Trong xu thế dạy học vật lí hiện nay, người ta coi trọng việc dạy cho HS chiến lược giải toán (Problem-Solving Startegies). Nó không chỉ hữu ích giải bài toán giáo khoa (bài tập), mà còn cần thiết hình thành cho HS một phong cách khoa học tiếp cận bài toán vật lý, một điều vô cùng quan trọng đối với hoạt động tương lai của họ.
Theo các tác giả Paul Zitzewitz và Robert Neff thì chiến lược tổng quát giải toán vật lý có 6 bước sau:
Bước 1: Diễn đạt thành lời bài toán.
Diễn đạt tóm tắt thông tin của bài toán và tự tin giải được bài toán đó.
Bước 2: Định rõ tính chất của bài toán.
Phân tích thông tin đã cung cấp, xác định cái gì đã biết, cái gì cần biết để giải bài toán.
Bước 3: khám phá
Phải động não tìm các chiến lược tổ chức thông tin đã cho và tìm cho được cái cần biết. Khám phá trong giải toán có nghĩa HS học cách đối chiếu các thông tin đã cho (dữ kiện) với các thông tin yêu cầu cần tìm (đáp số) để đạt được lời giài của bài toán. Đó cũng là quá trình HS phải đi đến những thông tin mới có giá trị gợi mở cho mình phương hướng tìm tòi khai thác những dữ kiện cần thiết, tìm ra con đường có thể đi theo để đạt kết quả. Đó cũng là những chiến lược chung và những chiến lược cụ thể ứng với từng lớp hoặc loại bài toán vật lí nhất định. Các chiến lược về giải toán vật lí về thực chất là phương pháp nghiên cứu đặc thù của vật lí học mà HS được tìm hiểu trong quá trình học tập vật lý trong nhà trường. HS phải học cách vận dụng chúng dần trong từng bước vào giải toán vật lí để nắm vững nội dung khoa học vật lí cũng như các phương pháp nghiên cứu vật lí học để có thể sử dụng một cách thành thạo và sáng tạo tri thức vật lí trong cuộc sống lao động sau khi rời ghế nhà trường.
Có thể kể đến một số chiến lược chung, như: + Lập một bảng các số liệu, hoặc một đồ thị.
+ Hành động giống như mô tả trong bài toán (khi cần cũng tiến hành cả việc nghiên cứu thực nghiệm).
+ Phỏng đoán (nêu giả thuyết) kết quả của hiện tượng mô tả và kiểm tra lại. chiến lược này có thể gọi là phép “thử và sai”.
+ Đi giật lùi từ cái cần tìm đến cái đã cho trong bài toán.
+ Giải một bài toán đơn giản hơn hoặc bài toán tương tự đã biết. + Hỏi chuyên gia, tìm tài liệu đọc thêm, tra cứu số liệu,v.v…
Trong giai đoạn khám phá, HS cũng sẽ gặp vô số câu hỏi mới có thể mở ra thêm nhiều khả năng cho hoạt động tìm tòi, khám phá. Do đó, trong khi học vật lí và giải toán vật lí HS nên tập nêu câu hỏi thắc mắc, tò mò, không ngại đó là câu hỏi chưa sâu, thậm chí là ngây ngô. Biết đặt câu hỏi cũng là một phẩm chất cần thiết và quan trọng của hoạt động sáng tạo. Rất có thể câu hỏi của HS trong giải toán vật lí là một may mắn nêu lên vấn đề khiến các nhà vật lí phải tốn nhiều công sức mới đi tìm được câu trả lời, có ý nghĩa lớn đối với vật lí học.
Bước 4: Kế hoạch
Giai đoạn này quyết định lựa chọn một chiến lược hoặc một nhóm chiến lược và lập các bước hoặc các bước phụ cho chiến lược đã chọn (kế hoạch hành động dự kiến giải bài toán).
Bước 5: Thực thi kế hoạch
Bước này trong giải toán vật lí cũng là bước quan trọng về chất lượng của việc giải toán. Chẳng hạn, với những bài tập vật lí tính toán thì cần tập cho HS thói quen giải trên những biểu thức bằng chữ, chỉ đến kết quả cuối cùng mới thay các giá trị bằng số để tính, đưa đến đáp số. Theo cách này, HS dễ dàng kiểm tra cách thức vận dụng kiến thức, phát hiện được sai lầm trong việc thực thi kế hoạch giải. HS cần rèn luyện kĩ năng tính toán cụ thể, chính xác bao gồm kĩ năng ước lượng các kết quả các phép tính và phương pháp tính toán gần đúng. Với kế hoạch giải bài tập đồ thị, bài tập thí nghiệm,… thì kĩ năng thực nghiệm, thực hành có vai trò quan trọng để thực thi kế hoạch.
Bước 6: Đánh giá việc giải toán
Bước này HS phải khẳng định điều đã làm được, khẳng định đã giải xong bài toán và nêu lên được tại sao giải được bài toán hoặc tại sao không giải được, bài toán trong điều kiện, môi trường khác, hệ qui chiếu khác sẽ thế nào? (biện luận về toán).