II. Nghiên cứu Thi pháp không gian nghệ thuật 5.
2. Cấu trúc và biểu hiện của không gian nghệ thuật
2.2. Không gian sự kiện
Văn bản văn học chứa đựng một thế giới nghệ thuật, biểu hiện của nó là hệ thống hình tượng. Hệ thống hình tượng này sẽ phát triển và lớn dần theo những sự kiện và lời trần thuật của văn bản, và tạo hình hoàn chỉnh khi văn bản kết thúc. Chúng ta sẽ tìm hiểu về sự kiện và mối quan hệ của sự kiện với không gian của tác phẩm, để từ đó làm rõ thế nào là không gian sự kiện.
Theo Trần Đình Sử đã đề cập tới vấn đề sự kiện trong lí luận văn học (tập 2) thì sự kiện “là những hành vi (việc làm) cùa nhân vật hay sự việc xảy ra đối với nhân vật dẫn đến hậu quả, làm biến đổi hay bộc lộ những ý nhĩa nào đó đối với người kể chuyện”. Cũng theo đó, mà không gian nghệ thuật trong văn bản văn học luôn gắn liền với những sự kiện, biến cố xảy ra trong đời của nhân vật.
Không gian sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày đó có tác động đến nhân vật, gây ra những sự kiện khác theo quan hệ nhân quả.
“Hai đứa trẻ” ( Thạch Lam) mở ra một không gian phố huyện tồi tàn, nghèo khổ, ngột ngạc thiếu đi ánh sáng, tất cả bị bao trùm bởi gam màu đen của bóng tối, chính không gian tù túng, sống không có ngày mai đó là làm cho những con người ở nơi đây luôn khao khát nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy được ngày mai, được sống về với quá khứ tươi đẹp như Liên và An. Hai chị chính vì sống ở nơi ánh sáng không chiếu tới, cho nên khuya nào hai chị em Liên và An cũng thức chờ đoàn tàu từ Hà Nội về, con tàu vội đến rồi cũng chóng đi nhanh, nhưng mỗi khi con tàu về tới phố huyện chính là lúc những con người nơi đây được nhìn thấy ánh sáng lung linh, thấy được màu sắc của cuộc sống, còn ở hai chị em Liên họ vừa ngắm nhìn ánh sáng của con tàu vừa được sống lại những giây phút đã qua trong quá khứ..Lúc trước hai chị em được sống ở Hà Nội cùng gia đình, được ngắm nhìn đủ các màu sắc của thủ đô, được sự yêu thương của gia đình…Trong một văn bản văn học, tác giả chỉ chọn ra một số sự kiện đặc sắc trong chuỗi sự kiện nhằm làm nổi bật hoàn cảnh, tâm lí, tính cách nhân vật. Căn cứ vào các yếu tố đó mà không gian sự kiện được chia thành nhiều loại mà trong đây chúng tôi xin trình bày hai biểu hiện của không sự kiện.
Không gian sự kiện theo tâm lí, tính cách của nhân vật: “Cao điểm cuối cùng” của nhà văn Hữu Mai nổi bật bởi không gian sự kiện cuộc chiến giữa ta và địch, tình huống đầy gây cấn khi giặc hết lượt này đến lượt khác phản công chiếm lại ngọn đồi A1, trong khi đó các chiến sĩ phòng ngự các ụ súng đã hi sinh hoặc bị thương nặng chỉ còn lại dăm người có khả năng chiến đấu thì trong
số đó lại có kẻ nao núng và rút lui “Trung đoàn trưởng rời khỏi ụ súng tiếp ra mấy bước, đứng chắn trên đường anh ta đang chạy. Nhưng Quỳ bỏ đường hào, chống tay nhảy lên mặt đồn, lao nhanh về phía cửa đột phá. Đằng sau hắn, một số chiến sĩ hùa chạy theo. Tình hình đã rõ ràng, trung đoàn trưởng rút súng ngắn. Anh chưa kịp kết liễu đời tên hèn nhát, bọn địch đuổi theo đã gần ập tới, anh phải quay mũi súng về phía địch. Địch đang xô tới rất đông… Anh bắn một băng tiểu liên. Vẫn không cản được chúng.Anh cúi xuống hào nhặt một ống phóng lôi, tháo nhanh kíp, nhảy lên khỏi giao thông hào, dùng hết sức lăn mạnh về phía địch. Một ánh lửa đỏ lóe, một tiếng nổ dậy như bom. Những chiếc mũ sắt địch bay lên. Ống phóng lôi của trung đoàn trưởng đã cứu vãn tình hình. Các chiến sĩ đang chạy quay lại, rút lựu đạn ném tới tấp về phía địch. Tiểu đoàn phó Quân nắm thời cơ nhảy lên miệng hào hô to:
- Xung phong!
Thương binh nằm dưới chiến hào cũng hô theo vang dậy khắp nơi. Bọn địch hoảng sợ, quay trở lại. Quân đuổi theo địch chừng dăm chục mét, nhìn phía sau chỉ thấy một chiến sĩ chạy theo mình, phải dừng lại”. Giữa sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc, không gian sự kiện ở đây như làm nổi bật tinh thần chiến đấu, không ngại hi sinh của các chiến sĩ bộ đội đặc biệt là phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ lãnh đạo như Cương - trung đội trưởng, của Quân - tiểu đoàn phó và của trung đoàn trưởng Trang. Qua đó ta cũng thấy được sự hèn nhát của tiểu đoàn trưởng Quỳ; rút lui khỏi vị trí chiến đấu nhằm bảo toàn tính mạng, Quỳ đã làm tinh thần của anh em binh sĩ nao núng. Không gian sự kiện đó đã làm nổi bật những phẩm chất, tính cách của người cán bộ lãnh đạo. Họ dũng cảm, hay hèn nhát, họ sẵn sàng hi sinh hay ngại khó khăn, sợ chết đều được bộc lộ một cách khách quan, trung thực. Không chỉ có Cương, Quân, Trang… trong Cao điểm cuối cùng mà ở chị Dậu trong tiểu thuyết “Tắt Đèn”
của Ngô Tất Tố cũng có sự bộc lộ tính cách khác thuờng. Lúc đầu chị còn sợ sệt, van xin nhưng sau khi thấy chồng bị đánh tới tấp khi đang ốm chị đã không thể nhịn được nữa “Chị Dậu nghiến hai hàm răng:
- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!
Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo
trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”. Sự hung hăng, hống hách của tên cai lệ đã làm cho chị Dậu phải vùng lên phản kháng, xuất phát từ tình cảm thương chồng con của chị. Chị không thể để bọn chúng hành hạ anh Dậu trong lúc anh đang đau ốm. Ban đầu là tâm trạng sợ hãi, van xin rồi đến liều lĩnh...v.v..
Không gian sự kiện theo hoàn cảnh của nhân vật: Những không gian sự kiện như thế này ta thấy rõ trong truyền thuyết, bà mẹ ướm thử bàn chân lạ sinh ra Gióng, thấy rồng bay sinh ra Sơn Tinh, những sự kiện như vậy nhằm báo hiệu mộ cuộc đời phi thường của các nhân vật. Về sau Sơn Tinh, Gióng đều tạo ra những chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên lại có những tác phẩm văn học mà ở đó không gian sự kiện mở ra một hoành cảnh có thể dự báo một cuộc đời bế tắc, tuyệt vọng, bị xã hội khinh khi, xa lánh, bị tước đoạt quyền làm người đó chính Chí Phèo….
Trong đoạn trích “Đám tang lão Gô-ri-ô” (Ban-dắc) là đoạn trích nằm trong những tấn bi kịch điển hình của tư sản và quý tộc lúc bấy giờ. Đồng tiền và danh vọng, cuộc sống xa hoa đã cướp đi hết phần “người” trong thế giới tương quan giữa phần người và phần con. Họ chạy theo lợi nhuận và rẻ rúng đi những tình cảm thiêng liêng nhất trong gia đình và xã hội. Cái chết và đám tang của lão Gô-ri-ô được đặt trong khoảng không gian và mốc thời gian xác định. Yếu tố giờ giấc được nhà văn nhắc đến ba lần: đám tang của lão được cử hành ở nhà thờ mất hai mươi phút, ngay sau đó vị linh mục nói “chúng ta có thể đi nhanh để khỏi chậm trễ, đã năm giờ rưỡi rồi”, và cuối cũng là sáu giờ tối lão Gô-ri-ô được hạ huyệt. Bên cạnh đó là những địa điểm được nhắc đến như: quán trọ bà Vô-ke, nghĩa trang Cha-La-se-dơ nhưng được đặt trong một không gian ẩm ướt của buổi chiều tà, của một ngày sắp tàn lụi, như tất cả những bi thương của một đám tang sơ sài không được một dòng nước mắt của người thân đưa tiễn. Không gian của sự kiện đám tang lão Gô-ri-ô vẽ ra trước mắt ta tất cả sự ảm đạm, nhà văn đã củng cố điều đó bằng tất cả những mốc thời gian diễn ra đám tang, những hành động của nhân vật và những sự kiện liên quan xảy ra xung quanh nó. Đám tang lão Gô-ri-ô kết thúc cuốn tiểu thuyết, khép lại cuộc đời lão nhưng lại mở ra cuộc đời của Ra-xti-nhắc, nên mới nói sự kiện có ý nghĩa tiền nhân và hậu quả để có thể mở rộng thành một cốt truyện, thống nhất tư tưởng của tác phẩm.
Hay sự ra đi của người anh hùng thời loạn Từ Hải trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) :
“Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương. Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong”.
Với cái khí phách ngang tàng của một anh hùng “đầu đội trời chân đạp đất” thì cái nhân đạo chủ nghĩa chung chung, cái đạo đức đã thành công thức làm sao ràng buộc, trói chân chàng được, chàng luôn luôn muốn chiến đấu vì nghĩa lớn, làm nên công trạng, chàng muốn ra đi và làm những điều lớn lao hơn. Không gian sự kiện ở đây là toàn bộ khung cảnh ra đi của một người anh hùng mà ta biết: uống rượu từ biệt, lấy ngựa, đóng yên cương, mặc áo bào, mang vũ khí, vái chào, lên ngựa và thúc ngựa lên đường. Nhưng tác giả không hoàn toàn miêu tả chuỗi những sự việc liên tiếp đó, mà chỉ tái hiện một số chi tiết, còn lại thì để người đọc tự liên tưởng. Đây là mốc sự kiện quan trọng trong cuộc đời Từ Hải cũng như Thúy Kiều, để sau đó là hàng loạt những sự kiện, biến cố khác xảy ra như ngày chiến thắng trở về và giúp Kiều báo ân báo oán.
Không gian sự kiện chính là yếu tố tạo nên sự mạch lạc của truyện, nó được tính bằng mốc sự kiện và cũng là mốc của thời gian kể, tạo nên môi trường sống cho nhân vật, cho nên rất quan trọng, thiếu đi yếu tố không gian sự kiện người đọc khó có thể nắm bắt được diễn biến của truyện, không hiểu được tâm tư tình cảm của tác giả.