KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.3. Triệu chứng cận lâm sàng:
Khác hẳn với các triệu chứng lâm sàng, Các triệu chứng cận lâm sàng cho thấy ưu thế rõ ràng trong việc chẩn đoán, phân loại, phân độ GPN. Giãn phế nang (Emphysema) được định nghĩa là tình trạng giãn nở bất thường và vĩnh viễn của các khoảng chứa khí sau các tiểu phế quản tận cùng, kèm theo sự phá hủy thành vách và không có tạo xơ. Đây là 1 định nghĩa về mặt giải phẫu bệnh lý. Hiện tượng giãn nở thường xuyên và không hồi phục gây ra tình trạng căng giãn lồng ngực biểu hiện ra triệu chứng lồng ngực hình thùng và có thể được ghi nhận trên X-Quang phổi với các dấu hiệu sau: cơ hoành hạ thấp, phẳng, dẹt, hình bậc thang, các xương sườn nằm ngang, khoang liên sườn giãn rộng; Khoảng sáng sau xương ức >2,5cm. CLVT độ phân giải cao (HRCT), lớp mỏng 1-2 mm có lợi ích lớn để xác định vị trí, diện tích, mức độ nặng của GPN. Phương pháp này được cho là có độ đặc hiệu cao để chẩn đoán GPN, có khả năng phát hiện sớm khi mà phim phổi chuẩn hoặc các chỉ tiêu phế dung kế vẫn còn bình thường.
Trong nghiên cứu, tất cả BN được lựa chọn đều dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán GPN bằng HRCT. Kết quả của chúng tôi cho thấy: 62,5% BN được ghi nhận lại có các dấu hiệu của GPN trên kết quả XQ; 37,5% còn lại không có ghi nhận về hình ảnh giãn phế. Quá trình thu thập số liệu cũng cho thấy, tỷ lệ BN được chẩn đoán GPN trên XQ cao hơn rất nhiều con số được chẩn đoán trên CT (112BN); tuy nhiên, nhiều trường hợp được chẩn đoán GPN trên XQ nhưng kết quả HRCT lại bình thường do vậy chúng tôi nhận định độ đặc hiệu của xét nghiệm XQ thấp hơn CLVT và đã dùng CLVT làm tiêu chí lựa chọn đối tượng nghiên cứu. Các báo cáo trước đây cũng ghi nhận giá trị của HRCT [7].
Kết quả chụp CLVT độ phân giải cao của các BN nghiên cứu không đề cập và đánh giá được cụ thể loại giãn phế nang theo giải phẫu bệnh lý
(GPN trung tâm tiểu thùy, GPN cạnh vách, GPN toàn tiểu thùy, GPN không đều). Do vậy, dựa theo phiếu kết quả, chúng tôi tạm thời phân loại như sau: GPN Khu trú (thùy trên, thùy giữa, thùy dưới) và GPN lan tỏa.
Cũng góp phần không nhỏ trong việc chẩn đoán giai đoạn BPTNMT, chẩn đoán xác định tình trạng giãn phế nang đó là kỹ thuật thăm dò chức năng hô hấp và đo thể tích ký thân. Với ưu thế về giá trị chẩn đoán cao, giá thành thấp, kỹ thuật nhanh chóng, không độc hại cho BN; các kỹ thuật này đang được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở các tuyến y tế. Do vậy, việc tiến hành nghiên cứu để hiểu rõ hơn là rất quan trọng. Qua nghiên cứu chúng tôi thu được kết quả thống kê về chức năng thông khí và các dung tích phổi trình bày ở bảng 3.6 và 3.7.
Về kết quả chức năng thông khí: Nhóm thông số đánh giá độ tắc nghẽn như FEV1% = 42,21 ± 19,43 với đa phần BN ở mức độ tắc nghẽn 3 và 4 (72,2%); FEF25-75% =24,24 ± 17,93 cho thấy mức độ tắc nghẽn nặng ở đường dẫn khí vừa và nhỏ; thông số khẳng định BPTNMT như Gaensler = 47,17 ± 9,73; ngoài ra chỉ số FVC% =63,43 ± 20,89 nhìn chung là giảm hơn 80%predicted. Kết quả này phù hợp với các lý thuyết đã đưa ra về phân loại hội chứng rối loạn thông khí, cũng như sinh lý bệnh của GPN phần nhiều ở những BN BPTNMT giai đoạn nặng và hội chứng rối loạn thông khí tắc nghẽn nổi bật với 96%. Theo một số tác giả nước ngoài như Thomas R. Gildea, Kevin McCarthy thì hội chứng rối loạn thông khí hạn chế (FVC giảm) thường gặp trong các bệnh làm giảm thể tích phổi chức năng như tràn dịch màng phổi, gù vẹo; đồng thời cũng có thể giảm trong các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn, tăng thể tích khí cặn làm giảm khí lưu thông như trong GPN/BPTNMT.
Về kết quả đo thể tích ký thân: là những thông số quan trọng giúp đánh giá tình trạng căng giãn, ứ khí với các thông số FRC, RV, TLC, RV/TLC, SVC, IC, ERV, VTG. Bảng 3.7 cho thấy tất cả các BN được đo đều có thể tích khí cặn và dung tích cặn chức năng (RV và FRC) > 120% trong đó RV=200,67 ± 66,27; FRC =200,67 ± 66,27 đều tăng rất cao. Tỷ lệ RV/TLC trung bình là 169,67 ± 38,42 với 11/12 trường hợp có giá trị >120%. Kết quả này cũng phù hợp với báo cáo của nhiều tác giả trong nước như Bùi xuân tám, Lê Bá Thúc, Bùi Thị Thu Hằng và nước ngoài như Gordon L.Snider: trong GPN hai thông số tăng sớm nhất là RV và tỷ lệ RV/TLC [26]. Bên cạnh đó, chỉ số TLC thu được 117 ± 17,33 đa số bình thường hoặc tăng nhẹ, một lượng không nhiều (4/12 BN) có TLC >120%; với kết quả tương tự, Gordon L.Snider và cs thu được hầu hết BN có TLC tăng, một số lại gần như bình thường và giải thích là do TLC = VC + RV trong khi VC xu hướng giảm còn RV có xu hướng tăng nhiều hơn[26]. Hai chỉ số còn lại là dung tích sống hít (IC)vào và dung tích sống thở chậm, cụ thể IC =51,08 ±27,35; SVC = 68,83 ± 22,19. Kết quả này phù hợp với sinh lý bệnh của hiện tượng tắc nghẽn đường thở; Ở BN giãn phế nang, tình trạng căng giãn của lồng ngực, cơ hoành hạ thấp, cơ hô hấp yếu, giảm đàn hồi của nhu mô phổi và lồng ngực, làm giảm khả năng hít vào và hít vào gắng sức biểu hiện bởi sự giảm chỉ số IC.
Một số Cận lâm sàng khác có vai trò quan trọng trong chẩn đoán biến chứng, đánh giá tình trạng nặng, nguyên nhân đợt cấp, tiên lượng: siêu âm tim, điện tâm đồ, Khí máu động mạch, CRP, CTM. (Biểu đồ 3.10; 3.11; bảng 3.8). Trong 47 BN siêu âm tim ghi nhận ALĐMP trung bình 40,34 ± 11,12 mmHg và có 91,5% (43BN) có TALĐMP, với 7/47 BN tăng ALĐMP vừa đến nhiều; Tỷ lệ được chẩn đoán biến chứng tâm phế mạn là 23,6% (17BN); Kết quả này phù hợp với bệnh sinh GPN gây tăng áp lực động mạch phổi tiến triển và hậu quả cuối cùng là biến chứng suy tim phải; tỷ lệ tâm phế mạn cao
hơn hẳn kết quả ghi nhận được trong nghiên cứu về BPTNMT nói chung thể hiện mức độ nặng hơn của những BN BPTNMT có GPN. Kết quả khí máu động mạch lúc vào viện: PaCO2 = 46,53 ± 10,05 với 38/72 BN có giá trị trên 45mmHg. PaO2= 67,92±15,67 với 22/72 Bn có giá trị <60mmHg. Nói lên tình trạng tắc nghẽn, ứ đọng CO2 và thiếu O2 của cơ thể. Kết quả CRP =3,00 ± 6,01 với hầu hết tăng >0,05; BC= 12,71± 6,96 nhìn chung tăng trên ngưỡng bình thường thể hiện tình trạng bội nhiễm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đợt cấp của bệnh khiến BN vào viện.