Về phía Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện trần văn thời – tỉnh cà mau (Trang 85)

6.2.1.1 Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng NH

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về đảm bảo tiền vay Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 05/2011/TT-NHNN hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định này. Tuy nhiên, để thực hiện được đầy đủ Nghị định này cần phải có sự hướng dẫn của Bộ Công an, Thủy sản về việc thế chấp, cầm cố đối với phương tiện vận tải, tàu thủy, phương tiện đánh bắt thủy sản,…Vì vậy, cần hoàn thiện quy chế cho vay và đảm bảo tiền vay trên cơ sở đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NHTM, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của NHTM về việc tuân thủ quy chế cho vay và đảm bảo tiền vay.

NHNN nên quy định trách nhiệm của HĐQT và Ban điều hành của các NHTM trong việc đảm bảo quản lý rủi ro tín dụng của các NHTM bao gồm:

Xây dựng chiến lược, chính sách và quy trình quản lý rủi ro tín dụng. Quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quản lý, từng nhân viên trong việc quản lý rủi ro tín dụng.

Thiết lập bộ máy và cơ chế giám sát và đánh giá rủi ro tín dụng chặt chẽ.

Quy định rõ giới hạn cho vay trong quy chế cho vay của từng NHTM. Thiết lập hệ thống thông tin nhanh trong nội bộ NH để kịp thời cung cấp danh mục hạn chế cho vay và các quy định khác của NH.

Việc quy định bằng văn bản pháp luật về trách nhiệm của HĐQT và Ban điều hành các NHTM như trên có tác dụng nâng cao ý thức của họ về việc phải luôn luôn gắn liền mục tiêu kinh doanh với sự an toàn cho hoạt động NH thông qua các chiến lược quản lý rủi ro.

6.2.1.2 Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đánh giá HTKSNB Ngân hàng và các rủi ro Ngân hàng của bộ máy thanh tra Nhà nước

Hiện nay, công tác thanh tra Ngân hàng của bộ máy thanh tra thuộc NHNN chủ yếu là sự kiểm tra tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động NH và

đánh giá sự an toàn của NHTM. Vấn đề đánh giá rủi ro và hoạt động của HTKSNB của NHTM chưa được thực hiện đánh giá một cách có hệ thống, chưa có tiêu chí để thực hiện việc đánh giá này và chưa đánh giá toàn diện.

Như vậy, để thanh tra NH thực hiện được vai trò đánh giá HTKSNB và rủi ro của NHTM, cần phải thực hiện các giải pháp sau:

Thanh tra NH cần tăng cường đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, có kinh nghiệm thực tế.

Hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy trình thanh tra, giám sát NH bao gồm cả việc đánh giá công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại các NHTM và các chế tài đối với các NHTM nếu phát hiện HTKSNB yếu kém.

Xây dựng các tiêu chí cụ thể hơn nữa về đánh giá rủi ro NHTM khi thực hiện thanh tra NH. Nghiên cứu và vận dụng các nguyên tắc của Balse về đánh giá HTKSNB NH khi tiến hành thanh tra các NHTM.

Tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về thanh tra NH.

Thành lập cơ quan giám sát an toàn hoạt động NH là một đơn vị thuộc NHNN. Trên cơ sở thanh tra bộ máy NHNN hiện có xây dựng hệ thống giám sát NH hiện đại, hữu hiệu (về thể chế, mô hình, tổ chức và phương pháp) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống NH Việt Nam và thực hiện đúng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về giám sát NH.

6.2.1.3 Tạo lập kênh thông tin đáng tin cậy cho NH và DN

Về nguyên tắc, khi cần thiết các NHTM sẽ tham khảo thông tin về KH tại Trung tâm thông tin tín dụng NHNN. Nhưng với lượng thông tin đông đảo như hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, NHNN cần hoàn thiện hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) bằng cách: áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để các NHTM có thể truy cập thông tin dễ dàng. Bên cạnh đó còn đòi hỏi phải đa dạng hóa lượng thông tin, phải có đầy đủ thông tin về tình hình vay vốn, phải phân tích thông tin tổng hợp về KH để lưu ý các NHTM.

Tạo lập các kênh thông tin liên thông giữa các cơ quan chức năng như Thuế, Hải quan, Tòa án, Công an,…với NHNN để có thể nắm bắt được thông tin về các cá nhân, tổ chức.

Cần xây dựng các trang thông tin điện tử, các tạp chí riêng về các rủi ro tín dụng thực tế phát sinh tại các NHTM trong tỉnh, cụ thể là các nguyên nhân gây ra các khoản nợ quá hạn trong thực tế để tất cả các NHTM đều có thể nghiên cứu từ đó rút ra kinh nghiệm khi quyết định cho vay.

Một phần của tài liệu hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện trần văn thời – tỉnh cà mau (Trang 85)