I. Tuyến tỉnh/thành phố
1. Kiểm tra vệ sinh học đường
Trong thời gian thực tập tại Khoa Sức khỏe cộng đồng – TTYTDP Hà Nội, nhóm đã được tham gia cùng đoàn kiểm tra vệ sinh học đường tại các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quy trình một buổi kiểm tra vệ sinh học đường được trình bày chi tiết trong phụ lục 14 trang 89
Trong quá trình tham gia kiểm tra vệ sinh học đường, các thành viên trong nhóm đã trực tiếp đo các tiêu chí để đánh giá vệ sinh phòng học (chiều rộng, chiều dài phòng
học, bàn ghế, cường độ ánh sáng) và hỗ trợ cán bộ khoa ghi chép số liệu; kiểm tra điều kiện vệ sinh môi trường ngoại cảnh và công trình vệ sinh; kiểm tra hồ sơ mua nước và khu vực phục vụ nước uống của trường học. Qua những số liệu thu được và quan sát, thành viên sẽ tự ghi chép lại. Sau đó, ghi chép kết luận của đoàn kiểm tra, đối chiếu với kết quả của mình để tự rút kinh nghiệm. Ngoài ra, nhóm đã nắm được một số giải pháp nhằm khắc phục cho các tồn tại tại trường được tham gia kiểm tra.
Khó khăn mà các thành viên trong nhóm gặp phải là do chưa từng được tham gia buổi kiểm tra vệ sinh học đường nên còn nhiều bỡ ngỡ. Ngoài ra, có nhiều tiêu chí và số liệu trong quá trình kiểm tra vệ sinh lớp học nên trong quá trình ghi chép vẫn còn có một số sai sót nhỏ. Tuy nhiên nhờ sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ tại Khoa SKCĐ và chia sẻ kinh nghiệm của các bạn đã tham gia các buổi kiểm tra trước nên những lần kiểm tra sau nhóm đã chủ động hơn trong việc ghi chép, đo đạc và các thông số chuẩn nhóm cũng đã nắm được.
2. Tập huấn phòng chống bệnh tay – chân – miệng
Trong quá trình thực tập tại Khoa Sức khỏe cộng đồng, vào gày 2/10/2013, thành viên nhóm được tham gia buổi tập huấn phòng chống bệnh tay – chân – miệng cho cán bộ y tế các trường học thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm (chi tiết trong phụ lục 15 trang 89).
Trước buổi tập huấn, nhóm cùng với các cán bộ tại Khoa chuẩn bị và sắp xếp tài liệu cho buổi tập huấn. Buổi sáng khi cùng đoàn xuống địa điểm tổ chức tập huấn, nhóm đã tham gia chuẩn bị máy chiếu, micro. Sau khi tiếp đón học viên nhóm sẽ tiến hành phát các tài liệu đã chuẩn bị sẵn cho học viên. Trong buổi tập huấn, nhóm đã được nghe cán bộ của đoàn trao đổi các trao đổi về nội dung “Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh tay – chân – miệng (Theo quyết định số 581/QĐ-BYT ngày 24/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế) và các chất khử trùng có chứa Clo” và giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề trên. Sau buổi tập huấn, nhóm tiến hành phát kinh phí cho học viên. Cuối cùng, nhóm cùng các cán bộ tại Khoa thu dọn đồ đạc trước khi ra về.
Qua buổi tập huấn phòng chống bệnh tay – chân – miệng, nhóm đã nâng cao được các kỹ năng tiếp cận với cộng đồng; nắm được các quy trình của các buổi kiểm tra và tập huấn và biết được cách thức giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng, các pha dung dịch Clo khử trùng. Hai thành viên được tham gia buổi tập huấn đã trao đổi và chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm đã học được trong buổi tập huấn này.
Bài học kinh nghiệm mà nhóm rút ra là cần làm tốt công tác chuẩn bị cho buổi tập huấn (tài liệu truyền thông, nội dung tập huấn, cán bộ tham gia giảng dạy, ...), cần nhấn mạnh ý quan trọng trong nội dung tập huấn và căn chỉnh thời gian hợp.
3. Tập huấn làng văn hóa sức khỏe
Trong quá trình thực tập tại Khoa Sức khỏe cộng đồng, nhóm đã được tham gia buổi tập huấn làng văn hóa sức khỏe. Trước buổi tập huấn, nhóm đã chuẩn bị và sắp xếp tài liệu cho buổi tập huấn. Khi cùng đoàn xuống địa điểm tổ chức tập huấn, nhóm đã tham gia chuẩn bị máy chiếu, micro. Sau khi tiếp đón học viên nhóm sẽ tiến hành phát các tài liệu đã chuẩn bị sẵn cho học viên. Trong buổi tập huấn, nhóm đã được nghe cán bộ của đoàn trao đổi các trao đổi về nội dung“Làng sức khỏe – Giải pháp toàn diện góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng”. Sau đó, nhóm giúp các cán bộ tại Khoa phát kinh phí, và thu dọn đồ đạc trước khi ra về (chi tiết xem phụ lục 16 trang 90)
4. Điều tra khảo sát rượu làng nghề
Trong ngày 26/10/2013, 1 thành viên trong nhóm được tham gia hỗ trợ nhóm điều tra viên phỏng vấn chủ cơ sở nấu rượu trên địa bàn đội 10 thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Các hoạt động mà sinh viên đã được tham gia, bao gồm: Chuẩn bị phiếu điều tra và các giấy tờ có liên quan; hỗ trợ điều tra, tiến hành phỏng vấn chủ cơ sở nấu rượu; niêm phong mẫu xét nghiệm và phát kinh phí
Sau khi tham gia hoạt động trên, thành viên trên đã chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng mà bạn rút ra được. Bài học kinh nghiệm rút ra đó là chuẩn bị phương tiện và tìm hiểu trước đường đi xuống địa bàn nghiên cứu, cần kết hợp quan sát kỹ điều kiện VSATTP tại cơ sở để hoàn thành một số tiêu chí trong bộ câu hỏi phỏng vấn và chú ý cách thức lấy mẫu và niêm phong mẫu xét nghiệm.
5. Tham gia nhập liệu và ghi chép sổ sách
Trong quá trình thực tập tại Khoa SKCĐ – TTYTDP Hà Nội và Chi cục ATTP Hà Nội, nhóm đã tham gia nhập số liệu dưới sự hướng dẫn của các bộ tại các Khoa/phòng. Bên cạnh đó, nhóm hỗ trợ cán bộ ghi chép sổ sách, giấy mời, photo, vận chuyển tài liệu…
6. Các bài học được hướng dẫn tại Khoa SKCĐ.
Trong thời gian thực tập tại Khoa SKCĐ, nhóm sinh viên đã được các cán bộ khoa giảng một số bài học liên quan đến các kỹ năng kiểm tra, bao gồm kỹ năng kiểm tra nhà máy nước, kỹ năng kiểm tra bếp ăn, kỹ năng kiểm tra bể bơi (chi tiết xem tại phụ lục 17 trang 92)
II. Tuyến xã
1. Chiến dịch uống vitamin A và uống thuốc tẩy giun
Trong 2 ngày 11 – 12/12/2013, TYT xã Tứ Hiệp đã tổ chức cho trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi uống vitamin A và kết hợp cho trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun tại 4 điểm trong xã: TYT xã Tứ Hiệp, Nhà văn hóa thôn Văn Điển, Nhà mẫu giáo thôn Cổ Điển A và Nhà văn hóa thôn Cổ Điển B. Trước khi chiến dịch uống Vitamin A diễn ra, nhóm sinh viên đã hỗ trợ TYT ghi phiếu mời uống vitamin A cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi trên toàn xã.
Trong ngày 11/12/2013, dù đã qua thời gian thực tập, nhưng nhóm sinh viên đã xin phép trạm cho xuống tham gia và chiến dịch uống vitamin A và uống thuốc tẩy giun. Nhóm sinh viên đã hỗ trợ cán bộ TYT làm các công việc như tiếp đón nhân dân, ghi chép sổ sách. Sau 2 ngày triển khai chiến dịch, kết quả thu được là 100% trẻ trong độ tuổi uống vitamin A trong danh sách được uống vitamin A.
Sau buổi tham gia chiến dịch uống vitamin A và tẩy giun, nhóm đã đạt được một số kết quả sau, đó là đã nắm rõ các đối tượng của chiến dịch và liều lượng vitamin A cho phép của từng đối tượng, kỹ năng cho trẻ uống vitamin A và uống thuốc tẩy giun và nâng cao kỹ năng giao tiếp với cộng đồng;
Bài học kinh nghiệm mà nhóm rút ra là cân ghi chính xác ngày tháng năm sinh của trẻ để cho trẻ uống đúng liều lượng tránh tình trạng ghi sai ngày tháng năm sinh trẻ hoặc ghi sai liều dùng cho trẻ. Một số trẻ còn không chịu uống nên khi cho trẻ uống cần cầm chắc viên vitamin A tránh tình trạng làm rơi viên vitamin A vào trong miệng của trẻ.
2. Tiêm chủng mở rộng
Trong 2 ngày tiêm chủng mở rộng (5-6/12/2013), TYT đã tổ chức tiêm chủng cho trẻ trên địa bàn xã. Trong những ngày này, nhóm sinh viên đã hỗ trợ TYT các hoạt động như: ghi phiếu, tiếp đón nhân dân, dặn dò người dân ở lại 30 phút sau khi cho trẻ tiêm để theo dõi trẻ và thực hiện cân trẻ. Nhờ sự tận tình của các cán bộ TYT và sự hỗ trợ của nhóm sinh viên thực tập, các buổi tiêm chủng đã diễn ra thuận lợi, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đạt 99% và không có trẻ nào có biến chứng sau khi tiêm.
3. Chuẩn bị cho công tác thanh tra của Sở Y tế
Để chuẩn bị cho công tác thanh tra, trong các ngày 15 và 26/11/2013, nhóm sinh viên đã hỗ trợ TYT hoàn thiện các sổ sách, giấy tờ, vệ sinh dụng cụ, trang thiết bị, cơ sở vật chất của trạm, vệ sinh vườn thuốc nam. Ngày 15/11/2013, Sở Y tế Hà Nội thực hiện công tác thanh tra tại TYT Tứ Hiệp. Nhóm sinh viên đã được quan sát các hoạt động thanh tra: kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; kiểm tra chuyên môn của cán bộ TYT, cách sử dụng các trang thiết bị tại trạm; kiểm tra sổ sách, giấy tờ và báo cáo các chương trình đã thực hiện.
4. Các hoạt động khác
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, nhóm còn giúp trạm ghi chép giấy tờ sổ sách trong các chương trình như chương trình tiêm chủng mở rộng, chiến dịch uống vitamin A và uống thuốc tẩy giun, cấp phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần. Ngoài ra nhóm còn hỗ trợ đánh máy và gửi tài liệu cho trạm. Trong thời gian thực tập, nhóm thường xuyên giúp trạm chăm sóc vườn thuốc nam, quét dọn vệ sinh, giữ gìn không gian sạch đẹp của trạm.
BÀI TẬP LỚN
Tên đề tài:
“Thực trạng điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của bếp ăn hộ gia đình và kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm của người nội trợ chính trong các hộ gia đình tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội năm 2013”