như: Các điều kiện thương mại quốc tế (INCOTERMS) đã được Phòng thương mại quốc tế Paris (Paris ICC) tập hợp và ban hành từ năm 1936 (sửa đổi vào các năm 1953, 1968, 1976, 1980, 1990 và 2000); Bản quy tắc trọng tài của UNCITRAL; Quy tắc York – Antwerp về tổn thất chung.
1.3.3. Những nguyên tắc chung của luật được các quốc gia văn minh thừa nhận thừa nhận
Trong khoa học pháp lý, nguyên tắc của pháp luật được hiểu là những tư tưởng, quan điểm chính trị - pháp lý chỉ đạo quá trình xây dựng và thi hành pháp luật. Và như vậy có thể khẳng định nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại là những tư tưởng, quan điểm chính trị - pháp lý chỉ đạo làm cơ sở xây dựng và thi hành luật quốc tế hiện đại. Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu là những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, có tính chất xuất phát điểm, thể hiện tính toàn diện, linh hoạt và có ý nghĩa bao trùm, quyết định nội dung và hiệu lực của luật quốc tế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu.
Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCED) đã họp năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brazil.. Tại đây, các đại biểu tham gia đã thống nhất những nguyên tắc cơ bản và phát động một chương trình hành động vì sự phát triển bền vững có tên là Chương trình Nghị sự 21 và đưa ra 27 nguyên tắc chung, xác định những quyền và trách nhiệm của các quốc gia nhằm làm cho thế giới phát triển bền vững, trong đó nguyên tắc thứ 16 quy định “Các nhà chức trách quốc gia nên cố gắng đẩy mạnh sự quốc tế hóa những chi phí môi trường và sự sử dụng các biện pháp kinh tế, căn cứ vào quan điểm cho rằng về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chịu phí tổn ô nhiễm, với sự quan tâm đúng mức đối với quyền lợi chung và không ảnh hưởng xấu đến nền thương mại và đầu tư quốc tế”. Nguyên tắc này hiện nay đã được hầu hết các quốc gia thừa nhận.
Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” đã được ghi nhận trong văn kiện của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) được coi là nguồn của pháp luật quốc tế và được các quốc gia áp dụng.
Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia
Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của một quốc gia phải do quốc gia đó quyết định, các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp vào; mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia phải tuân thủ pháp luật của quốc gia, nếu điều ước quốc tế mà quốc gia ký kết hoặc tham gia không có quy định khác.
Trong quan hệ quốc tế, quyền độc lập của quốc gia thể hiện ở chỗ quốc gia có quyền tự quyết định mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của mình, các quốc gia khác không có quyền can thiệp hoặc áp đặt; không có một thế lực nào, cơ quan nào đứng trên quốc gia, có quyền áp đặt pháp luật và bắt quốc gia phải thực hiện. Quốc gia chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản
của luật quốc tế hiện đại, các quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia ký kết hoặc tham gia, đồng thời tôn trọng các tập quán quốc tế cũng như các điều ước quốc tế do quốc gia khác ký kết phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.
Tôn trọng chủ quyền quốc gia còn có nghĩa là tôn trọng sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc (Điều 2) và nhiều văn kiện quan trọng khác của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó có Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970 về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.
Nguyên tắc các quốc gia có trách nhiệm hợp tác với nhau
Vấn đề hợp tác giữa các quốc gia là vấn đề của riêng luật quốc tế hiện đại. Bản thân tên nguyên tắc cũng thể hiện đầy đủ nội dung của nó là các quốc gia có nghĩa vụ phải hợp tác với nhau. Và một trong những mục đích của Liên hợp quốc là thực hiện hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu muốn đạt hiệu quả cao thì phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của các quốc gia. Điều 197 Công ước luật biển 1982 quy định “Các quốc gia hợp tác trên phạm vi thế giới và nếu có thể thì trên phạm vi khu vực, trực tiếp hay qua trung gian của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, trong việc hình thành và soạn thảo các quy tắc và các quy phạm, cũng như các tập quán và thủ tục đươc kiến nghị mang tính chất quốc tế phù hợp với Công ước, để bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, có tính đến các đặc điểm có tính chất khu vực”. Một điều khoản khác trong Công ước Luật biển 1982 (Điều 123) quy định sự hợp tác của các quốc gia ven biển kín hay nửa kín. Các quốc gia ở ven bờ một biển kin hay nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ của họ theo
Công ước. Các quốc gia này cố gắng phối hợp trong việc sử dụng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ của họ có liên quan đến việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.
Nguyên tắc tôn trọng các quyền cơ bản của con người
Về mặt lý luận cũng như trên thực tế, tôn trọng các quyền cơ bản của con người là tôn trọng các quyền không thể thiếu để cá nhân, con người có thể tồn tại và phát triển bình thường với tư cách là một thành viên cộng đồng xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Những quyền đó gồm: quyền sống và quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được tôn trọng danh dự và phẩm giá, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng … Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự,, kinh tế - xã hội và văn hóa, hợp tác với các quốc gia khác trong việc bảo vệ và phát triển quyền con người, thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền con người.