Xu hướng nhập khẩu các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường

Một phần của tài liệu Khảo sát cơ cấu và xu hướng nhập khẩu thuốc điều trị đái tháo đường tại việt nam giai đoạn 2006 2011 (Trang 43)

Ba nhóm thuốc điều trị ĐTĐ được nhập khẩu nhiều nhất (về tỷ trọng giá trị KNNK, tỷ trọng tổng số liều DDD, số lượng SĐK) vào Việt Nam là: biguanid, sulfonamide/dẫn xuất ure, và insulin. Khảo sát kỹ cho thấy giá trị KNNK, số lượng SĐK, tổng số liều DDD của cả ba nhóm thuốc này có xu hướng tăng lên trong giai đoạn nghiên cứu. Cả ba nhóm thuốc này đều được khuyến cáo sử dụng sớm trong các phác đồ điều trị ĐTĐ của IDF và của ADA/EASD.

Nhóm thiazolidinedion không tăng nhiều về giá trị KNNK, tỷ trọng KNNK liên tục giảm, đặc biệt, vào năm 2011 giảm xuống mức dưới 2%. Hai hoạt chất của nhóm thuốc này được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam là rosiglitazon và pioglitazon. Trong đó, hoạt chất rosiglitazon đã bị Cục Quản lý dược Việt Nam cho ngừng nhập khẩu vào 22/03/2011, vì tác dụng phụ gây nguy cơ tim mạch và đau thắt ngực [7].

Theo các phác đồ điều trị của IDF, ADA/EASD, metformin (thuộc nhóm biuanid) là ưu tiên hàng đầu để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị KNNK và tỷ trọng tổng số liều DDD nhập khẩu của nhóm thuốc biguanid thấp hơn của nhóm thuốc sulfonamide/dẫn xuất ure, điều này khác so với nghiên cứu của Đào Mai Hương, của Kong Chunny và của Marta Baviera [6],[8],[10].

Tỷ lệ nhập khẩu sulfonamide/dẫn xuất ure cao hơn biguanid giống với nghiên cứu của B.Hanko’ và cộng sự về việc sử dụng thuốc ĐTĐ tại Hungary. Tuy nhiên nghiên cứu này được thực hiện vào giai đoạn 1998 – 2002, khác với giai đoạn nghiên cứu 2006 – 2011 trong khóa luận [13].

Một phần của tài liệu Khảo sát cơ cấu và xu hướng nhập khẩu thuốc điều trị đái tháo đường tại việt nam giai đoạn 2006 2011 (Trang 43)