Kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan hữu quan

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu tại công ty dịch vụ viễn thông VNP việt nam (Trang 61)

IV Mức độ đáp ứng của thiết bị thi công: Số lượng, chủng

2.3.Kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan hữu quan

2.3.1. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hướng dẫn về đấu thầu

Hệ thống các văn bản pháp luật cho phép tạo dựng một khuôn mẫu, một sân chơi chung để đấu thầu được thực hiện theo những cách thức nhất quán, có quy tác nghiêm ngặt, đảm bảo hiệu quả cao trong việc sử dụng vốn đầu tư và tính nghiêm minh của pháp luật.

Từ năm 1994, khi quy chế đấu thầu- văn bản pháp quy đầu tiên của nước ta về đấu thầu ra đời, tới nay hệ thống các quy định pháp luật về đấu thầu liên tục được bổ sung và hoàn thiện với cố gắng theo kịp và bao quát toàn bộ công tác đấu thầu. Năm 2005, Luật Đấu thầu- văn bản có tính pháp lý cao nhất về công tác đấu thầu ra đời, sau đó Nghị định 111/2006/NĐCP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng được ban hành. Với sự kiện này, công tác đấu thầu ở nước ta đã bước sang một trang mới với những quy định chặt chẽ và chế tài xử lý đầy đủ hơn.

Mục tiêu của Luật Đấu thầu là tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ trong lĩnh vực đấu thầu nhằm quản lý và sử dung vốn của nhà nước một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất, hạn chế những tồn tại, bảo đảm sự công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu và giúp nền kinh tế nước ta hòa nhập tốt hơn với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Mặc dù Luật Đấu thầu đã khắc phục được một số hạn chế của Quy chế đấu thầu trước đây, song vấn đề gặp phải hiện nay vẫn chủ yếu là căn cứ thực hiện còn chưa đầy đủ. Mặc dù đã có hướng dẫn tại Nghị định 111/2006/NĐCP, song vẫn còn nhiều vướng mắc và xuất hiện một số cách hiểu khác nhau đối với một số nội dung của Luật. Vì vậy, để Luật Đấu thầu thực sự đi vào cuộc sống và trở thành căn cứ pháp lý vững chắc nhất quy định công tác đấu thầu, Nhà nước và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đấu thầu; tổ chức các lớp tập huấn quy mô lớn cho các cán bộ phụ trách công tác đấu thầu tại các cơ quan nhà nước; khuuyến khích các cơ quan đoàn thể chủ động tổ chức các khóa học tìm hiểu về Luật Đấu thầu và nâng cao nghiệp vụ để giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn các đơn vị vận dụng thực hiện Luật đấu thầu một cách chính xác, chặt chẽ và sáng tạo.

2.3.2. Giảm bớt thủ tục hành chính- Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đấu thầu Song song với công tác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cũng như các văn bản

hướng dẫn thực hiện Luật đấu thầu, việc giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự tự chủ, sang tạo của các đơn vị, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu tại cơ sở, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt đấu thầu. Nhà nước cần xóa bỏ những thủ tục và quy định không cần thiết mang danh nghĩa “tăng cường quản lý và giám sát của Nhà nước” nhưng thực tế lại cản trở , can thiệp quá sâu vào qua trình đấu thầu, tác động tiêu cực tới kết quả đấu thầu, là nguồn gốc của tệ quan liêu, tham nhũng, hối lộ.

Ngoài ra, để có được môi trường thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, các hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng đóng vai tò hết sức quan trọng. Nhà nước cần có các biện pháp tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông công khai, kịp thời về mọi mặt của công tác đấu thầu từ kế hoạch phân bổ vốn, phân chia dự án thành các gói thầu… và khuyến khích các đơn vị thực hiện và thực hiện nghiêm chỉnh. Có như vậy, công tác giám sát mới được xã hội hóa, chất lượng và hiệu quả đấu thầu sẽ được nâng cao rõ rệt.

2.3.3. Nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong hệ thống quản lý đấu thầu của Nhà nước

Việc xây dựng các quy định pháp luật về đấu thầu là do các cán bộ quản lý đấu thầu, các chuyên gia về hoạt động đấu thầu của Nhà nước đảm nhận. Những quy định, luật pháp đó là sự kế thừa, học hỏi từ các nước tiên tiến trên thế giới và cũng là sự sáng tạo vận dụng vào điều kiện riêng của nước ta. Hệ thống pháp luật là những quy tắc chung, bao quát ở tầm vĩ mô, nhưng hiệu quả của nó lại được thể hiện thông qua sự vận dụng vào các hoạt động ở tầm vi mô- tức là những hoạt động cụ thể, xảy ra trong đời sống hàng ngày. Một hệ thống văn bản pháp lý hoàn thiện và hiệu lực phải có khả năng cho phép tạo ra một khuôn khổ pháp lý đủ sức bao quát và làm căn cứ vững chắc khi xem xét những tình huống cụ thể. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta cho thấy, nhiều quy định, trong đó có những quy định có liên quan đến hoạt động đấu thầu đã xa rời thực tiễn, đi ngược lại một số quy định có liên quan trước đó, gây ra sự chồng chéo và khó khăn khi vận dụng các quy định này trong nhiều tình huống thực tế.

Vì vậy, các cán bộ phụ trách công tác nghiên cứu, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật không những phải am hiểu chuyên môn mà còn phải thông hiểu thực tiễn công tác đấu thầu ở nước ta cũng như những thông lệ của quốc tế. Muốn vậy, trước hết công tác tuyển chọn cán bộ phụ trách soạn thảo phải được thực hiện nghiệm túc, chặt chẽ; không những vậy, phải thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao, các chuyến đi thực tế cả trong nước và nước ngoài để đảm bảo cho các cán bộ này luôn theo kịp thực tiễn, bám sát thực tế và không lạc hậu đối với các nước khác. Có như vậy, các văn bản pháp luật mới thể hiện được tính pháp lý cao nhất, đạt được hiệu lực tối đa, làm tốt vai trò của nó là tạo sân chơi chung bình đẳng và căn cứ vững chắc điều chỉnh hoạt động đấu thầu.

2.3.4. Tăng cường công khai hóa các thông tin về đấu thầu

Công luận là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với chất lượng và hiệu quả của công tác đấu thầu. Công luận là tiếng nói khách quan của nhân dân, phản ánh chân thực và thẳng thắn về mọi hoạt động diễn ra liên quan tới đấu thầu cho dù đó là những hành động tiêu cực hay tích cực, nhạy cảm hay không nhạy cảm. Và thực tế đã cho thấy trong nhiều trường hợp, phát hiện của công luận là hoàn toàn chính xác và có phần chi tiết, khách quan hơn những phản ánh của cơ quan giám sát trực tiếp. Để thực

hiện tốt vai trò là người giám sát nghiêm minh, công luận đòi hỏi các thông tin liên quan tới đấu thầu phải được công khai, hạn chế các thông tin được coi là “hạn chế tiếp cận”, “phức tạp có liên quan đến nhiều tổ chức, vấn đề nhạy cảm”… Công ty VNP là một công ty thuộc sở hữu nhà nước, do đặc thù công việc nên có một số gói thầu mà tác động của nó không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, do đó, nhiều khi các thông tin bị bưng bít, hạn chế gây cản trở đối với vai trò giám sát không chỉ của công luận.

Vì vậy, phải chăng Nhà nước nên có quy định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của Nhà nước tiến hành công khai hơn nữa hoạt động đấu thầu của mình để công luận cùng theo dõi giám sát. Bởi lẽ xét cho cùng, nguồn vốn mà Nhà nước sử dụng là nguồn vốn của toàn dân, công luận có quyền được theo dõi giám sát việc sử dụng nguồn vốn này, để đảm bảo nguồn vốn đó được sử dụng đúng mục đích và đạt được hiệu quả cao nhất. Nếu kiến nghị trên có thể trở thành hiện thực, chắc rằng nạn tham nhũng sẽ không còn chỗ hoành hành, các hành vi tiêu cực cũng từ đó mà không còn chỗ đứng.

Nhiệm vụ này đòi hỏi sự tích cực, tự giác cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và nhân dân. Nhà nước phải làm tròn vai trò là nhà quản lý của mình, nhân dân cũng phát huy tối đa quyền làm chủ trong xã hội. Có như vậy, sự công bằng, dân chủ mới được nêu cao và phát huy tối đa sức mạnh không chỉ trong công tác đấu thầu.

KẾT LUẬN

Vai trò to lớn của đấu thầu trong công cuộc đầu tư phát triển đã được thực tiễn những năm qua chứng minh. Thông qua đấu thầu, các nhà thầu xuất sắc và phù hợp nhất được tuyển chọn để trao trách nhiệm thực hiện gói thầu, nhờ vậy không những chất lượng công trình được đảm bảo mà BMT cũng tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Trong thời gian thực tập tại công ty VNP, được các cán bộ phòng ĐTPT tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện tiếp cận công việc thực tế, em đã tìm hiểu được rất nhiều điều bổ ích về công tác đấu thầu tại công ty. Hàng năm, thông qua đấu thầu, công ty VNP đã tiết kiệm được cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Đây là một thành tích đáng khâm phục, là kết quả của qúa trình nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của công ty VNP nói chung và các cán bộ phụ trách công tác đấu thầu nói riêng trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu qủa của công tác đấu thầu. Tuy vậy, những hạn chế nhất định vẫn còn tồn tại, gây ra tác động tiêu cực tới hiệu qủa của công tác đấu thầu tại công ty.

Sau thời gian thực tập tại công ty VNP, em đã tổng kết thực trạng và đưa ra trong luận văn của mình một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại và nâng cao chất lượng công tác đấu thầu. Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức và thời gian tìm hiểu nên luận văn không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý sửa chữa của các thầy cô giáo và độc giả.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu tại công ty dịch vụ viễn thông VNP việt nam (Trang 61)