Mô hình 1

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Nghiên cứu tác động của cấu trúc sở hữu đến mức độ sử dụng nợ của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (Trang 26)

Giả thuyết thứ nhất được đưa là: Các doanh nghiệp có mức độ sở hữu của các cổ đông lớn bên ngoài lớn hơn sẽ có tỷ lệ nợ cao hơn. Giả thuyết này được kiểm tra

bằng việc hồi quy biến phụ thuộc là tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn bên ngoài không tham gia hoạt động quản trị điều hành doanh nghiệp (EBO) và các biến kiển soát khác, mô hình hồi quy được khái quát như sau:

LEVit = α0 + β0EBOit + β1SIZEit + β2LIQit + β3VOLit + β4GROWTHit + β5PROFit + β6FCFit + β7INTAit + β8NDTSit + εit (1)

Trong đó:

it = Doanh nghiệp thứ i tại kỳ thứ t

LEV = Logarit của hệ số nợ trên vốn cổ phần (D/E).

EBO = Biến độc lập sử dụng để đo lường mức độ sở hữu của các cổ đông lớn bên ngoài không tham gia điều hành. Luật chứng khoán năm 2006 quy định về cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành. Căn cứ theo quy định này, biến EBO được tính toán bằng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn không tham gia điều hành doanh nghiệp (loại trừ các cổ đông lớn nằm trong hội đồng quản trị hoặc ban giám đốc công ty). Danh sách các cổ đông lớn của công ty được công bố trên bản báo cáo thường niên hàng năm theo hướng dẫn tại thông tư 38/2007/TT-BTT ngày 18/04/2007 của Bộ Tài chính về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.  Ba biến sử dụng thêm để kiếm soát tương quan đối với rủi ro hoạt động của doanh nghiệp bao gồm:

SIZE = Logarit của tổng tài sản. Biến này được dự đoán có hệ số tương quan dương với tỷ lệ nợ do các doanh nghiệp lớn được đa dạng hóa tốt hơn dường như có rủi ro phá sản thấp hơn và có thể duy trì tỷ lệ nợ cao hơn (Scott và Martin 1975, Ferri và Jones 1979).

LIQ = Tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn, phản ánh khả năng thanh khoản của doanh nghiệp. Theo lý thuyết về trật tự phân hạng cho rằng các doanh nghiệp có khả năng thanh khoản tốt sẽ có xu hướng sử dụng nợ vay ít hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp có tỷ trọng tài sản có tính thanh khoản cao có thể dễ dàng sử dụng các tài sản này để tài trợ cho các khoản đầu tư mà không cần sử dụng nợ vay. Nghiên cứu của Deesomsak và các cộng sự (2004) tại các nước Châu Á Thái Bình

Dương cho kết quả về mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa khả năng thanh khoản và đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp.

VOL = Độ lệch chuẩn phần trăm thay đổi trong thu nhập hoạt động hàng năm của công ty, sử dụng theo thước đo độ biến động thu nhập của Titman và Wesels (1988). Nhiều nghiên cứu đưa ra lập luận cho rằng chính vì mức độ biến động trong thu thập tương lai của công ty là nhân tố chính tác động đến chi phí lãi, nên biến động thu nhập là một dấu hiệu quan trọng trong việc đánh giá rủi ro của doanh nghiệp (Ferri và Jones, 1979). Thông thường các chủ nợ đánh giá về thu nhập kỳ vọng trong tương lai của công ty như là thước đo cho sự bảo đảm, do vậy một sự gia tăng trong biến động của thu nhập có thể làm giảm đi nguồn tài trợ bằng nợ đối với doanh nghiệp (Bradley và các cộng sự, 1984). Có rất nhiều các thước đo được sử dụng trên lý thuyết để đo lường biến động trong thu nhập. Bradley và các cộng sự (1984) sử dụng độ lệch chuẩn của phần trăm thay đổi trong dòng tiền mặt (thu nhập trước lãi, khấu hao và thuế). Titman và Wesels (1988) sử dụng thu nhập hoạt động thay vì dòng tiền mặt trong việc xây dựng thước đo biến động của thu nhập doanh nghiệp.

 Ba biến được sử dụng thêm để kiểm soát về chi phí đại diện là:

GROWTH = phần trăm thay đổi hàng năm trong tổng tài sản. Titman và Wessels (1984) cho rằng các cơ hội tăng trưởng của công ty là thước đo tốt cho chi phí đại diện của nợ. Titman và Wessels lập luận rằng xu hướng đầu tư vào các mục tiêu thứ cấp (sub-optimally) nhằm đoạt lấy lợi ích của các trái chủ dường như xuất hiện nhiều hơn ở công ty hoạt động trong các lĩnh vực tăng trưởng mạnh. Mặt khác, tăng trưởng có thể được coi như dấu hiệu của khả năng sinh lợi và thành công của doanh nghiệp. Nếu như vậy, GROWTH sẽ là thước đo cho các nguồn quỹ nội bộ sẵn có (available internal funds). Nếu công ty thành công và thu được lợi nhuận, sẽ có đủ các nguồn quỹ nội bộ sẵn có cho việc đầu tư. Điều này có thể liên quan tới các lập luận của Myers và Majluf (1984) trong lý thuyết trật tự phân hạng (“pecking order” theory), cho rằng có mối tương quan phủ định giữa việc sử dụng nợ vay với biến

GROWTH. Gần đây, trong nghiên cứu của McConell và Servaes (1995) cũng đưa ra lập luận cho chi phí đại diện là có sự khác biệt giữa các công ty tăng trưởng cao và thấp.

FCF = thước đo dòng tiền tự do của công ty, biến FCF được tính toán như sau:

FCF = OYBT + DEP + AMO – TAXPAID – DIVPAID Trong đó: OYBT = thu nhập trước thuế

DEP = chi phí khấu hao tài sản cố định trong kỳ AMO = khấu hao tài sản vô hình, như thương hiệu TAXPAID = tổng thuế phải trả

DIVPAID = tổng cổ tức phải trả

FCF là thước đo trực tiếp của dòng tiền mặt tự do theo lý thuyết của Jensen (1986). Giả thuyết dòng tiền tự do của Jensen lập luận rằng rằng các nhà quản trị ưu tiên sử dụng dòng tiền mặt tự do vượt trội để đầu tư vào các lựa chọn thứ cấp (sub- optimally) hơn là chi trả dòng tiền tự do này ra ngoài cho các cổ đông. Jensen (1986) dự đoán rằng các doanh nghiêp với dòng tiền tự do vượt trội dường như có mức đòn bẩy tài chính cao hơn. FCF được định nghĩa và tính toán trên đây gần như tương tự với cách thức của Lehn và Poulsen (1989).

PROF = doanh thu hoạt động trước thuế và lãi vay trên tổng tài sản. Các chỉ số thể hiện khả năng sinh lợi của doanh nghiệp thường được sử dụng như: các tỷ số về doanh thu hoạt động trên doanh thu hay trên tổng tài sản (Titman và Wessels, 1988) và tỷ số lợi nhuận bình quân trước thuế và lãi vay trên tổng tài sản (Wald, 1995). Sử dụng phiên bản được điều chỉnh của lý thuyết trật tự phân hạng, Myers và Majluf (1984) liên hệ khả năng sinh lợi của doanh nghiệp tới cấu trúc vốn bằng việc đưa ra lập luận cho rằng các công ty hoạt động có lợi nhuận có nhu cầu sử dụng nợ ít hơn do các nguồn quỹ bên trong đã sẵn có cho việc tài trợ. Do việc duy trì được thu nhập sẵn có, nên các công ty này có xu hướng xây dựng cơ cấu tài sản tương đối

độc lập (relative) với các khoản nợ. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện để đánh giá tác động của khả năng sinh lợi lên mức độ sử dụng nợ của doanh nghiệp, bao gồm cả nghiên cứu của Friend và Lang (1988). Nhìn chung, đa số các kết quả nghiên cứu đều cho thấy có mối tương quan phủ định giữa khả năng sinh lợi và đòn bẩy tài chính.

 Biến được sử dụng thêm để kiểm soát tương quan về đặc thù tài sản của doanh nghiệp là:

INTA = Tài sản cố định vô hình / Tổng tài sản

Balakrishnan và Fox (1993) lập luận rằng tài sản đặc thù làm phát sinh ra các vấn đề về tài trợ nợ. Đặc biệt, các tài sản này các tác động xấu tới khả năng vay mượn của công ty. Balakrishnan và Fox (1993) nêu ra các loại tài sản đặc thù của công ty chính là các loại tài sản vô hình như tên thương mại, chi phí nghiên cứu và phát triển và các khoản đầu tư thương hiệu khác. Do vậy, biến INTA có thể cho thấy được các cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Myers (1977) lập luận rằng chi phí đại diện liên quan đến tài sản cố định vô hình là cao hơn so với tài sản cố định hữu hình. Với các lập luận nêu trên, biến INTA nhiều khả năng cho thấy có tương quan phủ định với tỷ số D/E.

 Biến được sử dụng thêm để kiểm soát tác động của tấm chắn thuế: NDTS = Chi phí khấu hao hàng năm/ Tổng tài sản

Biến NDTS được sử dụng để kiểm tra các lập luận của DeAngelo và Masulis (1980) về tấm chắn thuế phi nợ vay. Các tác giả này lập luận rằng nếu mức độ của tấm chắn thuế phi nợ này càng lớn hơn, lợi ích từ việc sử dụng thêm nợ càng thấp hơn. Do vậy, các công ty có lợi ích từ tấm chắn thuế phi nợ vay cao được dự đoán thường nhận được ít ích lợi của tấm chắn thuế từ việc sử dụng nợ hơn và vì thế sẽ sử dụng nợ ít hơn. DeAngelo và Masulis (1980) lập luận vì thế có mối tương quan phủ định giữa biến NDTS đại diện cho lợi ích của tấm chắn thuế không từ nợ vay và tỷ số nợ.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Nghiên cứu tác động của cấu trúc sở hữu đến mức độ sử dụng nợ của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)