Diện tích và phân bố: thống kê không đầy đủ có khoảng mấy chục ngàn ha, phân bố ở các vùng có địa hình hơi cao hoặc cao, vị trí xa sông trên toàn vùng đồng bằng. Gặp ở hầu hết các vùng đất phù sa nhưng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Ðặc điểm chung của đơn vị đất này là tầng mặt có phản ứng chua mạnh, các tầng bên dưới ít chua hơn. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất từ trung bình đến giàu, đất có hàm lượng đạm từ trung bình đến khá, kali trung bình, song phần
lớn lân trong đất ở mức độ nghèo đến rất nghèo cả về hàm lượng tổng số lẫn dễ tiêu.
Ðặc điểm hình thái một số phẫu diện điển hình:
Phẫu diện VN 36 lấy tại xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Ðịa hình bằng phẳng, độ dốc 0- 30. Cây trồng lúa. Hiện đang trồng lúa. Ðất phù sa có tầng đốm rỉ (Cambic Fluvisols):
Ðặc điểm phân tầng
Ap (0- 10cm): Xám hơi đỏ (ẩm: 2,5YR 4/1,5; khô:2,5Y 6/2); sét; ướt; trên mặt nhão, dưới cứng hơn; có nhiều vệt nâu vàng rỉ sắt theo rễ lúa; phía dưới có nhiều kẽ nứt vệt nâu vàng rỉ sắt; rất nhiều rễ lúa; xác rơm rạ vùi và ít vệt đen xác hữu cơ; chuyển lớp từ từ.
AB (10- 35cm): Ðen hơi nâu (ẩm: 5Y 2/2; khô: 5Y 6/2); sét; ướt; dẻo; dính; hơi chặt; phía trên có các vệt nâu vàng rỉ sắt; phía dưới có ít ổ sét trắng vàng; có các lốm đốm nhỏ màu đen chuyển lớp rõ.
Bw1 (35-80cm): Vàng cam xỉn (ẩm: 10YR 5/5; khô: 10YR 7/1); sét; ướt; hơi chặt; mịn; giữa tầng có nhiều ổ kết von (khoảng 5%) màu nâu đỏ có kích thước khác nhau, cứng, vỡ khi bóp; phía dưới ít và mềm hơn; chuyển lớp từ từ.
Bw2 (55- 95cm): Nâu (ẩm: 7,5YR 4/6; khô:7,5YR 5/6); xen ít vệt nâu tím sáng theo kẽ nứt; sét; ẩm; dẻo; hơi chặt; phía dưới tầng có các cụm hạt kết von màu đen nâu; chuyển lớp rõ.
BC1 (80- 130cm): Xám hơi đỏ (ẩm: 2,5Y 4/1; khô: 2,5Y 6/2); sét; ướt; có các đốm vệt màu vàng rỉ sắt; kết von mềm không chặt dễ tạo tảng; chuyển lớp từ từ.
Cr (130-160cm): Xám hơi đỏ (ẩm: 2,5Y 4/1,5; khô: 2,5Y 6/1); sét; ướt; mềm; không chặt dễ vỡ theo tảng; có ít đốm nâu vàng rỉ sắt.
Ðối với đất phù sa có tầng đốm rỉ khi sử dụng đất cần lưu ý đến vấn đề cung cấp nước tưới về mùa khô để hạn chế quá trình hình thành loang lổ và kết von trong đất. Cần cung cấp đủ và cân đối các chất dinh dưỡng N, P, K cho cây trồng.
Trong các yếu tố dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng cần đặc biệt chú ý tới việc duy trì hữu cơ và yếu tố lân là yếu tố dinh dưỡng hạn chế ở các đơn vị đất này.