Các biện pháp rèn luyện cho học sinh sử dụng PPTN

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh sử dụng phương pháp thực nghiệm nhằm nâng cao chất lượng học tập và góp phần phát triển năng lực sáng tạo trong dạy học chương Cảm ứng điện từ SGK Vật lý 11 nâng cao (Trang 46)

1.3.1. Thiết kế tiến trình dạy học một bài học Vật lí theo các giai đoạn của PPTN.

Để rèn luyện cho học sinh sử dụng PPTN trong học tập Vật lí thì tốt nhất là giáo viên phải suy nghĩ để thiết kế tiến trình dạy học kiến thức mới sao cho học sinh hoạt động nhận thức theo các giai đoạn của PPTN. Cách làm này tạo ra những yêu cầu và điều kiện giúp học sinh tập luyện để quen dần với phương pháp hoạt động

sáng tạo. Nếu mỗi bài học Vật lí, từ ngày này qua ngày khác, từ năm đầu tiên đến năm cuối cùng ở trường phổ thông, học sinh được rèn luyện để hoạt động nhận thức theo tiến trình của PPTN thì nhất định năng lực sáng tạo sẽ được phát triển. Tuy nhiên, không phải bài học nào cũng phải thiết kế đủ các giai đoạn của PPTN mà tuỳ nội dung từng bài cụ thể hoặc từng phần của bài, cần vận dụng một cách sáng tạo để đạt được hiệu quả thực sự. 1.3.2. Xây dựng tình huống có vấn đề - Tạo không khí học tập thuận lợi.

Với học sinh, cảm xúc có vai trò quan trọng trong hoạt động sáng tạo. Cảm xúc mạnh mẽ giúp các em say mê với hoạt động và từ đó nảy nở ra những ý nghĩ, những hành động “bất ngờ” trong học tập, khởi điểm của sự sáng tạo. Do vậy giáo viên phải giành thời gian gia công sư phạm để xây dựng tình huống có vấn đề, tạo mâu thuẫn nhận thức, động cơ, hứng thú đi tìm cái mới. Mặt khác, cần tạo ra không khí lớp học thuận lợi ủng hộ những ý kiến có vẻ “trái ngược”, thảo luận, tranh luận cởi mở về những kết quả thu được trong hoạt động học tập tự lực của học sinh. Tuổi từ 16-18 là lứa tuổi có tính tự lực cao, ham muốn tham gia nhiều hoạt động tập thể, độc lập tìm hiểu, thăm dò sự vật chung quanh mình. Do đó nếu được tạo điều kiện, các em sẽ tích cực tham gia vào quá trình học tập.

1.3.3. Tổ chức các hình thức hoạt động đa dạng trong giờ học: hoạt động theo nhóm hợp tác nhỏ, trao đổi, tranh luận trên lớp, hoạt động cá nhân theo phiếu học tập.

a. Một biện pháp quan trọng, xuất phát từ quan điểm khoa học về việc tạo ra “vùng phát triển gần” thông qua sự giúp đỡ của người lớn và các bạn cùng lứa tuổi [23, Tr30], đó là việc tổ chức cho học sinh trao đổi, tranh luận và tiến hành thí nghiệm kiểm tra theo nhóm và giữa các nhóm, đa dạng hoá hình thức học tập trên lớp. Thông qua hoạt động trong tập thể nhóm, các ý kiến, quan niệm của mỗi cá nhân được điều chỉnh và qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới [2, Tr9]. Việc tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm hợp tác nhỏ còn có tác dụng tạo không khí học tập cởi mở, tự nhiên, duy trì hứng thú học tập và sự tự tin của mọi học sinh trong giờ học.

b. Tổ chức trao đổi, tranh luận trên lớp không đơn thuần là việc rèn luyện cho học sinh trình bày sáng sủa, chính xác theo ngôn từ Vật lí những ý nghĩ tư tưởng của mình mà còn là cách để rèn luyện năng lực ứng xử, giao tiếp; là cách hợp thức hoá các kết quả nghiên cứu làm cho người trong cộng đồng thừa nhận. Có như thế kiến thức được học sinh tự lực rút ra mới có ý nghĩa hơn đối với các em, mới được củng cố và sâu sắc hơn trong trí nhớ.

c. Hoạt động cá nhân theo phiếu học tập

- Trong điều kiện sách giáo khoa được viết “mở” để học sinh hoạt động trên lớp và để dùng nhiều năm về sau thì phiếu học tập không những có tác dụng tạo điều kiện cho cá nhân mỗi học sinh làm việc độc lập, tự lực, tìm tòi sáng tạo mà còn thay cho sách giáo khoa, sách bài tập, thay cho giáo viên làm việc trực tiếp với học sinh trong giờ học. Trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi,

phiếu học tập được giáo viên chuẩn bị và giao cho học sinh sử dụng. Nó thể hiện những yêu cầu hoạt động tự lực của học sinh, đồng thời chứa đựng những hướng dẫn và yêu cầu về phương pháp giải quyết vấn đề trong học tập của thầy cô giáo. Do đó, nếu được sử dụng thường xuyên và hợp lí, phiếu học tập có tác dụng rất lớn đến việc phát huy tích cực và năng lực sáng tạo của học sinh (xem phiếu học tập phần phụ lục).

-Trong khi làm việc với phiếu học tập, học sinh buộc phải suy nghĩ và đưa ra ý kiến, quan điểm, lời giải của mình, do đó sự sáng tạo cũng như những khó khăn, vướng mắc trong học tập được bộc lộ. Qua đó giáo viên có thể điều chỉnh hoạt động dạy sao cho phù hợp với tình hình học tập và mang lại hiệu quả thiết thực. Nó cũng góp phần tiết kiệm thời gian trên lớp.

1.3.4. Lựa chọn và cung cấp cho học sinh những phương tiện, công cụ cần thiết để thực hiện các hành động học tập tự lực.

Trong dạy học, giáo viên là người chủ động lựa chọn logic nội dung bài học, dự lường trước những phương tiện công cụ cần dùng. Thiếu những phương tiện, công cụ đó thì bài học không tiến hành được và học sinh không hoạt động được. Về phương diện vật chất, đó là những thiết bị thí nghiệm, dụng cụ đo lường, những mô hình vật chất, hình vẽ, biểu đồ có liên quan đến bài học và rộng hơn, có liên quan đến các dự đoán, các đề xuất phương án thí nghiệm kiểm tra của học sinh. Về phương diện tinh thần, đó là những khái niệm khoa học đã biết, những quan điểm, những thao tác tư duy, phương pháp suy luận, có thể gọi là những “kiến thức

điểm tựa”, cần được chuẩn bị và cung cấp khi cần thiết để học sinh có thể sử dụng thành thạo đúng với ý nghĩa của chúng.

1.3.5. Xác định và lựa chọn các mức độ thích hợp yêu cầu học sinh tự lực thực hiện các giai đoạn của PPTN.

Để rèn luyện cho học sinh sử dụng PPTN có hiệu quả, giáo viên cần cân nhắc để đưa ra các mức độ yêu cầu học sinh tự lực hoạt động thật thích hợp. Thông thường, nếu đưa ra mức độ quá thấp thì học sinh không hứng thú, tác dụng phát triển trí tuệ kém. Nếu đưa ra yêu cầu quá cao thì học sinh không hoạt động được. Mặt khác, trong một lớp học bao giờ cũng có sự chênh lệch về trình độ học lực giữa các học sinh. Do đó để phân hoá được học sinh giỏi, tạo hứng thú cho mọi đối tượng, quan tâm đến học sinh học lực yếu, lúc đầu giáo viên cần đưa ra yêu cầu ở mức độ cao. Sau đó nhanh chóng nắm bắt sự “phản ứng” của học sinh, khích lệ các học sinh giỏi thực hiện yêu cầu rồi thu hẹp vấn đề, tạo ra “vùng phát triển gần” cho đại đa số học sinh có thể thực hiện tốt yêu cầu đề ra.

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh sử dụng phương pháp thực nghiệm nhằm nâng cao chất lượng học tập và góp phần phát triển năng lực sáng tạo trong dạy học chương Cảm ứng điện từ SGK Vật lý 11 nâng cao (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)