Diện tích: 1.791.021 ha
Phân bố: gặp ở trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ.
Mẫu chất và đá mẹ gồm phù sa cổ, đá cát và macma axit (granít)
Lớp đất trên mặt (tầng canh tác) có màu trắng hoặc xám trắng là tầng đặc trưng của đất xám bạc màu, tầng này cón có tên gọi là tầng bạc màu. Tầng bạc màu có thành phần cơ giới nhẹ, kết cấu kém hoặc không có kết cấu, rất nghèo các chất dinh dưỡng, chua và thường bị khô hạn.
Ðại diện cho đơn vị đất này là phẫu diện BL4, đào tại xã Chơn Thành, huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé. Ðịa hình đồi lượn sóng, đất trồng cây điều.
Cấu tạo phẫu diện:
0-19 cm
màu xám trắng (10 YR 6-7/2M); cát pha; khô; chặt; kết cấu hạt nhỏ, nhiều rễ cây điều; lẫn ít than củi nhỏ; chuyển lớp rõ về màu sắc.
19-68 cm
màu xám vàng (10 YR 6-7/3M); khô; cát pha; chặt; nếu bóp thì tơi; ít rễ cây; kết cấu hạt to, cục hoặc tảng, có hang kiến mối
68-150 cm
màu nâu xám vàng (10 YR 8/6M); ẩm; thịt nhẹ; hơi chặt; kết cấu tảng đến hạt
Tính chất lý hoá học:
Nhìn chung, tầng đất mặt có thành phần cơ giới nhẹ, kết cấu kém, dễ bị chặt, bí, thường bị khô hạn.
Ðất có phản ứng chua ít đến rất chua, pHKCl biến động từ 3,0-4,5, chủ yếu từ 4,0-4,5, hàm lượng Ca2+, Mg2+ trao đổi rất thấp. Các chất dinh dưỡng tổng số và dễ tiêu rất thấp, hàm lượng mùn trong đất thấp, tầng mặt thay đổi từ 0,5 -1,5 %, mức độ khoáng hoá diễn ra mạnh (tỷ lệ C/N<10).
Tầng B đạt các tiêu chuẩn chủ yếu của B.Argic: có ít nhất 8% sét, hàm lượng sét ở tầng B.Argic lớn hơn tầng trên 1-2 lần...
Nhược điểm chính của đất xám bạc màu là chua, nghèo chất dinh dưỡng, thường xuyên khô hạn. Hướng sử dụng: trồng các loại cây chịu hạn như ngô, khoai, sắn, lúa cạn, điều, cao su, các cây họ đậu.