Một dàn trận tuabin đứng Windspire do nhà máy điện Mariah ở Mĩ thực hiện: Robert Whittlesey và John Dabiri tin rằng họ đã chỉ ra được cách tốt nhất sắp xếp những tuabin như thế. (Ảnh: Devon Bank)
Những tuabin gió hoạt động tốt nhất khi đặt càng xa lốc xoáy phá hoại của những tuabin lân cận càng tốt. Tuy nhiên, hai nhà khoa học ở Mĩ vừa chứng minh được rằng hiệu suất của những loại tuabin khác thật sự được cải thiện khi đặt chúng ở gần nhau, vì thế họ kết luận rằng những cánh đồng gió có thể triển khai trên quy mô nhỏ hơn nhiều so với hiện nay.
Tuabin kiểu cánh quạt quen thuộc với một trục quay nằm ngang có thể biến đổi 50% hoặc nhiều hơn năng lượng từ những cơn gió mà nó hứng lấy. Tuy nhiên, trên một cánh đồng gió, luồng thổi từ một tuabin sẽ làm nhiễu loạn không khí đi đến cánh quạt của những tuabin lân cận, nghĩa là các tuabin phải đặt xa nhau. Thông thường, để đảm bảo phát ra khoảng 90% năng lượng mà nó có khi cô lập, một tuabin phải đặt cách láng giềng trên gần nhất của nó một khoảng ba lần đường kính rotor và cách láng giềng dưới của nó
khoảng 10 lần đường kính rotor. Với một rotor có đường kính 100 m, thì con số thứ hai vừa nói trên lên tới 1 km – đó là một khoảng cách đáng kể.
Một họ hàng tuabin kém quen thuộc hơn có trục quay thẳng đứng. Nó gồm một số loại con khác nhau, trong đó có những loại sử dụng lực kéo theo để đẩy dụng cụ quay tròn và những loại khác sử dụng cánh máy bay để tạo ra lực nâng. Xét riêng từng cái một, những tuabin trục đứng này kém hiệu quả hơn so với những dụng cụ trục ngang vì chỉ một phần tuabin có thể bị gió đẩy mỗi lần, và do đó chúng tỏ ra kém phổ biến hơn. Tuy nhiên, những tuabin này có một tiện lợi đáng kể so với những kiểu trục ngang – đó là công suất của chúng có thể tăng thêm khi đặt chúng rất gần nhau.