là sự giải toả tâm lý của chồng - một con người cũng đau

khổ. Cách nhìn này đã làm người đọc “vỡ ra” chân lý: cuộc sống không đơn

giản, rõ ràng như luật pháp. Và muốn hiểu sự thực cuộc đời thì phải rút ngắn

khoảng cách của Chiếc thuyền ngoài xa.

Như vậy, cùng một sự việc Nguyễn Minh Châu đưa đến nhiều cách nhìn khác nhau. Mỗi người tuỳ vào hoàn cảnh và tính cách sẽ có cách phán xét của mình. Từ đó, giúp chúng ta có cái nhìn chân thực sâu sắc về vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Đó chính là hiệu quả mà sự đa dạng của điểm nhìn nghệ thuật mang lại cho tác phẩm.

3.1.3. Điểm nhìn có sự luân chuyển từ ngoài vào trong

Trước những năm 80, điểm nhìn nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu cơ bản theo xu thế hướng ngoại. Từ sau 1980, điểm nhìn trần thuật lại chuyển hướng theo xu thế hướng nội. Nhà văn không coi nhân vật là đối tượng bất

động để ngắm nghía mà bắt họ “nhập cuộc” tự do bày tỏ về mình. Từ đó, người đọc sẽ cảm nhận được chân lý từ mỗi nhân vật. “Bao giờ cũng có một

cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hành động tự do của sự tự ý thức và của lời nói, điều này không thể nào xác định từ bên ngoài, từ “sau lưng” con người” (Bakhtin).

Trong tập Bến quê nhà văn Nguyễn Minh Châu đã để cho các nhân vật

tự do bày tỏ thái độ với hiện thực bằng những trải nghiệm suy tư sâu sắc. Và điểm nhìn của tác giả đã hoà nhập với điểm nhìn của nhân vật nhà văn cùng sống với giây phút biểu hiện của nhân vật. Những nỗi niềm, cảm giác của nhân vật được giãi bày không phải do cái nhìn từ bên ngoài mà đó thực sự là những suy tư, dằn vặt, giằng xé từ trong lòng.

Trong Dấu vết nghề nghiệp, với vai trò của một nhà văn, tác giả đã

nhập thân vào nhân vật ông lão thủ thành già để nhớ lại tất cả quá khứ. Nhớ về tình yêu với vợ, nhớ đến Ban - đối thủ cả trong nghề nghiệp và tình yêu của mình, nhớ lại suốt quãng đời bắt bóng vinh quang... Từ đó, chiêm nghiệm về

những triết lí sâu sắc ở đời: “con người ta thường xuyên không hoàn hảo

nhưng có những khoảnh khắc hoàn hảo”. Trong Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu đã nhập thân để đồng cảm với nỗi đau của người đàn bà vùng biển. Tác giả lí giải hành động chấp nhận bị đánh đập của bà là vì: các con của bà cần lớn lên, và hành động vũ phu kia của chồng cũng chỉ do quá đói nghèo và tăm tối mà thôi. Nhờ sự lí giải này, người đọc không cảm thấy hành động cam chịu kia là lạ lùng nữa. Rõ ràng, điểm nhìn nghệ thuật ở đây đã được chuyển từ bên ngoài vào bên trong, tạo điều kiện cho những suy tư thầm kín, những trải nghiệm của nhân vật có dịp phơi tỏ. Người kể chuyện như nhập vào nhân vật, sống cùng tâm tư, suy nghĩ của nhân vật.

Điểm nhìn nghệ thuật theo xu thế hướng nội đựơc thể hiện rõ nhất trong

truyện ngắn Bến quê. Tác giả đã nhập thân vào nhân vật Nhĩ để cho thấy bi

kịch nội tâm giằng xé . Nhĩ nhận ra rằng: vì mải chạy theo những ảo vọng xa xôi mà quên đi những giá trị đích thực, gần gũi của cuộc sống. Anh khao khát được chuộc lỗi với người thân, với quê hương... Nhưng hoàn cảnh và bạo bệnh

không cho phép anh làm điều đó. “Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta

trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chính mình”. Trước khi từ giã cõi đời nỗi day dứt và khát khao của Nhĩ vẫn không

nguôi: “... mặt mũi Nhĩ đỏ rựng một cách khác thường, hai mắt long lanh

chứa một nỗi mê say đầy đau khổ, cả mười đầu ngón tay vừa bấu chặt, vừa run lẩy bẩy. Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”. Như

vậy, không bằng lòng với việc đứng ngoài quan sát nhân vật, nhà văn đã chuyển điểm nhìn vào bên trong, nhập vào nhân vật, cho người đọc chu du trong thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn, giằng xé, nhức nhối của nhân vật.

Tập truyện Bến quê là những trải nghiệm của người trong cuộc. Có

được điều đó là do điểm nhìn bên trong của nhân vật. Sự đổi mới nghệ thuật

này đã được Nguyễn Minh Châu phát biểu trực tiếp trong Một lần đối chứng: “Nghề cầm bút tạo cho tôi thói quen nhập thân vào người khác, sống cuộc

sống bên trong của mọi người”...

Sự đa dạng hoá và luôn luôn thay đổi điểm nhìn đã tạo nên những ô cửa

sổ khác nhau nhìn vào thế giới, đem lại cho các truyện trong Bến quê sự phức điệu, mang dáng dấp “một bản giao hưởng” đa thanh. Điều này khiến nó đạt

hiệu quả thẩm mĩ phong phú hơn, bất ngờ hơn.

Một phần của tài liệu Sự đổi mới hướng tiếp cận đời sống và thể hiện con người trong tập truyện ngắn bến quê của nguyễn minh châu (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(51 trang)