Tác phẩm nghệ thuật chính là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ và việc đặt tên cho đứa con tinh thần ấy cũng được coi là một công việc vô cùng quan trọng. Nhan đề tác phẩm là một yếu tố nghệ thuật đặc biệt, nó không chỉ là cái chúng ta dùng để định danh, để phân biệt với các tác phẩm khác mà nó còn là một bộ phận không thể tách rời của tác phẩm và cùng với nội dung văn bản, nó cũng thể hiện chủ đề, tư tưởng, dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, khi phân tích, lý giải nhan đề tác phẩm, chúng ta cần đặt nó trong mối quan hệ với các yếu tố khác như nhân vật, chi tiết, sự kiện của tác phẩm.
Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” có tên đầy đủ là “Hạnh phúc của một tang gia - Văn Minh nữa cũng nói vào - Một đám ma gương mẫu”. Việc đi tìm hiểu tên đầy đủ của chương truyện và so sánh tiêu đề đầy đủ đó với nhan đề trong sách giáo khoa do người biên soạn đặt là một vấn đề cần được trao đổi, thảo luận trong giờ dạy đọc - hiểu.
Trong phần kiến thức này, giáo viên có thể sử dụng phương pháp làm việc nhóm để các em có thể trao đổi, thảo luận với nhau để tìm ra ý nghĩa nhan đề.
Câu hỏi thảo luận 1: Tìm hiểu mâu thuẫn phát sinh, thể hiện qua nhan đề đoạn trích? Nhận xét của em về cách sử dụng từ ngữ: “Hạnh phúc”, “tang gia” của tác giả?
Có thể thấy, ngay từ nhan đề đoạn trích nhà văn đã gửi gắm vào đó những ý đồ nghệ thuật thể hiện qua việc sử dụng cặp từ trái nghĩa đi liền nhau: “hạnh phúc”, “tang gia”. “Tang gia” là gia đình có người thân đời, là lúc mọi người đau buồn trước sự mất mát, chia ly. Việc tang ma từ trước tới nay vẫn luôn được biết đến với ý nghĩa đau buồn, thương tiếc, không khí của
đám ma vì vậy cũng bị bao trùm bởi sự tang tóc, chia ly, tử biệt. Hơn thế nữa, đã là con người sống trên thế gian thì không ai lại mong muốn việc không hay này xảy đến với những người thân yêu của mình. Ý nghĩa hiện thực ấy, đã xuất hiện từ hàng ngàn năm nay và tồn tại song song với sự tồn tại của con người. Vậy mà đám tang trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” lại đi ngược lại tất cả những điều đó. Nó mang một sắc thái khác biệt và kì lạ mà nhà văn cô đọng lại bằng hai từ hết sức chính xác: “hạnh phúc”.
“Hạnh phúc” là niềm sung sướng của con người khi đạt được những ước nguyện trong cuộc sống. Người ta cũng không thể hạnh phúc nếu như đang có chuyện buồn. Vậy mà trong hoàn cảnh gia đình có người qua đời ấy, những nhân vật trong tác phẩm lại có được niềm vui vẻ, thỏa mãn. Điều này làm cho người đọc không khỏi bật cười bởi cách sử dụng từ thông minh, hóm hỉnh của nhà văn cũng như hé lộ một phần về những bất ngờ sẽ xuất hiện trong văn bản.
Mặt khác, khi đặt hai từ Hán Việt trái nghĩa ấy cạnh nhau, nhà văn đã tạo nên được một mâu thuẫn trào phúng, phản ánh sự thật tàn nhẫn: cái chết của cụ cố tổ đã đem lại cho cả gia đình này một niềm sung sướng hoan hỉ và niềm sung sướng ấy to lớn tới mức nó tự phát bung ra, tràn trề, không kìm nén được.
Câu hỏi thảo luận 2: Cho biết tên đầy đủ của nhan đề đoạn trích nằm trong chương XV của tác phẩm “Số đỏ”? Chỉ ra sự khác nhau về nhan đề trong sách giáo khoa và nhan đề trong tác phẩm? Theo em, sự thay đổi đó nhằm mục đích gì?
Khác với nhan đề trong sách giáo khoa, nhan đề đầy đủ của chương truyện trong tác phẩm có tên là: “Hạnh phúc của một tang gia- Văn Minh nữa cũng nói vào- Một đám ma gương mẫu”. Đây là một nhan đề chứa đựng được đầy đủ nội dung của chương truyện. Nó bao chứa những cái bất thường, mang mâu thuẫn trào phúng “Hạnh phúc của một tang gia”. Nó dự báo những bất đồng giữa phái già và phái trẻ “Văn Minh nữa cũng nói vào” và bao hàm cả
sự hãnh diện về “Một đám ma gương mẫu”. Tuy nhiên, chỉ với sáu chữ: “Hạnh phúc của một tang gia” cũng đã cô đọng lại những cái bất thường, mâu thuẫn, trào phúng của tình huống truyện.